Sau 5 năm thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại 9 xã xây dựng nông thôn mới của Hội Bảo trợ NTT, TMC và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương đã đem lại kết quả tích cực: 32 người khuyết tật (NKT) thoát nghèo, 19 người NKT thoát cận nghèo, góp sức hoàn thành một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới tại 6/9 xã thí điểm. Hoạt động của tỉnh Hội đã và đang mở ra một hướng đi mới trong công tác trợ giúp cho đối tượng không chỉ tạo cơ hội thoát nghèo mà còn cải thiện được chất lượng cuộc sống của NKT, TMC, từ việc hỗ trợ mang tính nhân đạo sang phương thức tạo cơ hội và trao quyền cho họ sinh kế bền vững.
Hỗ trợ dựa trên nhu cầu sinh kế của người khuyết tật, trẻ mồ côi
Bên cạnh việc thực hiện các chương trình trợ giúp NKT như cấp xe lăn, xe lắc, tặng học bổng, phẫu thuật tim, phẫu thuật mắt, phẫu thuật chỉnh hình… từ năm 2011, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương đã từng bước xây dựng và hoàn thiện dần mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC” trên địa bàn xã theo chủ trương của Trung ương Hội đề ra. Tỉnh Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu mô hình hỗ trợ sinh kế giảm nghèo và xác định: “Sinh kế là giải pháp quan trọng để giúp NKT, TMC, hộ gia đình có NKT, TMC giảm bớt khó khó khăn, tự lực vươn lên phát triển kinh tế và cũng là phương thức thực hiện chính sách an sinh xã hội. Vì vậy, việc thực hiện hỗ trợ phải được thực hiện đồng bộ giữa hỗ trợ NKT, gia đình NKT và cho cộng đồng” nơi NKT sinh sống.
Từ năm 2011, tỉnh Hội Bình Dương đã lựa chọn và triển khai việc hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại 9 xã đang triển khai thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới gồm: xã Lạc An, xã Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên), xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên), xã Tân Hiệp, An Long (huyện Phú Giáo), xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng), xã Long Nguyên (huyện Bàu Bàng), xã Chánh Phú Hòa (thị xã Bến Cát), xã Bình An (thị xã Dĩ An). Thống kê trên địa bàn 9 xã thực hiện Dự án: Trong 986 hộ gia đình có 1.038 NKT chiếm 1,2% dân số và 242 trẻ mồ côi.
Để chương trình đạt hiệu quả thiết thực tỉnh Hội đã huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp… vào việc hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt cá nhân của NKT, trợ giúp vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Hội đã đầu tư trên 1,7 tỷ đồng vào thực hiện Dự án Hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC trên địa bàn 9 xã, đã trợ giúp được 204 hộ có NKT, TMC với tổng số 395 người (bao gồm 247 NKT, 148 TMC)… Tỉnh Hội đã cấp 101 xe lăn, xe lắc cho NKT vận động, 126 xe đạp, 191 suất học bổng cho học sinh mồ côi, khuyết tật nghèo học giỏi. Xây dựng 01 công trình đường tiếp cận cho NKT tại nhà ở.
Các cấp Hội cũng đã vận động, hỗ trợ kinh phí xây dựng 26 công trình vệ sinh tại nhà cho 26 hộ, hỗ trợ công trình nước sinh hoạt cho 1 hộ. Bên cạnh đó, tỉnh Hội cũng tổ chức dạy nghề tạo việc làm theo chương trình mục tiêu quốc gia cho 19 NKT, TMC, giới thiêu việc làm cho 207 NKT. Đặc biệt, tỉnh Hội còn hỗ trợ vốn làm kinh tế cho 50 hộ gia đình có NKT với 199 người NKT tập trung chủ yếu vào chăn nuôi trâu, bò, chăn nuôi lợn và gia cầm… Trong tổng số kinh phí thực hiện chương trình, số tiền trích từ nguồn của Quỹ Hội là 1,2 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ trên 480 triệu đồng (không thông qua Quỹ Hội) và đóng góp của gia đình, dòng họ là trên 27 triệu đồng.
Hiệu quả và những trăn trở
Sau 5 năm “Chương trình Hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới” được Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương triển khai đã có 32 người khuyết tật (NKT) thoát nghèo, 19 người NKT thoát cận nghèo. Con số này càng có ý nghĩa hơn nếu biết chuẩn nghèo được tỉnh Bình Dương đang áp dụng là thu nhập 1 triệu đồng/người/tháng với lao động tại nông thôn và 1,1 triệu đồng/người/tháng với lao động tại thành thị (chuẩn nghèo của cả nước là 800 nghìn đồng/người/tháng với lao động tại nông thôn và 1 triệu đồng/người/tháng tại thành thị). Thu nhập bình quân của NKT, TMC thụ hưởng dự án được nâng lên với mức trung bình đạt gần 11 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt trong chương trình, hoạt động hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản đã mang lại hiệu quả cao. Từ 40 bò sinh sản ban đầu được tỉnh Hội và các cấp Hội trong tỉnh hỗ trợ cho các đối tượng và gia đình năm 2011, đến nay, tổng số bò sinh sản đã nâng lên thành 73 con và có 61 bê con được sinh ra từ khi thực hiện Dự án. Các cấp của tỉnh Hội tiếp tục chuyển giao xoay vòng 33 con bò sinh sản cho 33 hộ gia đình có NKT nghèo tại địa phương. Trong đó, các hộ gia đình tham gia thực hiện dự án sau 36 tháng đã hoàn trả vốn bò sinh sản ban đầu được hưởng lãi 1 bò mẹ và từ 1 - 2 bê con.
Mặt khác, thành công của mô hình hỗ trợ sinh kế không chỉ thể hiện ở việc các hộ gia đình có NKT được chương trình hỗ trợ sinh kế, cải thiện điều kiện sinh hoạt đã có nhiều gia đình thoát nghèo, bước đầu được thụ hưởng thành quả từ Dự án, vươn lên hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động văn hóa xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, mô hình đã giúp nâng cao nhận thức về vấn đề NKT và năng lực của NKT trong dân cư cùng các cấp chính quyền. lợi ích của NKT, TMC được đảm bảo. Số hộ gia đình có NKT, TMC thuộc diện hộ nghèo ở các xã thực hiện Dự án giảm dần theo từng năm.
Ngoài ra, chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi do tỉnh Hội Bình Dương đang thực hiện cũng góp phần vào thực hiện và hoàn thành tiêu chí chuẩn xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cụ thể là tiêu chi về thu nhập, tiêu chí giảm nghèo, tiêu chí môi trường, tiêu chí về an ninh trật tự xã hội tại 6/9 xã mà tỉnh Hội tham gia.
Tuy vậy, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số trăn trở, với số NKT, TMC đông (trên 10.000 NKT và 3.500 TMC), dù kinh tế phát triển nhưng nhu cầu cần được trợ giúp của hai nhóm đối tượng còn lớn và cấp thiết. Trong khi đó, việc thu hút các nguồn lực tập trung trợ giúp cho NKT, TMC còn gặp nhiều khó khăn, nên việc triển khai thực hiện các dự án chưa nhiều và hiệu quả mang lại chưa cao.
Đặc biệt việc dạy nghề tạo việc làm có thu nhập cho NKT khó thực hiện do một số vướng mắc. Kinh phí đào tạo thấp, thiếu giáo viên chuyên sâu, trang thiết bị máy móc phục vụ dạy nghề còn thiếu…Và một yếu tố nữa là Bình Dương là tỉnh có nền kinh tế phát triển sôi động, tập trung vào phát triển công nghiệp, dịch vụ nên phần nào cũng đã giảm cơ hội được tiếp cận của NKT vào các ngành mũi nhọn của tỉnh.
Hoạt động hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC của tỉnh Hội được triển khai trên địa bàn các xã xây dựng nông thôn mới đã phản ánh cách làm đúng. Tuy nhiên, để có thể thực hiện tốt chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC giúp họ có một cuộc sống tốt hơn, vươn lên khẳng định mình vẫn còn là một chặng đường dài mà những người đang làm công tác hội của Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Dương phải bước tiếp.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Thành Hội Hải Phòng và thành Hội Đà Nẵng: Đẩy mạnh công tác xã hội hoá nguồn lực - 15/12/2015 04:25
- Bắc Giang nâng cao năng lực và kỹ năng công tác cho cán bộ Hội - 15/12/2015 04:15
- Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Luật NKT và Đề án Trợ giúp NKT - 15/12/2015 04:10
- Kỹ năng công tác xã hội với cá nhân người khuyết tật, trẻ mồ côi - 13/11/2015 03:08
- Tỉnh Hội Thừa Thiên - Huế: Tặng học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi - 12/11/2015 03:00
Các tin khác
- Hội Bảo trợ NTT, TMC&BNN tỉnh An Giang: Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật - 30/10/2015 06:38
- Thành lập ủy ban Quốc gia về người khuyết tật - 30/10/2015 05:41
- Thành Hội Hà Nội: Thăm, tặng quà đồng bào bị lũ lụt tại Sơn La và Điện Biên - 30/10/2015 05:12
- Tỉnh Hội Bình Dương Hàng ngàn suất quà dành tặng trẻ khuyết tật, mồ côi nghèo - 30/10/2015 05:07
- Tỉnh Hội Quảng Bình: Tặng quà và hỗ trợ 10 triệu đồng cho trẻ khuyết tật, mồ côi - 30/10/2015 05:01