Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đề ra những hướng đi, mô hình hiệu quả, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, tận dụng lợi thế địa phương để nhân rộng mô hình giảm nghèo. Qua đó đã góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định an ninh chính trị, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đối với các hộ nghèo, cận nghèo và người dân địa phương.
Với đặc thù huyện miền núi, biên giới có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Phát huy truyền thống cách mạng, nhiều năm qua chính quyền và nhân dân huyện Hà Quảng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế địa phương, trong đó chú trọng việc thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phát triển kinh tế.
Mô hình trồng bưởi da xanh tại xã Trường Hà (Hà Quảng) cho hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cấp ủy chính quyền huyện Hà Quảng đã nỗ lực triển khai các giải pháp giảm nghèo, ủy bản nhân dân huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các văn bản giao nhiệm vụ cho các cấp, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến các mô hình, dự án giảm nghèo đến các tầng lớp nhân dân, người nghèo và đối tượng thụ hưởng bằng nhiều hình thức, giúp người nghèo chủ động tiếp cận các nguồn thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để vươn lên thoát nghèo. Các chính sách, chương trình giảm nghèo được phổ biến, triển khai đồng bộ, các hộ nghèo được tiếp nhận, vận dụng phù hợp với điều kiện địa phương.
Năm 2022, huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo giúp cải thiện đời sống cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo. Một số mô hình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đạt hiệu quả cao như mô hình tạo việc làm công; mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cải thiện dinh dưỡng... Với hình thức triển khai đa dạng nhiều mô hình giảm nghèo đã tác động tích cực, làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức cho người dân và là động lực để nhiều hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, huyện Hà Quảng cũng chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, chăm lo xây dựng và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao vị trí, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Huyện cũng tập trung xây dựng và mở rộng các mô hình hợp tác kiểu mới, triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất quy mô lớn, trong đó tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.Các mô hình kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân ổn định sản xuất, vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại địa phương.
Mô hình trồng lúa thương phẩm tại xã Ngọc Đào (Hà Quảng) giúp cải thiện đời sống người dân nghèo.
Nhằm động viên, khích lệ người dân cải thiện đời sống, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tích cực vận động, tuyên truyền để người dân tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiện nay, một số mô hình giảm nghèo đã đem lại hiệu quả, như mô hình trồng gừng trâu theo hướng hữu cơ tại các xã Thượng Thôn, Nội Thôn, Cải Viên với hơn 1.000 hộ tham gia, cho sản lượng mỗi vụ đạt gần 2.000 tấn; mô hình trồng lúa thương phẩm tại xã Ngọc Đào và thị trấn Xuân Hòa với 378 hộ tham gia, cho sản lượng đạt 625 tấn; mô hình trồng bưởi da xanh tại các xã Trường Hà, Cần Yên, Đa Thông, Ngọc Động, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đỗ tương ở các xã Lương Can, Tổng Cọt, Mã Ba, ớt hữu cơ, ngô ngọt cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, huyện duy trì 12 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, vật tư nông nghiệp. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, nhất là các thôn xóm, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Trong đó, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, trên 96% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, hơn 90% phòng học được kiên cố, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15 triệu đồng/năm…
Đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo bởi trong quá trình tổ chức thực hiện triển khai các mô hình giảm nghèo, huyện đã nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, các đơn vị thực hiện đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịp thời kiểm tra giám sát và giải quyết các phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, mô hình. Bên cạnh đó, huyện đã thành lập ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tổ chức tốt công tác truyền thông, thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của nhân dân về chương trình giảm nghèo.
Có thể khẳng định, các chính sách đặc thù, các mô hình giảm nghèo được huyện thực hiện trong thời gian qua đã đem lại nguồn lực lớn, giúp Hà Quảng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, giúp địa phương sớm hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Thành Trung
Với đặc thù huyện miền núi, biên giới có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Phát huy truyền thống cách mạng, nhiều năm qua chính quyền và nhân dân huyện Hà Quảng đã đề ra nhiều giải pháp nhằm tận dụng tối đa lợi thế, tiềm năng, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế địa phương, trong đó chú trọng việc thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phát triển kinh tế.
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Huyện Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững - 31/03/2023 08:08
- GDP quý I/2023 ước tăng 3,32% - 29/03/2023 06:34
- Truyền thông chính sách: Nhân rộng năng lượng tích cực - 28/03/2023 07:18
- Công nghệ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho dệt may Việt Nam - 26/03/2023 23:04
- Áp dụng tiến bộ KHCN trong chăn nuôi giúp giảm nghèo huyện Thanh Sơn, Phú Thọ - 17/03/2023 08:32
Các tin khác
- Giá cà phê nội địa xu hướng ổn định - 09/03/2023 02:25
- Miền Bắc sắp đón không khí lạnh - 07/03/2023 04:25
- Trung Chải nỗ lực hiện tốt công tác giảm nghèo - 06/03/2023 08:09
- Đẩy mạnh truyền thông sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023 - 06/03/2023 08:04
- Đào tạo về quản lý và điều trị đái tháo đường cho nhân viên y tế tuyến huyện, xã - 06/03/2023 07:50