Thủ tướng Chính phủ mới đây ban hành chỉ thị xác định truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp; cần bố trí biên chế và kinh phí thường xuyên cho công tác này.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách, ngày 24/11/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ"
Để dân biết, dân làm, dân hưởng thụ
Thời gian qua, hệ thống báo chí, truyền thông bao gồm cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) đã tích cực tham gia công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ".
Đồng thời, các cổng thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước hoạt động ngày một tốt hơn, nhất là Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã và đang thể hiện rõ vai trò là nơi cung cấp thông tin nguồn và định hướng tuyên truyền rất hiệu quả về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tới các tầng lớp nhân dân và cho báo chí, truyền thông.
Tuy nhiên, các kết quả bước đầu của việc đổi mới công tác truyền thông chính sách chủ yếu vẫn tập trung ở các cơ quan đầu não ở Trung ương. Thậm chí, một số cơ quan, đơn vị còn chưa biết cách làm công tác này. Năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí ở một số cơ quan hành chính địa phương vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí khá phổ biến ở nhiều bộ ngành, địa phương, dẫn đến việc báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để truyền thông chính sách.
Không ít đơn vị chưa hình thành được đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp, chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí được nguồn lực phù hợp; thiếu cả nhân lực, điều kiện làm việc, trang thiết bị, kinh phí tài chính... Có nơi, công chức, viên chức làm truyền thông kiêm nhiệm cả các công việc khác, không có kiến thức chuyên ngành về quan hệ công chúng và xử lý khủng hoảng truyền thông.
Chuyên trang Xây dựng chính sách, pháp luật của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày càng thu hút bạn đọc gần xa
Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực
Chính vì vậy, Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ khẳng định truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, đổi mới phương thức truyền thông, hình thức cung cấp thông tin cho báo chí và người dân; bảo đảm tính công khai, minh bạch; quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách.
Song song với việc thường xuyên xây dựng kế hoạch truyền thông, các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị truyền thông; đặt hàng cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ truyền thông chính sách.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức biên chế của công chức, viên chức làm công tác truyền thông; Bộ Tài chính bố trí kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện công tác truyền thông chính sách theo đúng qui định của pháp luật.
Người dân kỳ vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách: Nhận thức-Hành động-Nguồn lực cuối năm 2022, đến Chỉ thị nêu trên sẽ tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách; góp phần quan trọng đưa chính sách vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.
Đồng thời, truyền thông chính sách tốt sẽ nâng cao năng lượng tích cực, hiệu lực, hiệu quả của chính sách; thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong công tác trong đấu tranh, phản bác kịp thời quan điểm sai trái, thông tin xấu độc; "lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực", ổn định tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng./.
Tin mới
- PAPI 2022: Phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế - 12/04/2023 09:23
- Đề nghị bảo đảm tiền lương, phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở - 12/04/2023 04:23
- Tín dụng chính sách xã hội “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo - 03/04/2023 07:54
- Huyện Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang: Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững - 31/03/2023 08:08
- GDP quý I/2023 ước tăng 3,32% - 29/03/2023 06:34
Các tin khác
- Công nghệ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh mới cho dệt may Việt Nam - 26/03/2023 23:04
- Áp dụng tiến bộ KHCN trong chăn nuôi giúp giảm nghèo huyện Thanh Sơn, Phú Thọ - 17/03/2023 08:32
- Huyện Hà Quảng - Đa dạng hóa mô hình giảm nghèo bền vững - 09/03/2023 23:17
- Giá cà phê nội địa xu hướng ổn định - 09/03/2023 02:25
- Miền Bắc sắp đón không khí lạnh - 07/03/2023 04:25