Thứ hai, 18 Tháng 9 2017 14:11

Một câu hỏi lớn đặt ra cho mỗi cán bộ Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hải Phòng là làm gì? làm như thế nào? để giúp người khuyết tật nghèo còn khả năng lao động có cuộc sống và nơi ở ổn định, an toàn trong các mùa mưa bão, có nghề và việc làm tại chỗ, tạo thu nhập nâng cao cuộc sống hòa nhập với cộng đồng?

Trả lời cho những câu hỏi đó, trong những năm qua, các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hải Phòng đã luôn tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để họ hoà nhập cộng đồng. Một trong những hoạt động nổi bật đang được Hội thực hiện là chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ sinh kế giúp người khuyết tật an cư, lạc nghiệp.

927Hphong

Linh mục Vũ Văn Kiện, Giám đốc Caritas Hải Phòng và ông Phạm Văn Huấn, Chủ tịch thành Hội Hải Phòng trao tặng con giống cho gia đình ông Trần Văn Kích

Ngay từ đầu năm 2017, thành Hội đã tiến hành khảo sát phân loại đối tượng người khuyết tật để có những hình thức bảo trợ phù hợp, hiệu quả. Mỗi đối tượng lại có hoàn cảnh, nhu cầu khác nhau cần được quan tâm giúp đỡ, nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng để xây dựng phương án hỗ trợ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả trợ giúp, mà còn thực hiện quyền của người khuyết tật khi họ được tham gia, ra quyết định.

Qua khảo sát, Hội phát hiện ông Trần Văn Kích (sinh năm 1954, trú tại tổ 6, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh), một người khuyết tật vận động nặng thuộc hộ nghèo, sống độc thân ở một căn nhà cấp 4 rộng 28m2. Ông bị khuyết tật từ năm 19 tuổi do điện giật làm cứng cơ, khớp chân, nên đi lại rất khó khăn. Từ lâu, ông đã mơ ước sẽ có được một mái nhà kiên cố để yên tâm khi mưa nắng, có vốn để chăn nuôi gia cầm. Nắm bắt được nguyện vọng đó của đối tượng, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo và phối hợp với Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi quận Dương Kinh và cơ sở Hội tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh lập hồ sơ và kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay giúp đỡ.

Hưởng ứng lời kêu gọi của các cấp Hội, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã đồng ý hỗ trợ 30 triệu đồng để xây dựng nhà cho gia đình ông Kích. Số tiền này cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình, dòng họ đã góp phần xây dựng nên một ngôi nhà khang trang, diện tích 28m2, trị giá 60 triệu đồng.

An cư rồi lạc nghiệp, để hỗ trợ ông Kích, Ban Bác ái xã hội CARITAS Hải Phòng được sự vận động của thành Hội đã trợ giúp ban đầu 50 con gà siêu trứng (gà bắt đầu đẻ), 500 kg thức ăn và hỗ trợ xây chuồng trại, kỹ thuật nuôi, phòng trừ bệnh dịch với giá trị 15 triệu đồng cho gia đình ông.

Ngày 31/8, thành Hội Hải Phòng cùng với chính quyền địa phương Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, CARITAS Hải Phòng tổ chức khánh thành nhà và trao tặng hỗ trợ sinh kế cho ông Trần Văn Kích trước sự chứng kiến của bà con xóm phố. Trước sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà tài trợ và cộng đồng xã hội, ông Trần Văn Kích đã không giấu được những giọt nước mắt vui mừng và xúc động. Ông nói: “Tôi thật không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc đến Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hải Phòng và các nhà tài trợ, cảm ơn bà con lối xóm đã luôn động viên và giúp đỡ tôi những lúc khó khăn. Từ nay, tôi đã “an cư” khi có ngôi nhà kiên cố, khang trang và với chuồng trại để chăn nuôi gà, tôi cũng có thể bắt đầu “lạc nghiệp”, lao động tạo ra thu nhập. Tôi những tưởng việc này chỉ có trong mơ, không ngờ đến hôm nay đã trở thành hiện thực. Tôi biết ơn khôn xiết và tự hứa sẽ chăm sóc đàn gà thật tốt, từng bước vươn lên, không phụ lại sự mong mỏi của mọi người”.

Gia đình ông Kích chỉ là một trong hàng chục gia đình được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho gia đình người khuyết tật, trẻ mồ côi của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hải Phòng trong năm 2017. Ông Phạm Văn Huấn, Chủ tịch thành Hội Hải Phòng cho biết: “Từ kết quả vận động trợ giúp gia đình ông Trần Văn Kích, thành Hội Hải Phòng cũng đã rút ra một bài học thực tiễn cho riêng mình đó là: “trăm nghe không bằng một thấy”. Để hoạt động của Hội đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ quyền của người khuyết tật đặc biệt quyền có việc làm và có chỗ ở ổn định cần phải khảo sát kỹ từ cơ sở, nắm chắc và sâu sát yêu cầu trợ giúp của từng đối tượng. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Làm sao nói cho đối tượng nghe và nghe đối tượng nói, cả hai bên đối thoại để đi đến xây dựng một niềm tin, giúp họ xóa đi mặc cảm, truyền cảm hứng đến các đối tượng, gửi thông điệp đến các nhà tài trợ, làm “cầu nối” gắn kết nhà tài trợ với các đối tượng trợ giúp. Mọi hoạt động trợ giúp phải được công khai minh bạch với cộng đồng xã hội và trên phương tiện thông tin đại chúng, làm hài lòng nhà tài trợ”.

Với cách làm như vậy, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Hải Phòng đang tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tình thương và sinh kế để giúp đỡ người khuyết tật nghèo còn khả năng lao động sẽ sớm đạt được ước mơ “an cư lạc nghiệp”.


 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi