Di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố đã cướp đi hình hài lành lặn của chàng trai khuyết tật Nguyễn Nguyên Cường (huyện Đô Lương - tỉnh Nghệ An). Vượt lên sự khắc nghiệt của số phận, Cường đã nỗ lực học đi bằng đôi tay gầy guộc, quyết tâm học nghề và trở thành người thợ mộc có tay nghề giỏi.
Đôi tay nâng bước cuộc đời
Xóm nghèo Thống Nhất thuộc xã Đông Sơn là nơi chàng trai khuyết tật Nguyễn Nguyên Cường được sinh ra. Là con đầu lòng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bố Cường từng là lính bộ đội Cụ Hồ tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Ngày ấy, tin vui cậu bé Cường chào đời đã trở thành niềm mong mỏi của gia đình, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi khi lọt lòng mẹ, đôi chân khuyết tật của Cường như một nỗi đau, một vết cứa hằn sâu trong trái tim của bậc sinh thành.
Lo lắng cho tương lai của đứa con bé bỏng, Cường được bố mẹ đưa đi khám chữa khắp mọi nơi, không ngại đường xá xa xôi, vất vả và phải chi phí tốn kém, chỉ mong đôi chân con trai khoẻ lại như bao người. Nhưng mọi hy vọng chữa trị đều vụt tắt khi bác sĩ kết luận, khuyết tật đó do di chứng chất độc da cam từ người cha thương binh.
Từ một người sống phụ thuộc vào gia đình, Cường đã trở thành một thợ mộc lành nghề
Không thể đi lại trên đôi chân của mình, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân khiến Cường nhiều lần bật khóc, gặng hỏi bố mẹ: “Tại sao cơ thể con lại khuyết tật”, “Vì sao đôi chân con không thể đi đứng, chạy nhảy, chơi đùa như bao đứa trẻ khác”. Những lúc Cường đau đớn, nỗi mặc cảm ùa về dữ dội, bố mẹ chàng trai khuyết tật chỉ còn biết vỗ về, an ủi, động viên, dành cho Cường sự chăm sóc ân cần để bù đắp phần nào nỗi đau chiến tranh.
Cũng bởi hoàn cảnh thiếu thốn, gặp khó khăn trong đi lại nên Cường chỉ theo học để biết đọc, biết viết và có thể tính toán những phép tính giản đơn, nhường cơ hội tới trường cho 4 người em. Chàng trai khuyết tật nhớ lắm những kỷ niệm đã khắc sâu trong tâm trí khi được đi học trên lưng bố, hay những nắm cơm muối vừng mẹ chuẩn bị để không phải chịu đói vào buổi trưa. Chính tình thương yêu vô bờ ấy đã tiếp thêm sức mạnh giúp Cường vượt qua mặc cảm, tự ti.
Cường tâm sự: “Với khao khát có thể tự di chuyển và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, tôi đã nỗ lực tập đi bằng đôi tay khi mới lên 10 tuổi, mặc dù biết trước những gian nan chờ đón ở phía trước. Qua nhiều tháng ngày tập luyện làm đôi tay tôi mỏi nhừ, đau đớn vì vừa phải nâng trọng lượng của cơ thể, vừa phải đỡ từng bên chân khuyết tật mỗi khi nhấc “cánh tay đi”. Hơn 3 năm vất vả khổ luyện, bằng ý chí quyết tâm, nghị lực vượt khó, tôi đã thực hiện được “giấc mơ có thật” khi đi được bằng đôi tay”.
Điều ước bấy lâu đã toại nguyện nhờ sự nỗ lực, kiên trì, chàng trai khuyết tật tin rằng, nếu biết cố gắng vươn lên, tương lai sẽ rộng mở.
Ước mơ mở cơ sở dạy nghề miễn phí
Từ khi có thể đi lại bằng đôi tay, Nguyễn Nguyên Cường ấp ủ hy vọng tìm học một cái nghề để tự lập cuộc sống và đỡ đần gia đình. Trong lúc đang băn khoăn chọn nghề, Cường biết đến Trung tâm Dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật huyện Đô Lương qua lời giới thiệu của người hàng xóm. Không để lãng phí thêm thời gian, chàng trai khuyết tật thuyết phục bố mẹ tạo điều kiện cho đi học nghề những mong trở thành người có ích.
Tuy khá lo lắng vì Cường đi lại khó khăn, sức khoẻ không được bằng chúng bạn, nhưng chàng trai khuyết tật vẫn được bố mẹ chiều theo mong muốn. Được gia đình, người thân ủng hộ, hỗ trợ tiền lộ phí, Cường mang theo hành trang mấy bộ quần áo và một vài thứ đồ dùng cá nhân tìm đến Trung tâm xin học nghề mộc.
Chàng trai khuyết tật nuôi hy vọng sớm mở xưởng mộc cho riêng mình và dạy nghề cho người đồng cảnh
Quãng đường đến Trung tâm dạy nghề chỉ cách xa nhà hơn chục cây số, nhưng vì đi lại khó khăn, bố mẹ bận bịu việc đồng áng, chăm sóc các em nên Cường xin được ở lại cùng mấy người bạn đồng cảnh, chỉ thỉnh thoảng về thăm nhà vào ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết.
Thấm thoắt 2 năm trôi qua, bằng sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi, Cường đã trở thành một thợ mộc khuyết tật có tay nghề giỏi, được các thầy cô đánh giá cao. Cường còn nhớ, trong quãng thời gian học nghề, nhờ có chút năng khiếu và hoa tay nên được giáo viên giao cho làm các học cụ, mô hình để phục vụ công tác giảng dạy. Có được vinh dự ấy khiến chàng trai khuyết tật vui lắm, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như để đóng góp chút công sức nhỏ bé cho công tác đào tạo nghề của Trung tâm.
Cầm tấm chứng chỉ nghề loại giỏi, Cường nuôi hy vọng có thể tìm được việc làm để rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ mặc dù chàng trai khuyết tật biết rằng, với người lành tìm việc còn khó, huống chi... Không sốt ruột, nôn nóng, ngược lại Cường kiên trì, nhẫn nại tìm đến các xưởng mộc trong, ngoài huyện để kiếm tìm cơ hội làm việc. Thật may mắn vì chỉ trong vòng hơn 2 tháng, Cường đã được nhận vào phụ việc tại một xưởng mộc cách xa nhà hơn 5 cây số. Khoảng cách ấy không ngăn nổi niềm đam mê nghề mộc, hăng say lao động của chàng trai khuyết tật đầy nghị lực.
Cường cho biết: “Để có thể tới xưởng làm việc đúng giờ, hàng ngày tôi phải dậy thật sớm, đi bộ ra đầu làng xin đi nhờ người quen, cũng có nhiều hôm tôi phải bắt xe ôm mới kịp tới xưởng. Luôn cố gắng làm việc, học hỏi để tay nghề ngày càng thành thạo và muốn có thêm thu nhập nên tôi tranh thủ thời gian xin làm thêm ở một vài xưởng mộc trong xã”.
Chính sự cần cù đó đã giúp cho tay nghề của Cường ngày càng giỏi, từ một người thợ phụ việc, chỉ được các chủ xưởng giao cho làm những công đoạn đơn giản hay đóng một vài sản phẩm thông dụng như ghế, bàn, khay đựng… thì giờ đây Cường đã được tín nhiệm giao cho làm các sản phẩm mộc mỹ nghệ cao cấp như giường, tủ, tượng phật, sập gụ… Trong tất cả mọi việc đều phải sử dụng đôi tay, vừa đi lại, vừa cầm đồ nghề để bào, đục, cưa, xẻ đến chạm trổ những hoạ tiết cầu kỳ, tinh xảo, thế nhưng chàng trai khuyết tật ấy đều có thể làm thành thạo, nhanh nhẹn.
Tiếng vang về Nguyễn Nguyên Cường - người thợ mộc khuyết tật có tay nghề giỏi đã được một chủ xưởng mộc nổi tiếng ở huyện Kỳ Sơn mời đến làm việc, tin tưởng giao cho Cường vai trò là thợ chính và được trả lương cao nhất xưởng. Có nguồn thu nhập ổn định, hàng tháng chàng trai khuyết tật đều cố gắng chi tiêu tiết kiệm, gửi một khoản tiền về đỡ đần bố mẹ, các em và dành dụm chút ít để sớm thực hiện ước mơ thành lập xưởng mộc riêng trong thời gian tới. Khi đó, Cường không chỉ thoả sức sáng tạo ra các sản phẩm mộc mỹ nghệ cao cấp, mà còn có điều kiện mở cơ sở dạy nghề mộc miễn phí cho người đồng cảnh.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Ông chủ khuyết tật luôn hết lòng với người đồng cảnh - 04/07/2016 09:06
- Cảm động nữ sinh “xương thủy tinh” ngồi xe lăn đi thi - 01/07/2016 08:35
- Người phụ nữ khuyết tật dệt đời trên “đôi tay dã quỳ” - 29/06/2016 03:02
- Hiệu may đặc biệt - 29/06/2016 02:58
- Nỗ lực và ước mơ của cô bé mồ côi - 23/06/2016 02:58