Thứ năm, 21 Tháng 8 2014 11:11

Ngày 28/7/2014, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có văn bản số 295/HBT gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 về việc thẩm định và phê duyệt Đề án hỗ trợ sinh kế đối với NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2017.


Tại văn bản này, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam kính trình Bộ trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới quan tâm cho ý kiến thẩm định và giao cho Hội được tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2017 đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi – theo Đề án Hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2017. Đề án dự kiến thực hiện tại 60 xã, với tổng kinh phí 20,925 tỷ đồng, trong đó Ngân sách nhà nước hỗ trợ 15,025 tỷ đồng, các nguồn khác 5.900 tỷ đồng. Theo Đề án, năm 2015 sẽ thực hiện tại 20 xã với tổng kinh phí 6,885 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 4,915 tỷ đồng, các nguồn khác 1,970 tỷ đồng.


Đánh giá kết quả hoạt động hỗ trợ sinh kế, Đề án kèm công văn gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đã nêu rõ: Trong các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi gắn với nhiệm vụ của Nhà nước và theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức xã hội, từ năm 2008 đến năm 2011 Hội đã tổ chức thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi ở 22 xã, phường còn khó khăn về kinh tế và 28 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, trong đó có 6 xã thí điểm theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ cuối năm 2011 đến nay, thực hiên Quyết định số 1620/QĐ-TTg ngày 20/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", Hội đã tổ chức tổng kết việc thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới và mở rộng triển khai tại 124 xã xây dựng nông thôn mới.


Đề án được thực hiện sẽ tập trung thúc đẩy thực hiện pháp luật người khuyết tật và pháp luât bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tạo điều kiện để người khuyết tật, trẻ mồ côi được cải thiện điều kiện sinh hoạt và thoát nghèo, phát huy khả năng tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường nông thôn mới không rào cản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, trẻ mồ côi, góp phần xây dựng nông thôn mới.


Trong 3 năm thực hiện Đề án, các cấp Hội trong cả nước phấn đấu hỗ trợ 600 hộ gia đình người khuyết tật thuộc diện nghèo có công trình vệ sinh đạt chuẩn trung bình so với các hộ gia đình trong xã; 600 hộ gia đình người khuyết tật thuộc diện nghèo được hỗ trợ sử dụng nước sạch, nước sinh hoạt; 1.125 người khuyết tật vận động được trợ giúp xe lăn, đường tiếp cận tại nhà ở, nơi sinh hoạt công cộng tại xã; 375 hộ gia đình người khuyết tật thuộc diện nghèo được hỗ trợ vốn, kỹ thuật làm kinh tế gia đình (trồng rau, chăn nuôi); Xây dựng và phát triển mô hình nhóm sản xuất quy mô nhỏ và vừa (số lượng 60 nhóm); Xây mới, sửa chữa, nâng cấp 150 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; 600 học sinh mồ côi, khuyết tật được tặng xe đạp hoặc học bổng...


Trong khuôn khổ của bản Đề án, các hoạt động chính sẽ bao gồm: Điều tra, khảo sát tình hình, thực trạng đời sống và nhu cầu, nguyện vọng của người khuyết tật, trẻ mồ côi làm cơ sở xây dựng kế hoạch trợ giúp. Thông tin, tuyên truyền, hoạt động trợ giúp cũng như theo dõi, kiểm tra, giám sát đánh giá, tổng kết...


Thực hiện Đề án, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam sẽ là cơ quan chủ trì. Các đơn vị chỉ đạo và phối hợp: ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức thành viên của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các cơ quan có liên quan đến nội dung của Đề án.


(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi