Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết GDP quý I/2023 ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2023.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, 3 tháng đầu năm 2023 bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm.
Trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán. Các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.
Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp là nền tảng quan trọng để duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.
Theo Báo báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, GDP quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ quý I/2023 như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.
Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).
Về sử dụng GDP quý I/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%./.
Tin mới
- Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống COVID-19, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng - 13/04/2023 00:35
- PAPI 2022: Phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế - 12/04/2023 09:23
- Đề nghị bảo đảm tiền lương, phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở - 12/04/2023 04:23
- Tín dụng chính sách xã hội “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo - 03/04/2023 07:54
- Huyện Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững - 31/03/2023 08:08
Các tin khác
- Truyền thông chính sách: Nhân rộng năng lượng tích cực - 28/03/2023 07:18
- Công nghệ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho dệt may Việt Nam - 26/03/2023 23:04
- Áp dụng tiến bộ KHCN trong chăn nuôi giúp giảm nghèo huyện Thanh Sơn, Phú Thọ - 17/03/2023 08:32
- Huyện Hà Quảng - Đa dạng hóa mô hình giảm nghèo bền vững - 09/03/2023 23:17
- Giá cà phê nội địa xu hướng ổn định - 09/03/2023 02:25