Lạng Sơn và Tuyên Quang là hai địa phương mà tổ chức Hội mới thành lập và đi vào hoạt động. Trong bộn bề khó khăn, hai tỉnh Hội đã biết lựa chọn cho mình hướng đi với quyết tâm: nguồn quỹ càng ít, càng phải biết sử dụng có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho đối tượng, tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương Hội, của UBND tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành liên quan tập trung nguồn lực cho hoạt động đặc trưng của Hội, tạo nên sự khác biệt so với các tổ chức xã hội khác tại địa phương.
Tỉnh Hội Lạng Sơn: Giúp NKT mưu sinh bằng nghề truyền thống
Ngày 13/5/2015, Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh Lạng Sơn được UBND tỉnh cho phép thành lập, đến ngày 10/8/2015 Hội tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ Nhất. Hoạt động trong điều kiện số NKT, TMC trên địa bàn tỉnh đông (hơn 12.000 người, trong đó có 8.902 NKT), đời sống còn gặp nhiều khó khăn (với 3.634 NKT thuộc hộ nghèo), nhu cầu thì nhiều (chủ yếu là cần có việc làm, thu nhập, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, làm nhà và sửa chữa nhà ở… ) do đó vai trò, trách nhiệm của Hội Bảo trợ NKT, TMC ngày càng được khẳng định.
Bà Lương Thị Mỹ An, Chủ tịch tỉnh Hội cho biết: “Năm 2016 là năm đầu tiên Hội đi vào hoạt động, nguồn quỹ vận động khó khăn, vì vậy, áp lực việc sử dụng quỹ sao cho hiệu quả là rất lớn. Trước tình hình đó, để làm tốt vai trò của mình, tập thể BCH, đặc biệt là Thường trực Hội đã rất nỗ lực, cố gắng nghiên cứu triển khai các hoạt động. Bên cạnh hoạt động thăm hỏi, tặng quà chúng tôi chủ trương tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức đồng thời xây dựng các mô hình trợ giúp, dạy nghề, tạo việc làm hiệu quả cho NKT”.
Tỉnh Hội Lạng Sơn tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm của NKT tại Hội chợ kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh
Trong công tác tuyên truyền, tỉnh Hội đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tổ chức tập huấn 2 lớp kỹ năng sống cho NKT ở thành phố Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc với 60 người tham dự. Lớp tập huấn đã giúp nâng cao kỹ năng sống cho NKT, giúp họ tự tin hơn trong quá trình giao tiếp, hòa nhập cộng đồng. Không chỉ quan tâm đến đối tượng của mình, Hội còn chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho cán bộ ngành LĐ-TB&XH, cán bộ xã, phường và NKT để trợ giúp NKT, TMC đạt hiệu quả cao hơn với 8 lớp tập huấn về kỹ thuật lắp ráp, sử dụng xe lăn cho 150 người tham dự. Nhân ngày NKT Việt Nam Hội tổ chức buổi tọa đàm với sự có mặt của gần 100 đại biểu gồm lãnh đạo các Sở, Ban ngành, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và NKT tiêu biểu... Có thể nói, sự quyết tâm trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của tỉnh Hội Lạng Sơn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tổ chức Hội, về hoạt động bảo trợ, giúp đỡ NKT, TMC của tỉnh Hội, từ đó chung tay, góp sức cùng với Hội.
Tỉnh Hội Lạng Sơn còn tích cực xây dựng các mô hình tạo việc làm hiệu quả cho NKT, từ việc hình thành mô hình ngân hàng lợn, thành lập Hợp tác xã NKT vươn lên trực thuộc Hội và gần đây là dự án dạy nghề làm bánh lá ngải cho NKT. Bánh ngải là món bánh đặc sản của Lạng Sơn đã được truyền trao qua nhiều thế hệ cha ông từ trước đến nay. Việc dạy nghề làm bánh lá ngải cho NKT không chỉ giúp họ có nghề, có việc làm mà còn góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương, dân tộc. Loại bánh này dùng lá ngải vốn là loại rau phổ biến, mọc tự nhiên, dễ trồng, dễ thu hoạch, rau ngải có tác dụng chữa bệnh, mát bổ, thơm ngon. Việc chế biến bánh cũng đơn giản, dễ làm, phù hợp với điều kiện của NKT. Dự án được triển khai ngay tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn – một địa danh làm bánh lá ngải nổi tiếng của Lạng Sơn.
Đây được coi như là một Dự án điểm trong dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, nên BCH tỉnh Hội Lạng Sơn đã tập trung nghiên cứu kỹ về phương pháp tổ chức lớp học, tính toán nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hội tổ chức thành 2 bộ phận: Bộ phận chịu trách nhiệm sản xuất theo đơn đặt hàng và bộ phận Maketing sản phẩm.
Cũng theo bà Lương Thị Mỹ An: “Lạng Sơn có nhiều thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán nên chúng tôi xác định, thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong tỉnh mà sẽ mở rộng ra thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Hội có thư ngỏ tới các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, nhà hàng… để có các đơn đặt hàng và sản xuất theo nhu cầu, ngoài ra cho người nhà của người khuyết tật trực tiếp bán ở các chợ, đền, chùa, trường học… Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ Hội, thân nhân và NKT chúng tôi tin tưởng, Dự án này sẽ thành công và là cơ sở để nhân rộng trong thời gian tới”.
Tỉnh Hội Tuyên Quang: Xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới
Trong điều kiện mới thành lập, tổ chức Hội chưa phát triển, cán bộ Hội mới chỉ có 2 người, ngân sách UBND tỉnh phê duyệt chỉ có 70 triệu đồng/năm, vận động quỹ gặp nhiều khó khăn nên vấn đề hoạt động như thế nào để có hiệu quả thiết thực cho đối tượng luôn là điều trăn trở với tỉnh Hội Tuyên Quang.
Hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, với sự hướng dẫn và giúp đỡ của Trung ương Hội, tỉnh Hội Tuyên Quang chọn xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang để triển khai thí điểm “Mô hình chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho NKT, TMC”. Dự án được thực hiện từ tháng 01/2016 đến tháng 01/2017 với kinh phí 459,3 triệu đồng. Trong đó, đã trang bị một bộ trợ giúp y tế mẫu đặt tại Trạm Y tế xã Tràng Đà để hướng dẫn cho NKT luyện tập, PHCN tại cộng đồng, tổ chức khám bệnh gắn với tư vấn phục hồi sức khỏe và phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho NKT 2 kỳ/năm với 173 người được hưởng lợi. NKT có nhu cầu phục hồi chức năng đã được hướng dẫn phục hồi tại nhà, có 2 đối tượng khiếm thính đã được khám và đã được cấp máy trợ thính. Cùng với đó, tỉnh Hội đã cấp 10 xe lăn, 1 xe đẩy cho NKT, 3 xe đạp cho TMC có thành tích học tập tốt, cấp kinh phí làm đường tiếp cận cho 9 gia đình có NKT sử dụng xe lăn, hỗ trợ 1 gia đình NKT xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ kinh phí cho 3 gia đình NKT làm vốn tăng gia, chăn nuôi, mỗi gia đình 2.000.000 đồng...
Lễ bế giảng lớp dạy nghề cho NKT tạiTuyên Quang
Tỉnh Hội Tuyên Quang còn xác định dạy nghề tạo sinh kế cho NKT là hoạt động trọng tâm. Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch tỉnh Hội Tuyên Quang cho biết: “Trước kia ở Tuyên Quang chưa tổ chức được lớp dạy nghề nào cho NKT. Nhưng khi có tổ chức Hội, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất với Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo cho các phòng LĐ-TB&XH cùng với Hội tổ chức dạy nghề cho NKT. Năm 2016, Hội đã tuyển sinh được 4 lớp và thí điểm lớp đầu tiên ở huyện Chiêm Hóa dạy nghề may công nghiệp. Hội làm việc với Công ty TNHH Lý Dung thỏa thuận để họ vừa tham gia dạy nghề và cam kết nhận ít nhất 80% số NKT vào làm việc sau khóa học. Kết quả, kết thúc lớp đầu tiên có 20 học viên thì có 16 học viên được nhận vào làm với mức lương theo sản phẩm từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng”.
Có thể nói, việc thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới Tràng Đà và dạy nghề cho NKT tại Chiêm Hóa không chỉ tác động lớn đến đời sống, nhận thức của đối tượng, chính quyền và cộng đồng dân cư tại đây mà còn mang lại cho tỉnh Hội Tuyên Quang những kinh nghiệm đáng quý trong công tác Hội. Đó là phải biết lựa chọn hình thức hoạt động phù hợp, trong điều kiện khó khăn, nguồn quỹ hạn hẹp tập thể cán bộ Hội vẫn mạnh dạn dám nghĩ dám làm và làm hết sức mình, bám sát mục tiêu, phương hướng của Trung ương Hội đề ra, từ đó đã giúp Hội khẳng định vai trò và sự khác biệt so các tổ chức Hội khác cùng hoạt động trong lĩnh vực bảo trợ người yếu thế tại địa phương.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Đắc Lắc: Huy động nguồn lực hỗ trợ đối tượng tại xã xây dựng nông thôn mới - 17/01/2017 08:47
- Tỉnh Hội Tiền Giang: Hỗ trợ cải thiện sinh hoạt nâng cao chất lượng sống cho đối tượng - 17/01/2017 04:10
- Tỉnh Hội Bắc Giang: Xây dựng, phát triển tổ chức Hội góp phần xã hội hóa công tác bảo trợ - 17/01/2017 03:39
- Tỉnh Hội Sơn La: Xây tương lai cho học sinh khuyết tật, mồ côi nghèo - 17/01/2017 03:23
- Tỉnh Hội Bình Phước: Kết nối cộng đồng, lan tỏa yêu thương - 17/01/2017 03:09
Các tin khác
- Góp phần chăm lo Tết cho người khuyết tật, trẻ mồ côi cả nước - 16/01/2017 06:11
- Tỉnh Hội Tây Ninh: 3.000 suất quà chăm lo Tết cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trong tỉnh - 13/01/2017 08:22
- Tỉnh Hội Quảng Nam: Trao 1.682 phần quà tết cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trong tỉnh - 13/01/2017 08:19
- Tỉnh Hội Bình Phước: 1.500 suất quà đến tay người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo đón tết Đinh Dậu 2017 - 13/01/2017 08:09
- Tỉnh Hội Vĩnh Phúc: Trao 2.500 suất quà Tết đến đối tượng nhân Tết Nguyên Đán - 13/01/2017 08:06