Chủ nhật, 12 Tháng 6 2016 07:36

"Khổ đến cùng cực" là câu nói của những người bà con, hàng xóm dành cho gia đình chị Lệ cùng 3 người con gồm Ngọc, Kiệt, Tạo. Định kỳ mỗi tháng, các em lại phải thay nhau đến bệnh viện để truyền máu nhằm duy trì sự sống.

 

Lần theo sự chỉ dẫn của người dân thôn Phú An, chúng tôi tìm đến nhà chị Lệ mà theo cách gọi của họ là gia đình "khổ đến cùng cực". Khi chúng tôi đến, chỉ có chị và cậu con út ở nhà, hai anh đã theo cha ra Đà Nẵng để chuyền máu. Chị cho biết, chưa đến ngày phải truyền máu nhưng hai cháu xanh xao quá nên phải đưa đi sớm, thật ra phải đi từ mấy ngày trước nhưng cháu Ngọc (con thứ của chị) cứ nhất quyết nhận xong phần thưởng cuối năm mới chịu theo cha đi viện.

 

3AE1.nhandao
Chị Lệ và cậu con út


Sinh ra trong một gia đình nghèo khó khiến cuộc sống của vợ chồng chị Trần Thị Lệ (SN 1976) và anh Trương Văn Y (SN 1968, xã Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) muôn phần vất vả, khó khăn. Nhưng bù lại, họ có cậu con trai Trương Minh Châu (SN 1988) học giỏi và chăm ngoan.

 

Hạnh phúc càng nhân đôi, khi năm 2005 cậu bé Trương Minh Ngọc cất tiếng khóc chào đời. Thế nhưng, chỉ sau 8 tháng chị Lệ đau đớn khi hay tin Ngọc bị bệnh Thalassemia (bệnh huyết tán, bệnh nhân chỉ có thể duy trì sự sống bằng cách truyền máu liên tục-PV).

 

3AE2.nhandao
Giấy ra viện của các em và sổ phầu thuật lá lách của em Minh Ngọc

 

Nhìn con trai đau ốm, bệnh tật chị như xé lòng, xé dạ, chỉ mong tất cả nỗi đau ấy dồn vào mình. Suốt 11 năm qua, tháng nào Ngọc cũng phải vào bệnh viện để truyền máu, thải sắt liên tục. Chị đau đớn nhìn xấp giấy ra viện của con: "Bác sĩ bảo bệnh này không chữa khỏi được, cháu phải thực hiện truyền máu liên tục để duy trì sự sống. Nếu cháu có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn hay da xanh xao phải đưa đến bệnh viện ngay vì để lâu rất nguy hiểm. Chỉ có một cách duy nhất là thay tủy, nhưng chi phí khá cao phải tiền tỷ mới chữa được. Nhưng vợ chồng tôi phải chạy ăn từng bữa, nhà cũng là ở nhờ của ông nội chồng thì lấy gì mà lo cho con".

 

3AE3.nhandao
Giấy khen của em Ngọc


Nhìn con ngày một yếu, suy kiệt, trái tim chị như quặn thắt theo từng cơn đau của con. Chỉ cần nghe ở đâu có thầy giỏi, chữa hay chị đều cất công tìm đến, khi thì trong xã, có khi đến tận miệt Cần Thơ. Với chị, tốn bao nhiêu tiền không quan trọng, nếu có nhịn ăn, nhịn mặc lo cho con chị đều sẵn lòng. Nhưng công sức bỏ ra chỉ là công cốc khi tiền thì cứ đội nón ra đi, bệnh tình con thì ngày một trầm trọng.

 

Đau thương tiếp nối đau thương, người mẹ trẻ như chết lặng khi hay tin cháu Trương Minh Châu, đứa con lành lặn duy nhất đã ra đi trong một lần cứu bạn. Ngày 9/2/2011, Châu và 12 bạn cùng lớp đi chơi gần khu vực sông Thu Bồn (đoạn chảy qua xã Đại Minh) thì có 2 bạn nữ vô ý trượt chân rơi xuống sông nhưng lại không biết bơi. Thấy bạn gặp nạn, Châu liều mình nhảy xuống dòng nước sâu và đưa được bạn lên bờ. Còn Châu lại bị nhấn chìm dưới dòng nước và tử vong. Kẻ đầu bạc nay tiễn kẻ đầu xanh, vợ chồng chị tưởng như ngã quỵ trước nỗi mất mát quá lớn này, nhưng còn Ngọc, chị vẫn phải sống để lo cho con.

 

3AE4.nhandao
Giấy khen của Ngọc mới lãnh về rồi lại vội vã đi viện vì bệnh trở nặng


Năm 2013, cậu con trai Trương Nho Kiệt ra đời mang theo niềm hy vọng của mẹ là con được khỏe mạnh. Nhưng trời không chiều lòng người, cứ ngỡ đau thương sẽ chấm dứt nhưng đến tháng thứ 3 cháu Kiệt có biểu hiện nóng sốt, da xanh xao. Chị lại tất tả ôm con đi viện và điều gì đến cũng đến, Kiệt bị bệnh Thalassemia. Chị cố gắng trấn tĩnh để không gục xuống ngay lúc đó. Bao nhiêu hy vọng cứ thế sụp đổ ngay trước mắt.

 

Thương con, vợ chồng lại cố gắng kiếm tiền chữa trị, duy trì sự sống cho con. Anh Y làm phụ hồ với tiền công 100 ngàn/ngày. Con còn nhỏ, lại đau ốm liên miên, chị lại phải ở nhà để chăm con. Những khi con đi viện, vợ chồng lại bỏ hết công việc để theo con nên cuộc sống đã khó khăn nay càng thêm vất vả. Bao nhiêu tiền kiếm được đều đi theo mỗi chuyến vào ra viện của con.

 

3AE5.nhandao
Di ảnh em Minh Châu, đứa con lành lặn duy nhất của anh chị


Chị tâm sự: "Bệnh này tháng nào cũng vào viện, may nhờ có bảo hiểm trẻ nhỏ, nhà nghèo nên được miễn giảm viện phí nhưng tiền kiếm được hằng ngày cũng không đủ theo con mỗi chuyến đi viện. Bệnh còn gây ra các biến chứng như lách lớn dần khiến bụng của Ngọc phình to. Gia đình phải đưa con vào bệnh viện Nhi Đồng I ở TPHCM để phẫu thuật cắt lách. Bên cạnh đó, mỗi lần truyền máu nếu dư sắt phải đến viện để lọc sắt rất vất vả".

 

Tháng 12/2015, chị lại hạ sinh đứa con thứ 4 mang tên Trương Định Tạo (theo chị, nó có nghĩa là không định tạo) nhưng con là của trời cho nên anh chị vẫn quyết giữ đứa bé với niềm hy vọng mong manh. Nhưng đến tháng thứ 3, bé Tạo cũng có biểu hiện giống hai anh, thế là ngày tháng đến viện của con lại bắt đầu. Càng nghĩ càng tủi thân, chị chỉ biết nuốt nước mắt ngược vào trong để lo cho con.

 

3AE6.nhandao
Bé Định Tạo ngủ trên vai mẹ sau một hồi mệt mỏi vì bệnh hành hạ, mô hôi em cứ chảy suốt dù nắng hay mưa, đã nhiều tháng tuổi nhưng Tạo vẫn chưa chập chững được như trẻ khác vì sức khỏe quá yếu


Nhìn Tạo ngủ ngon lành trên vai mình, chị lại nghĩ đến những tháng ngày sau này của con cũng giống như hai anh, phải gắn liền với bịch máu, cây kim chị lại xót xa. Hàng ngàn câu hỏi "Tại sao?" cứ luôn ám ảnh, theo chị vào tận giấc ngủ, đến lúc tỉnh giấc lại giật mình thảng thốt mong sao tất cả chỉ là giấc mơ.

 

Đã có lúc chị nghĩ đến cái chết trước nỗi đau quá lớn này, nhưng nhìn đàn con nheo nhóc, bệnh tật chị lại không đành lòng. Thấy mẹ khóc, Ngọc hỏi mẹ: "Sao mẹ lại khóc, có phải do con và em bị bệnh không, bệnh của con có chữa khỏi được không?". Bao nhiêu câu hỏi của con là bấy nhiêu sự giằng xé trong tâm hồn chị. Chị lại nhỏ nhẹ nói với con nhất định con sẽ khỏi bệnh, sẽ được tiếp tục đến trường, chạy nhảy như bạn bè.

 

Chị quay mặt đi, giấu giọt nước mắt chợt tuôn trào khi nghĩ về tương lai mịt mù của ba đứa con thơ. Chị nói: "Ngọc ham học lắm, năm nào cũng đạt học sinh giỏi, cháu nói có thể không truyền máu nhưng không bỏ học. Ngày trước Châu, anh Ngọc cũng ham học lắm, luôn đạt học sinh giỏi lại còn đi thi học sinh giỏi văn của huyện, thủ lĩnh đội giỏi nữa. Noi gương anh nên Ngọc luôn cố gắng, nó quý mấy tấm bằng khen còn hơn bất cứ món đồ nào.

 

Khi xem phim, Ngọc nói với mẹ: "Mẹ ơi, nhà họ có 5 nàng tiên, nhà mình lại có 3 thằng đau, mẹ nhỉ". Nghe con nói mà chị xót xa, chắc con cũng biết bệnh tình của mình nên chẳng khi nào chị dám khóc trước mặt các con, tủi hổ quá thì chỉ biết lặng lẽ khóc sau khi các con đã chìm vào giấc ngủ.

 

Trao đổi với PV, cô Trần Thị Thủy (hàng xóm chị Lệ) cho biết: "Số vợ chồng em nó khổ lắm, nhiều lúc nó còn không dám đi ra ngoài đường vì đi đâu ai cũng hỏi, nó tủi lắm chỉ biết khóc thầm. Nhìn con người ta mạnh khỏe, nhìn lại con mình vợ chồng Lệ xót xa lắm, không biết ông trời sao lại đối xử với vợ chồng nó như thế, đúng là quá khổ mà. Chúng tôi lâu lâu cũng đến động viên an ủi em nó cố gắng vượt qua còn lo cho con. Nhiều lúc Lệ có ý định tự tử nhưng khi nghĩ đến ba đứa nhỏ nó lại thôi, cứ buồn và khóc miết, sức khỏe vợ chồng cũng dần sa sút, chúng tôi thương lắm".

 

Cô Trần Thị Tích (Hội trưởng hội phụ nữ thôn Phú An) chia sẻ: "Gia đình Lệ và anh Y là gia đình khó khăn của thôn, hoàn cảnh rất đáng thương, có thể nói tận cùng của đau khổ. Thôn cũng có cử người đến động viên vợ chồng Lệ cố gắng vươn lên lo cho con, có hỗ trợ nhưng cũng không thấm vào đâu vì bệnh này phải chiến đấu lâu dài. Nghe đâu có biện pháp thay tủy, nhưng tiền nhiều lắm, với số tiền đó là quá lớn so với vùng quê nghèo khó này".

 

Anh Lê Huy Phục (Ban lao động, thương binh và xã hội xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc) cho biết: "Gia đình chị Lệ và anh Y là gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn và thương tâm của xã. Xã cũng đã hỗ trợ hộ nghèo cho anh chị nhưng số tiền mà chị chạy chữa cho các con là lâu dài nên khó mà đủ được. Rất mong các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ phần nào để giúp đỡ anh chị, vì gia cảnh họ quá khổ".

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Trần Thị Lệ, thôn Phú An, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam

ĐT: 0165.979.1762

 

Theo Dân trí

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi