Cuộc thi hướng đến tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật tiếp cận, tham gia và hòa nhập cộng đồng.
Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) thuộc Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa họp báo công bố và giới thiệu về cuộc thi SDG Challenge 2019 với chủ đề "Giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật".
Cuộc thi hướng đến tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật tiếp cận, tham gia và hòa nhập cộng đồng. Không chỉ tạo ra sân chơi cho các startups và các nhóm thanh niên có ý tưởng sáng tạo, SDG Challenge 2019 còn hướng đến mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật và các Mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi rất vui được hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ khởi động TechFest 2019 với cuộc thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo nhằm tăng cường sự hòa nhập của người khuyết tật. Cuộc thi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của người khuyết tật và cho người khuyết tật, hướng tới tương lai hòa nhập và bền vững hơn".
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) có khoảng 7% dân số Việt Nam độ từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật, tương đương với con số 6,2 triệu người. Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), chỉ có 30% số người khuyết tật còn khả năng thực sự tham gia vào lực lượng lao động. Đây không chỉ là hạn chế với chính những người khuyết tật mà còn là một sự lãng phí nguồn lực lao động trong xã hội. Theo tính toán, Việt Nam mất khoảng 3% GDP vì không thể tận dụng được lực lượng lao động là người khuyết tật.
Trước những thách thức đó, trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ chứng minh rằng các giải pháp công nghệ giúp cho những người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận và hòa nhập xã hội hơn. Việt Nam có khoảng 3.000 startups và đang dần trở thành một trong những quốc gia có tăng trưởng khởi nghiệp ấn tượng. Song hành cùng sự phát triển đó, ngày càng xuất hiện nhiều impact startup (doanh nghiệp khởi nghiệp tác động xã hội) với ý tưởng độc đáo và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Nhiều startups tiêu biểu như Vulcan Augmetics, SCDeaf, MultiGlass… đã tham gia các cuộc thi tranh tài khởi nghiệp và nhận được những khoản đầu tư, hỗ trợ để phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo. Điểm đặc biệt là đây đều là những dự án hướng đến xây dựng sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật dễ dàng tiếp cận và tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống.
Chia sẻ về tinh thần của cuộc thi tại buổi họp báo, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp - khoa học - công nghệ nhấn mạnh: "Tôi cho rằng việc đồng hành và cải thiện tiếp cận cho cộng đồng người khuyết tật cũng sẽ giúp tăng trưởng nền kinh tế và cải thiện bình đẳng xã hội, thu hẹp sự khác biệt. Và đây là thời điểm mà khởi nghiệp sáng tạo có thể chung tay góp sức để cùng giải quyết các vấn đề trong xã hội nói chung, và các vấn đề tiếp cận cho người khuyết tật nói riêng.
Cuộc thi SDG Challenge 2019 hướng tới tạo ra môi trường để các ý tưởng sáng tạo được thể hiện và nâng cao nhận thức của cộng đồng về sáng tạo tạo tác động xã hội. Và những cuộc thi như SDG Challenge 2019 hay những hoạt động khác chúng ta đang nỗ lực làm để cải thiện và thu hẹp bất bình đẳng xã hội sẽ không chỉ trao quyền cho cộng đồng người khuyết tật, mà còn mang lại những giá trị tích cực cho chính mỗi người chúng ta".
Chia sẻ những khó khăn và thách thức của các mô hình, sản phẩm, giải pháp cho người khuyết tật, đại diện BTC cuộc thi hi vọng SDG Challenge 2019 với tư cách là một trong những cuộc thi đầu tiên về khởi nghiệp với chủ đề hướng đến người khuyết tật sẽ là cầu nối để kết nối để các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, và toàn thể cộng đồng cùng chung tay để thúc đẩy công bằng và tăng cường trao quyền cho người khuyết tật.
Cuộc thi SDG Challenge 2019 bao gồm 3 vòng đánh giá để lựa chọn được những sản phẩm tiềm năng nhất. Vòng nhận hồ sơ trực tuyến sẽ được mở đến hết ngày 30/7/2019. Các đội được lựa chọn sẽ trải qua 6 buổi tập huấn về kiến thức khởi nghiệp và kinh doanh trong tháng 8. Vòng thuyết trình Chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9. Dự án khởi nghiệp thắng cuộc sẽ có một chuyến đi Hàn Quốc học tập mô hình khởi nghiệp tác động xã hội và một chương trình ươm tạo 8 tuần do Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia NSSC tổ chức với các vòng thúc đẩy khởi nghiệp chuyên sâu và kết nối nhà đầu tư.
Các tin khác
- Xe lăn, xe lắc – Đôi chân thay thế cho người khuyết tật vận động - 03/02/2019 13:03
- Mỗi lớp học hòa nhập có không quá 2 học sinh khuyết tật - 12/12/2018 03:35
- Thúc đẩy giao thông đường sắt tiếp cận đối với người khuyết tật - 28/08/2018 10:00
- Giải quyết việc làm cho NKT: Những vấn đề còn bất cập - 20/07/2018 03:14
- Chương trình “ Trái tim nhân ái” Khánh Hòa: Tiếp sức những mảnh đời khó khăn - 12/04/2018 06:50