Thứ ba, 27 Tháng 9 2016 14:00

“Mẹ bảo cuối năm cưới vợ cho em trai, với lại cố gắng đi nốt lần này để dành dụm tiền về đưa em út đi chữa bệnh. Theo phong tục cưới của bà con trên này là phải có váy và vòng bạc, nên mẹ cố gắng đi làm, nhưng mẹ và em đi rồi không về nữa”. Cô con gái vừa nói mà hai hàng nước mắt cứ tuôn ra, chỉ trong chốc lát, em đã mất đi cả mẹ và em trai.

 

"Mẹ đi làm dành tiền cưới vợ và chữa bệnh cho các em"

 

Theo chân cán bộ xã Thanh Quân, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đến gia đình chú Lương Văn Loan (SN 1971), bản Chiềng Cà 2. Trên đầu chú vẫn còn chít khăn tang, ngồi bên cạnh là cậu con trai với thân hình gầy gò như que củi khô. Cả hai bố con ủ rũ trong góc nhà. Thấy chúng tôi bước vào, chú cố gắng đứng dậy vẻ mệt mỏi đến bên bàn thờ thắp nén hương cho vợ và con.

 

Chú Lương Văn Loan mất vợ và con trai thứ hai.
Chú Lương Văn Loan mất vợ và con trai thứ hai.
 

Đã nhiều ngày qua, nỗi tang thương bao trùm lên ngôi nhà của chú. Cơn lũ ập đến lúc rạng sáng một ngày giữa tháng 9 vừa qua khi vợ và con chú cùng một số người trong bản Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện miền núi Như Xuân vào rừng dựng lều lán để hái măng đã cuốn phăng tất cả, để lại nỗi đau không gì bù đắp nổi.

 

“Tôi mới đưa thằng út đi viện về. Ở ngoài viện khám bác sĩ kết luận cháu nó bị giãn lồng ngực, suy dinh dưỡng độ 3. Còn hai mẹ con nó đi kiếm tiền chữa bệnh cho thằng út, nhưng gặp chuyện không may như vậy, gia đình rất đau buồn. Tôi không còn đủ sức khỏe làm công việc nặng, tôi thấy kiệt sức rồi. Bác sĩ nói bệnh của cháu phải điều trị đến 18 tuổi mới khỏe được”.

 

Chú vừa nói, vừa quay sang phía cậu con trai như không có chút sức sống đang quặt quẹo dựa vào người mình. Nói đoạn, chú lại ngước mặt lên bàn thờ còn phảng phất khói hương thều thào: “Theo phong tục người Thái, ngày 23/8 là ngày rằm, tôi phải về thắp hương cho mẹ con nó nên tôi mới xin về. Bác sĩ cho thuốc uống hết trong một tuần xem có tăng cân không rồi ra điều trị. Giờ tôi chỉ mong làm sao cho cháu hết bệnh, lớn khôn thành người, chứ đời tôi không mong muốn gì hơn nữa”.

 

Em Lương Thị Khuyển lập gia đình ra ở riêng, mấy ngày qua về giúp bố hương khói cho mẹ và em trai
Em Lương Thị Khuyển lập gia đình ra ở riêng, mấy ngày qua về giúp bố hương khói cho mẹ và em trai
 

Cậu con trai mà chú đang nói đến là em Lương Hồng Sơn (SN 2005), Sơn đang học lớp 6. Ngày trước khi sinh ra, do gia đình quá khó khăn, không đủ điều kiện ăn uống nên thiếu chất, người còi cọc. Năm nay đã hơn 10 tuổi nhưng Sơn lại bị suy dinh dưỡng độ 3.

 

Gia đình chú cũng đưa Sơn đi chữa trị nhiều lần. Ngày trước Sơn được bác sĩ ở bệnh viện huyện chẩn đoán bị thấp tim, phải điều trị kháng sinh 4 năm liền nên vốn sức khỏe đã yếu, lại càng còi cọc hơn. Sau đó, gia đình đưa xuống bệnh viện Nhi Thanh Hóa kiểm tra lại thì không phải bị bệnh thấp tim và bác sĩ khuyên không được dùng kháng sinh nữa. Gia đình chú lại đi tìm thuốc nam cho cháu uống. Mới uống được mấy thang còn bỏ dở vì gia đình lại gặp chuyện, Sơn ngất mấy lần, nên phải mang đi viện Nhi Trung ương khám bệnh.

 

Gia đình chú Loan có 3 người con, con gái đầu là em Lương Thị Khuyển (SN 1992) đã đi lấy chồng ra ở riêng, mấy ngày nay cũng túc trực ở nhà để lo hương khói cho mẹ và em. Vợ chú là cô Vi Thị Thay (SN 1971) cùng con trai thứ hai là em Lương Văn Thoại (SN 1994) vào rừng hái măng không may bị cơn lũ cuốn trôi. Ngày trước, Thoại học đến lớp 11, vì gia đình không có điều kiện nên đành gác lại việc học hành ở nhà đi làm thuê phụ giúp bố mẹ.

 

Khuyển đau đớn trước sự mất mát không gì bù đắp nổi
Khuyển đau đớn trước sự mất mát không gì bù đắp nổi
 

“Mẹ bảo cuối năm cưới vợ cho em trai, với lại cố gắng đi nốt lần này để dành dụm tiền về đưa em út đi chữa bệnh. Theo phong tục cưới của bà con trên này là phải có váy và vòng bạc, nên mẹ cố gắng đi làm, nhưng mẹ và em đi rồi không về nữa”, Khuyển nghẹn ngào nói.

 

"Mẹ bảo chỉ đi nốt lần này"

 

Đôi mắt Khuyển mấp máy như cố ngăn lại, nhưng hai dòng nước mắt cứ chảy ra. “Trước khi đi, mẹ còn bảo chỉ đi nốt lần này đến ngày 23/8 là ngày rằm của người Thái thì mẹ về ăn rằm rồi nghỉ luôn thôi. Mẹ mới ốm dậy nhưng vẫn cố gắng đi làm, mẹ vào rừng làm được hai ngày thì bị cảm nên bảo em Thoại mang thuốc lên. Khi đi, em Thoại bảo nếu lên có măng thì ở lại làm luôn vì ở nhà cũng chẳng có việc gì làm. Em ấy còn bảo làm ít bữa rồi về đi miền Nam làm nhiều tiền hơn để cuối năm cưới vợ”.

 

Ngày vợ con chú Loan cùng những người bà con trong bản vào rừng, trời cũng mưa như trút nước, mọi người nghĩ chắc đi không sao vì mưa rồi lại tạnh. Nhưng rồi họ đã đi và không trở về.

 

Chú Loan vừa đưa em Sơn đi viện khám và tranh thủ về lo hương khói cho vợ và con
Chú Loan vừa đưa em Sơn đi viện khám và tranh thủ về lo hương khói cho vợ và con
 

Cuộc sống của gia đình chú Loan cũng như bao gia đình khác ở đây chỉ dựa vào làm ruộng, nhưng ruộng cũng chỉ có hạn, nhà vài ba sào, còn thời gian nhàn rỗi thì đi làm thuê, làm mướn hay vào rừng kiếm những sản phẩm phụ được đồng nào hay đồng đó. Bản thân chú Loan là trụ cột trong gia đình nhưng sức khỏe cũng không được tốt nên chỉ phụ giúp vợ con một số công việc trong gia đình.

 

“Mẹ đi lần này là lần thứ hai, lần trước đi cũng được mấy trăm nghìn về thấy em Thoại không có quần áo nên cho em mua quần áo mới và còn mấy trăm thì mua thuốc cho em Sơn uống. Mẹ lại có bệnh tim, khớp và viêm phổi trong người nữa nhưng mẹ cứ gắng đi làm. Nhà em nghèo, em út thì ốm đau từ nhỏ, đi viện suốt”.

 

Người chị cả thương mẹ, thương em, nhưng cuộc sống gia đình bên nội cũng chẳng khá giả gì, Khuyển chỉ biết sang trông nhà và hương khói cho mẹ và em trong lúc bố đưa em út đi chữa bệnh. Mấy ngày dù công việc gia đình bối rối, nhưng do sức khỏe của Sơn yếu, cứ ngất lên, ngất xuống, trong khi có được ít tiền phúng viếng và tiền hỗ trợ của các cấp các ngành, chính quyền địa phương nên chú Loan quyết định đưa con ra bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị.

 

Trong ngôi nhà này giờ chỉ còn lại hai bố con
Trong ngôi nhà này giờ chỉ còn lại hai bố con
 

Chỉ vài tháng trước, bố của chú cũng mới qua đời, nỗi đau chưa kịp lắng xuống thì tai họa lại ập đến khiến chú như kiệt quệ đi. “Hoàn cảnh khó khăn quá mà phải đi làm ăn xa, không may trời đất không ủng hộ bỏ mạng trong rừng. Nhưng gia đình ta đây may hơn tìm được thấy xác rồi, còn trong làng ba người chưa thấy xác. Bố tôi cũng mới qua đời chưa lâu”, chú Lương Quang Thắng - chú ruột Khuyển nằm trên giường nghe cháu gái nói chuyện, ngồi dậy với vẻ mặt thất thần nói.

 

Ông Vi Hồng Long - Chủ tịch UBND xã Thanh Quân chia sẻ, gia đình anh Loan có vợ và con mất, cháu út thì bị bệnh, gia đình rất khó khăn không có điều kiện đưa cháu đi chữa bệnh. Đối với địa phương cũng rất quan tâm nhưng do điều kiện còn khó khăn nên chỉ hỗ trợ được một phần. Qua đây, chúng tôi mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ một phần nào đó trong lúc gia đình gặp khó khăn. Mong muốn của Chủ tịch xã Thanh Quân cũng chính là mong muốn của người viết và hơn hết là niềm hi vọng của gia đình chú Loan trong lúc cuộc sống như rơi vào tận cùng nỗi đau thương, mất mát khó có gì bù đắp nổi.

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi