Cách đây 20 năm, với sự hỗ trợ kinh phí xây dựng từ Hội Người mù và kém mắt Na uy, Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù thuộc Hội Người mù Việt Nam đi vào hoạt động. Với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của Hội Người mù Việt Nam, nơi đây còn nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ cho việc học tập, giảng dạy, hội thảo về những vấn đề của người mù, mang lại nhiều cơ hội, mở ra tương lai tươi sáng cho người mù Việt Nam.
Bước ngoặt của công tác GDĐT cho người mù
Thành lập từ năm 1994 nhưng đến cuối năm 1997, Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù mới chính thức đi vào hoạt động. Đứng trước những khó khăn bộn bề khi đội ngũ cán bộ, giáo viên mỏng, giáo trình, tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy ít, cơ hội học tập nâng cao trình độ giảng dạy, kinh nghiệm tổ chức các khoá học cho giáo viên hạn chế, Ban Giám đốc Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các tổ nhóm chuyên môn và cá nhân từng giáo viên, đồng thời phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với Vụ khoa học công nghệ, Viện Khoa học Giáo dục, Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Lao động xã hội, Khoa Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm Hà Nội… nhằm xây dựng các chương trình và loại hình đào tạo phù hợp với tình hình phát triển của người mù cũng như sự phát triển chung của xã hội. Và một trong những yếu tố tiên quyết, quyết định sự trưởng thành, lớn mạnh trong suốt những năm qua của Trung tâm, đó chính là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của Hội người mù Việt Nam.
Đại diện Ban Giám đốc Trung tâm đón nhận Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Vì có thành tích xuất sắc trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật
Theo ông Trương Công Định, Giám đốc Trung tâm, ngay từ những ngày đầu thành lập, đội ngũ giáo viên giảng dạy của Trung tâm chỉ khoảng 5 - 6 người, con số ấy đến nay đã tăng lên gần ba chục người, trong đó 100% giáo viên, cán bộ có trình độ Đại học và 30% có trình độ trên Đại học, toàn bộ giáo viên đều có văn bằng, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục phổ thông, sư phạm dạy nghề và có tới 11 giáo viên, cán bộ là người khuyết tật. Các loại hình đào tạo cũng được mở rộng, nâng cao, với các lớp đào tạo cán bộ Hội, nâng cao năng lực cán bộ, giáo viên dạy chữ Braille và PHCN, giáo viên tin học, kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt cổ truyền, tác động cột sống, massage Thuỵ Điển, sản xuất sách kỹ thuật số… Để đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, Trung tâm đã đưa vào giảng dạy những nội dung mới với các lớp kỹ năng sống và làm việc, ghi âm và xử lý âm thanh, tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho học viên xoa bóp bấm huyệt, công tác xã hội, các ứng dụng mới trên Internet.
Sự ra đời của Trung tâm là bước ngoặt quan trọng của công tác giáo dục đào tạo cho người mù, nơi chắp cánh ước mơ, thắp sáng niềm tin cho bao thế hệ học trò mất đi “cửa sổ tâm hồn”. Trong 20 năm qua, Trung tâm đã đào tạo, bồi dưỡng cho 5.058 lượt học viên là người mù trong cả nước, với gần 96% học viên của Trung tâm đều đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ và chứng nhận sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch nghiêm túc, có hơn 70% học viên đạt loại khá, giỏi và sau mỗi khoá học, các học viên đã áp dụng các kiến thức, kỹ năng học tại Trung tâm thi vào các trường Đại học hoặc tiếp tục tham gia học phổ thông đạt kết quả cao; 100% học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt đều có việc làm với mức thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng; đội ngũ giáo viên tham gia hỗ trợ đào tạo cho các học viên tại nhiều tỉnh, thành Hội… Những kết quả đó đã nói lên hiệu quả và sự đóng góp thiết thực vào công tác giáo dục, PHCN cho người mù của Trung tâm.
Nhiều sáng kiến vì sự phát triển của người mù
Song song với các hoạt động đào tạo, tập huấn, Trung tâm đã không ngừng nghiên cứu, biên soạn, chỉnh lý các bộ giáo trình, tài liệu về Tin học văn phòng, Xoa bóp bấm huyệt, Tâm lý người mù, Phương pháp giảng dạy cho người mù, chuyển đổi sách giáo khoa xoá mù chữ sang chữ Braille... Bên cạnh việc nghiên cứu, biên soạn sách, Trung tâm còn tổ chức sản xuất các tài liệu ghi âm kỹ thuật số trên đĩa CD, băng cassette để vừa phục vụ công tác giảng dạy, học tập tại Trung tâm, vừa là tài liệu cung cấp cho người mù các tỉnh, thành trên cả nước.
Các thầy giáo, cô giáo, các mạnh thường quân vinh dự được trao tặng Kỷ niệm chương
Vì Hạnh phúc người mù của Hội người mù Việt Nam
Nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, Ban Giám đốc Trung tâm đã cử cán bộ, giáo viên tham gia các hội thảo đóng góp ý kiến, xây dựng thẩm định thống nhất hệ thống ký hiệu Giáo dục Vụ Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trung tâm đã phối hợp cùng Ban Lao động sản xuất của Hội người mù Việt Nam tổ chức thành công Hội thi tay nghề Tẩm quất xoa bóp lần thứ Nhất trong toàn hệ thống Hội. Qua Hội thi đã tôn vinh những kỹ thuật viên đang làm nghề xoa bóp bấm huyệt là người mù có tay nghề cao, tạo nguồn giáo viên đào tạo và nâng cao nhận thức của xã hội về nghề xoa bóp bấm huyệt của người mù.
Để góp phần mang lại tương lai tươi sáng cho người mù, Trung tâm đào tạo cán bộ PHCN đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đa dạng hoá các loại hình, phương pháp tổ chức khoá học để đáp ứng nhu cầu của người mù ở khắp các vùng miền trên cả nước. Cách làm đó đã và đang trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển giáo dục, chuyên môn nghề nghiệp cho chính các cán bộ, giáo viên và học viên. Trung tâm cũng đặt ra mục tiêu đào tạo cán bộ PHCN các tỉnh phía Nam, miền Trung Tây Nguyên và đặc biệt là cán bộ các tỉnh, thành Hội mới, sắp thành lập và tiếp tục hoàn thiện giáo trình, tài liệu cho các loại hình đào tạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú… phấn đấu xây dựng Trung tâm trở thành một cơ sở đào tạo cho người mù có quy mô và chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực.
Tin mới
- Thương Thương Handmade Thổi hồn qua giấy - 12/04/2018 06:59
- Mỗi ngày, hàng trăm trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ - 03/04/2018 03:42
- Nữ bác sĩ 30 năm gây mê mổ tách các ca song sinh dính nhau - 27/02/2018 03:34
- Chi hội Cát Trắng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng - 12/02/2018 06:35
- Xúc động thầy giáo không ngón tay vẫn dành cả đời cầm phấn - 02/02/2018 09:12
Các tin khác
- Nguyễn Tuấn Tú: truyền cảm hứng sống và học tập cho người khiếm thị - 11/01/2018 04:09
- “Thể thao kết nối tình yêu của chúng tôi” - 11/12/2017 08:44
- Vẽ ước mơ của mình và những người đồng cảnh - 21/11/2017 08:06
- Hạnh phúc vẹn tròn từ hai mảnh đời khuyết - 21/11/2017 08:04
- Liệt nửa người vẫn mở thư viện sách và kêu gọi từ thiện - 31/10/2017 03:49