Thứ sáu, 31 Tháng 3 2023 15:08

Thực hiện Chỉ thị 05 ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư, Nghị quyết 160 ngày 22/12/2021 của Chính phủ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã phối hợp với các cấp, ngành tập trung triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực giúp người dân giảm nghèo bền vững. Bên cạnh nguồn lực ngân sách nhà nước, huyện đã lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cùng các chương trình, mô hình hỗ trợ khác, nhằm mang lại nhiều hơn cơ hội thoát nghèo bền vững cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.  

 

GN Huyện Cai Lậy - TG 1

Chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cai Lậy, nhiều gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế từ vườn cây ăn quả.

 

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Cai Lậy, 5 năm qua, toàn huyện có hơn 1.700 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,66%, hộ cận nghèo còn 3,94% cuối năm 2020, năm 2021 giảm 889 hộ nghèo, chiếm 1,65%. Để có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền các xã đã tích cực triển khai các giải pháp, phương án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao thu nhập, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về vốn vay, nghề nghiệp, việc làm… Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, tổ chức tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo cách tiếp cận đa chiều, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng… Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể đã nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như Tổ tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo, Góp vốn xoay vòng, xây dựng Nhà đồng đội cho cựu chiến binh, Mái ấm tình thương cho hội viên phụ nữ...

 

Với tinh thần nỗ lực giảm nghèo bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện và 16 xã đã tổ chức các đợt tuyên truyền chính sách giảm nghèo, huy động nguồn lực thực hiện hoạt động trợ giúp xã hội. Đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực chất Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã, khơi dậy ý chí lao động, ý thức vươn lên của từng gia đình. Mặt khác tập trung rà soát, thống kê, phân loại đối tượng hộ nghèo để có những hình thức hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ; hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động kinh phí xây dựng nhà ở, tặng quà thiết yếu cho các hộ nghèo nhân dịp lễ, tết, khai giảng các lớp dạy nghề… nhằm tạo động lực để các hộ dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

 

Nổi bật trong các chương trình, mô hình hỗ trợ giảm nghèo, đó là Dự án Nuôi heo sinh sản và cải tạo vườn sầu riêng cho 21 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Phú Cường và Ngũ Hiệp với tổng kinh phí 231 triệu đồng do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện triển khai. Huyện cũng chủ động điều tra, cập nhật biến động, quản lý danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, có giải pháp duy trì tỷ lệ hộ cận nghèo đã thoát nghèo bền vững; Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Cai Lậy đã phối hợp giải ngân trên 59 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 1.900 lượt hộ vay, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở, xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, hoàn thiện các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...

 

GN Huyện Cai Lậy - TG 2

Niềm vui của người nông dân nghèo được hỗ trợ vốn đầu tư vào mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình "Góp vốn xoay vòng" cũng trở thành điểm sáng của Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Thành Nam trong công tác giảm nghèo. Toàn xã hiện có 17 tổ góp vốn xoay vòng, 305 thành viên tham gia, số tiền góp vốn từ 500.000 đồng/thành viên đến 1.000.000 đồng/thành viên mỗi tháng. Từ nguồn vốn này, đã giúp cho nhiều cựu chiến binh có điều kiện chăm sóc cây trồng, chăn nuôi, sửa chữa, xây dựng nhà ở. Để hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Cựu chiến binh huyện chỉ đạo khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội. Nhiều hội viên đã chọn mô hình sinh kế phù hợp, nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhiều hộ gia đình thương binh từng là hộ nghèo, không có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, đến nay đã biết và áp dụng nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong công việc chăn nuôi dê, heo, bò sinh sản, mang lại hiệu quả cao, tạo nguồn thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế cho gia đình. Từ mô hình này đã phát huy tinh thần tương thân tương ái trong hội viên và nghĩa tình đồng đội, tương trợ nhau, hỗ trợ nhau thoát nghèo bền vững.

 

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025, huyện Cai Lậy còn 770 hộ nghèo (tỷ lệ 1,42%), hộ cận nghèo là 2.036 hộ (tỷ lệ 3,78%). Ban Chỉ đạo giảm nghèo và các ban, ngành trong huyện đã nỗ lực trong công tác giảm nghèo, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Cai Lậy đã giảm xuống còn 1,18%, hộ cận nghèo còn 2,32%. 

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,05% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII, huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm, điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin… cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế, giảm nghèo bền vững. Chính quyền, các đoàn thể phối hợp tuyên truyền, khích lệ ý thức vươn lên của từng gia đình, chú trọng tập huấn nghiệp vụ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở, huy động tốt nguồn lực cho công tác an sinh xã hội…

 

GN Huyện Cai Lậy - TG 3

Lớp dạy nghề nấu ăn tại xã Cẩm Sơn đã mang lại cơ hội việc làm cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong huyện.

Là một trong số các gia đình được huyện hỗ trợ vay vốn, gia đình chị Ngô Vân Anh (ấp Tân Thiện, xã Tân Phong) đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Trước đây, vợ chồng chị đi làm thuê, thu nhập chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho 3 thành viên. Năm 2020, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chị vay 45 triệu đồng cải tạo 2,5 ha vườn, trồng xen canh Sầu Riêng, mít Thái và một vài loại cây ăn quả ngắn ngày. Kiên trì với quyết tâm thoát nghèo, chăm chỉ lao động, đến nay vườn cây bắt đầu cho thu hoạch đã giúp cuộc sống gia đình chị ổn định hơn. Chị Vân Anh vui lắm khi nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, tạo nguồn vốn để gia đình chị có cơ hội vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Ngọc Minh

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Giảm nghèo , Cai Lậy , giải pháp , hỗ trợ , Tiền Giang

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi