Thứ năm, 29 Tháng 9 2016 10:36

Ở tuổi 55, ông Điệu vẫn lội đồng đi cắm câu ếch, nuôi con gái bị bệnh và 3 đứa cháu khờ dại. Gánh nặng cơm áo, thuốc thang… chất chồng lên hai vai ông Điệu, làm ông kiệt sức. Căn nhà ông ở lâu nay xiêu vẹo, rách nát… chẳng biết sập khi nào.

 

Chúng tôi theo chân ông Tưởng Văn Dũng – trưởng ấp Nguyễn Văn Thới (xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đến thăm gia đình ông Phan Văn Điệu (55 tuổi). Ông Dũng cho biết, hoàn cảnh gia đình ông Điệu hiện là một trong những hộ khó khăn nhất ở địa phương. Đặc biệt, từ khi vợ chồng ông Điệu nuôi thêm mẹ con chị Phan Hồng Cẩm – vừa bị chồng bỏ hơn 1 tháng qua.

 

Ông Điệu ngồi buồn hiu trước cửa nhà, nói: "Sống gần hết đời người nhưng tài sản hai vợ chồng chỉ là căn nhà xiêu vẹo, rách nát này. Từ ngày lấy nhau, hai vợ chồng đi làm thuê sinh sống, lần lượt 3 đứa con chào đời. Tụi nhỏ học được ít chữ, nghỉ học đi làm thuê kiếm sống. Khi hai đứa con gái lớn lập gia đình, vợ chồng chúng nó cũng không thoát được cái nghèo. Vợ chồng đứa con gái lớn khó khăn quá, bỏ hai đứa nhỏ cho vợ chồng tôi, đi Bình Dương làm công nhân. Đứa con gái kế là cháu Hồng Cẩm, cuộc đời cháu bất hạnh hơn chị nó nhiều lắm…”

 

Dù được xuất viện về nhà mấy ngày qua nhưng đến nay sức khỏe chị Hồng Cẩm còn rất yếu. Bệnh tình có thể tái phát và phải phẫu thuật tiếp nên chị rất lo lắng

Dù được xuất viện về nhà mấy ngày qua nhưng đến nay sức khỏe chị Hồng Cẩm còn rất yếu. Bệnh tình có thể tái phát và phải phẫu thuật tiếp nên chị rất lo lắng

 

Vợ ông Điệu, bà Nguyễn Thị Trúc Linh (48 tuổi) bế bé Trần Thị Túc (9 tháng tuổi, con chị Cẩm), chia sẻ: “Đời mình nghèo khổ nên lo cho con cái có nơi có chỗ, vợ chồng tôi mừng lắm. Ai ngờ, khi cháu Cẩm bị bệnh, chồng nó đang tâm bỏ mặc hai mẹ con nó. Phận làm cha mẹ dù nghèo chết thế nào, chứ con cái gặp cảnh vậy sao bỏ được”. Trong lúc bà Linh nói chuyện, bé Túc khát sữa khóc thét lên. Bà Linh vội vàng bế cháu ra nhà bếp, lấy nước cơm… làm sữa cho bé Túc uống.

 

Bà Cao Thị Cẩm Lình – Chi Hội trưởng Hội phụ nữ ấp Nguyễn Văn Thới cho biết: “Lúc cháu Cẩm được vợ chồng bà Linh rước về đây nuôi, ngày nào cháu Cẩm cũng bị băng huyết, sức khỏe cháu suy kiệt nặng. Lo cháu chết trước khi báo đài đến kêu gọi bạn đọc giúp đỡ, tôi đi vay nóng 10 triệu đồng cho vợ chồng bà Linh đưa cháu Cẩm đi bệnh viện chữa trị. Nếu không, chẳng biết cháu Cẩm còn cơ hội khóc hận cho người chồng bạc bẽo của cháu hay không”.

 

Bà Nguyễn Thị Trúc Linh - mẹ chị Hồng Cẩm chẳng thể làm thêm được việc gì ngoài việc chăm sóc cho chị Cẩm và 3 đứa cháu ngoại.

Bà Nguyễn Thị Trúc Linh - mẹ chị Hồng Cẩm chẳng thể làm thêm được việc gì ngoài việc chăm sóc cho chị Cẩm và 3 đứa cháu ngoại.

 

Dù chị Cẩm xuất viện về nhà được vài ngày nhưng chị vẫn chưa đi đứng bình thường được, da mặt trắng bệch... Nghe bà Lình nhắc đến người chồng bội bạc, chị Cẩm sụt sùi nước mắt, nói: “Bao năm qua hai vợ chồng đồng cam chịu khổ, làm thuê làm mướn lo cho 2 con nhỏ. Ai dè, khi biết tôi bệnh u xơ, chẳng biết tâm trí chồng tôi suy nghĩ thế nào rồi bỏ mẹ con tôi hơn 1 tháng qua”. Nói đến đây, chị Cẩm quay mặt vào trong vách, khóc nức nở.

 

Mùa mưa bão tới nhưng căn nhà vợ chồng ông Điệu trống trước hở sau, cột kèo xiêu vẹo. Trong nhà ông Điệu phải dùng nhiều tấm bạc nilon che chắn để mưa khỏi dội xuống đầu. Nhìn hai đứa cháu ngoại đang ngồi học, ông Điệu cho biết, sách vở, quần áo của hai cháu mấy năm qua do các mạnh thường quân giúp đỡ. Vợ chồng ông chỉ lo được cái ăn nhưng có khi còn phải nhờ vào lon gạo tình thương của bà con hàng xóm, mới nuôi nổi đàn cháu.

 

Gia đình khó khăn quá nên vợ chồng người con gái thứ 2 gửi hai cháu Trần Thị Yến Nhi và cháu Trần Thị Phương (cháu Nhi học lớp 5, cháu Phương học lớp 3) cho vợ chồng ông Điệu nuôi mấy năm qua.

Gia đình khó khăn quá nên vợ chồng người con gái thứ 2 gửi hai cháu Trần Thị Yến Nhi và cháu Trần Thị Phương (cháu Nhi học lớp 5, cháu Phương học lớp 3) cho vợ chồng ông Điệu nuôi mấy năm qua.

 

Ông trưởng ấp Tưởng Văn Dũng cho biết thêm, gia đình ông Điệu đã “nghèo còn mắc cái eo”. Từ năm 2014 đến nay, nhà ông luôn có người nằm viện. Năm 2014, con trai ông phải phẫu thuật cái chân, bây giờ đi khập khiễng; năm 2015 đến lượt ông mổ bao tử; Đến năm nay, con gái ông vừa bị chồng bỏ, vừa phải cắt u xơ… Mỗi lần người nhà nằm viện, ông Điệu lại thiếu nợ vài chục triệu đồng nên hiện nay gia đình ông hoàn toàn khánh kiệt.

 

Ông Điệu nói: “Mỗi ngày đi cắm câu ếch được từ 2-3kg ếch. Do ếch nhỏ nên 1kg chỉ bán được từ 23.000 – 25.000 đồng. Số tiền này chẳng dám chi xài gì ngoài việc để dành mua gạo ăn, lo thuốc thang. Nhất là năm nay lũ nhỏ, cá, ếch... gì cũng khan hiếm, chẳng biết sắp tới cả nhà sống ra sao”. Ông Điệu thở dài rồi xắn quần, băng ra đồng đi cắm câu ếch.

 

Sống gần hết đời người, gia tài vợ chồng ông Phan Văn Điệu là căn nhà rách nát như thế này

Sống gần hết đời người, gia tài vợ chồng ông Phan Văn Điệu là căn nhà rách nát như thế này

 

Cháu Phương nói với theo ông Điệu: “Ông ngoại đi cắm câu ếch, nhớ bắt ốc, cua về kho cho con ăn nghe!” Thấy chúng tôi khó hiểu với lời dặn dò của cháu Phương, bà Linh giải thích: “Do mấy ngày qua, hai đứa cháu chỉ ăn cơm với rau, tụi nhỏ thèm cá thịt lắm. Nhưng vì ông nhà lo tiền thang thuốc cho dì nó nên có bao nhiêu ếch là ông ngoại mang bán hết”.

 

Hiện nay 6 miệng ăn, tiền thang thuốc chị Cẩm... đều trông chờ vào nghề cắm câu ếch của ông Điệu. Nhưng do lũ nhỏ, mỗi ngày chỉ cắm được 2 -3kg ếch, chỉ đủ mua gạo ăn

Hiện nay 6 miệng ăn, tiền thang thuốc chị Cẩm... đều trông chờ vào nghề cắm câu ếch của ông Điệu. Nhưng do lũ nhỏ, mỗi ngày chỉ cắm được 2 -3kg ếch, chỉ đủ mua gạo ăn

 

Chúng tôi ra tận ngõ nhưng vẫn nghe rõ tiếng ho chị Cẩm. Căn nhà trống toác của vợ chồng ông Điệu chưa được yên ắng bao lâu thì tiếng khóc bé Túc vang lên… Tiếng ru ầu ơ, ví dâu của bà ngoại nghèo bị đứt quãng vì nặng nỗi lo cho đàn cháu nhỏ sẽ đói khát, thất học trong nay mai.

 

Bé Túc lại khóc thé lên… bà Linh vội vàng chạy xuống nhà bếp lấy nước cơm cho bé Túc uống. Chị Hồng Cẩm nằm trên giường, nhìn cháu Túc uống từng thìa nước cơm ngon lành.. nước mắt chị trào ra từ lúc nào chẳng hay.

 

Gia cảnh đang khó khăn căn bệnh thấp khớp của ông Điệu đã tái phát trở lại nên ông lo lắng các cháu mình sẽ thất học, đói khát trong nay mai

Gia cảnh đang khó khăn căn bệnh thấp khớp của ông Điệu đã tái phát trở lại nên ông lo lắng các cháu mình sẽ thất học, đói khát trong nay mai

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Phan Hồng Cẩm - ấp Nguyễn Văn Thới, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang.

ĐT: 0168. 704.3728 (ĐT vợ chồng ông Phan Văn Điệu)

 

 

Nguồn: dantri.com.vn

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Phan Văn Điệu , cần giúp đỡ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi