Thứ bảy, 11 Tháng 6 2016 07:27

Ở cái tuổi 82, cái tuổi đáng ra phải hưởng cuộc sống đầy đủ, sum vầy bên con cháu, thì cụ Xuân vẫn đang phải gồng mình bươn chải. Suốt đời cụ, hai chữ "vất vả" cứ đeo bám không rời.

 

Chúng tôi theo chân anh Nguyễn Văn Khiêm, thành viên trong đội tình nguyện huyện Giao Thủy đến thăm gia đình cụ Phạm Thị Xuân (82 tuổi, đội 4, xóm 11, xã Hồng Thuận , huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Ngôi nhà lụp xụp, nằm ven đê sông Hồng, không có gì đáng giá ngoài chiếc giường mọt và bộ bàn ghế tạm bợ.

 

Vừa đến đầu ngõ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cụ già tóc bạc, lưng gù, trên tay cầm chiếc bát đang lom khom đi xuống bếp. Nghe thấy tiếng chào, cụ quay lại, nhưng phải bước gần về phía người lạ mới nhìn rõ khách.

 

82T1.nhandao
Cụ Xuân ở Giao Thủy, Nam Định, năm nay đã ngoài 80 tuổi


82T2.nhandao
Căn nhà của cụ Xuân không có gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ


82T3.nhandao
Căn bếp chỉ toàn đồ "đồng nát" được vun lại thành đống


Tiếp chuyện chúng tôi cụ Xuân nghẹn ngào tâm sự. Xuất thân trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ cụ đã phải làm lụng vất vả, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng cảnh đói nghèo cứ đeo bám không thôi. Năm cụ Xuân 11 tuổi, nạn đói tràn về, bố mẹ già đều qua đời, anh em không còn một ai, cụ sống lang thang, làm thuê làm mướn, đi ở đợ cho gia đình địa chủ.

 

Ngỡ tưởng đến khi gặp ông Nguyễn Văn Khuyến, họ lấy nhau sinh được ba trai, một gái cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn. Nhưng các con cụ cũng không thoát được cảnh nghèo. Anh con trai cả lấy vợ trên miền núi, khó khăn nên nhiều năm mới về nhà thăm mẹ một lần. Hai người con trai kế thường xuyên bệnh tật, ngơ ngẩn nên dù đã lập gia đình vẫn không phụ giúp được bố mẹ. Còn lại người con gái út là chị Thường bị thần kinh, năm nay đã 45 tuổi sống cùng với cụ.

 

Cụ Xuân kể, ngay từ lúc lọt lòng, chị Thường đã có những dấu hiệu không bình thường. Chị ốm đau liên miên, thường xuyên lên cơn sốt co giật. Càng lớn, dấu hiệu bệnh tâm thần càng rõ, nhất là những hôm trở trời nóng bức. Mỗi lần phát bệnh, cụ Xuân lại đau lòng nhìn con chạy khắp nơi la hét, có khi còn trốn nhà đi suốt một tuần. Đến khi tìm ra, chị Thường tím tái, bầm dập, người bẩn thỉu. Trẻ con trong làng nghe tên chị Thường đều sợ hãi.

 

82T4.nhandao
Chị Thường, con gái cụ Xuân bị thần kinh, lúc lên cơn lại la hét, bỏ nhà đi khiến mẹ vô cùng khổ sở

 

82T5.nhandao
Con trai cụ cũng có vấn đề, sống nghèo khổ không thể giúp đỡ mẹ


Từ ngày chồng mất, một mình cụ Xuân phải tự mình chăm sóc con cái. Khi xưa còn khỏe mạnh, cụ còn tần tảo cấy được vài sào lúa, nuôi con gà con vịt. Nhưng gần 10 năm nay, sức khỏe giảm sút, cụ Xuân không thể gắng gượng nổi nữa. Hai mẹ con cứ thế sống lay lắt nhờ những đồng tiền trợ cấp ít ỏi (540 ngàn đồng /tháng).

 

Nói đến cô con gái dở điên dở dại cụ Xuân ngậm ngùi nước mắt: "Khổ lắm anh ơi, tôi bằng này tuổi rồi chẳng biết lúc nào về với đất, nhưng tôi đi rồi ai chăm sóc cho nó đây, hai thằng con trai đều ngớ ngẩn cả, thân nó cũng chẳng lo được thì lo cho ai. Nhà có mỗi hai mẹ con, mỗi lần nó phát bệnh bỏ đi đêm tôi cũng chẳng ngủ được".

 

Nhìn khắp nhà cụ Xuân chẳng có vật dụng gì đáng giá. Căn bếp cũng chỉ có vài chiếc nồi méo mó, mấy cái bát sứt mẻ.

 

Nghèo khổ, thiếu thốn, nhưng cụ không một lời than vãn hay trách các con. Có lẽ với cụ, những ngày ít ỏi còn lại của cuộc đời này được chăm lo cho con gái, cho dù nó điên dại, nó có chửi mắng cụ đi chăng nữa thì vẫn là niềm hạnh phúc, bởi tình yêu của mẹ dành cho con luôn là điều thiêng liêng. Chỉ xót xa một điều, dù đã ngoài 80 tuổi nhưng bữa cơm vẫn còn chưa được no, áo không đủ ấm.

 

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

Gửi trực tiếp: Cụ Phạm Thị Xuân, đội 4, xóm 11, xã Hồng Thuận, huyện GiaoThủy, tỉnh Nam Định). SĐT: 01697846771

 

Theo Vietnamnet

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi