Là cậu con trai út kháu khỉnh, bụ bẫm nên tôi được cả gia đình yêu thương hết mực. Như các anh chị của mình, cơ thể tôi phát triển bình thường, cũng biết đứng, biết đi nhưng mãi không biết nói. Thời gian đầu, bố mẹ nghĩ tôi chỉ chậm nói hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, thế rồi đến tận năm lên 3 tuổi, tôi vẫn không thể cất tiếng gọi bà, gọi mẹ hay có bất kỳ phản xạ nào khi bố mẹ gọi tên.
Tìm được tiếng nói bằng ngôn ngữ kí hiệu
Không thể bình tâm trước những lời đoán già, đoán non của người thân, họ hàng, tôi được bố mẹ đưa đi bệnh viện để xác định thực hư. Nước mắt mẹ tôi lã chã rơi, còn bố tôi lặng người vì quá sốc khi bác sỹ kết luận tôi bị khiếm thính bẩm sinh.
Tiếp đó là chuỗi ngày bố mẹ gian nan đi tìm phương thuốc, kiếm tìm một phép màu những mong tôi có thể nói được, nghe được. Tuổi thơ của tôi dành hầu hết thời gian ở các bệnh viện, các phòng khám chữa bệnh đông y với những đợt điều trị, châm cứu dài đằng đẵng, lúc lại theo bố mẹ đến vùng miền núi xa xôi, hẻo lánh theo lời mách bảo của người quen để bắt mạch, bốc thuốc. Nhưng mọi sự cố gắng, nỗ lực đều chỉ đi đến kết quả là con số không tròn trĩnh, tôi vẫn phải chấp nhận trở thành người khuyết tật điếc câm.
Bằng nghị lực, kiên trì vượt qua khuyết tật, Thành đã tạo nên những trái ngọt cuộc đời
Nơi tôi sinh ra là vùng nông thôn cách khá xa thành phố. Ngày đó quê tôi không có lấy một ngôi trường hay trung tâm dành riêng cho trẻ khiếm thính, bởi vậy bố mẹ quyết định xin cho tôi theo học tại trường Tiểu học của xã. Bước vào năm học đầu tiên của đời học sinh, tôi hết sức chật vật khi phải học hòa nhập cùng các bạn khỏe mạnh bình thường, cô giáo của tôi cũng không có nghiệp vụ chuyên biệt về giảng dạy cho học sinh điếc câm. Tôi dần nhận ra sự khác biệt khi tôi không thể nghe giảng, trả bài như các bạn mà chỉ có thể nhìn những nét chữ cô giáo ghi trên bảng và viết theo.
Lớn lên cùng sự mặc cảm nhưng tôi vẫn không bỏ cuộc, tôi kiên trì theo học hòa nhập hết chương trình phổ thông cơ sở ở trường làng. Vì khoảng cách về giao tiếp, ngôn ngữ nên tôi không có nhiều hứng thú với các môn học, chỉ duy nhất yêu thích môn vẽ.
Học xong chương trình lớp 9, tôi được bố mẹ xin cho theo học tại Trường dạy trẻ điếc Nhân Chính Hà Nội, ngôi trường chuyên biệt dành riêng cho người khuyết tật như tôi. ở ngôi trường mới, tôi như tìm lại được tiếng nói của chính mình khi có cơ hội giao tiếp với các giáo viên, với bè bạn thông qua ngôn ngữ ký hiệu, mặc dù những ngày đầu làm quen với loại ngôn ngữ ấy thật khó khăn với tôi khi đã 14 tuổi. Nhờ có thứ ngôn ngữ đặc biệt này, tôi đã hiểu thêm về cuộc sống, dần cảm nhận được sự sẻ chia, tình cảm của bố mẹ, anh chị và những người thân quen, giúp tôi có thêm tự tin và nghị lực vượt qua rào cản của cuộc sống.
Tự tin vào đời bằng khả năng và sự sáng tạo
Cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp THPT, tôi quyết định xin học nghề ở Trường dạy nghề Hoa Sữa. Được học thêu, rồi học may nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tôi nhận thấy không hợp với nghề nên tôi xin bố mẹ cho đi học cắt tóc.
Con đường đến với nghề cắt tóc của tôi cũng đầy chật vật, bởi tôi đã đi đến rất nhiều cửa hàng xin học nhưng đều nhận được lời từ chối do khoảng cách về ngôn ngữ. Rồi cuối cùng tôi cũng xin được học nghề cắt tóc ngay tại Bắc Giang quê hương tôi, nhưng học phí quá cao nên tôi cũng chỉ đi học một thời gian ngắn.
Được sự hỗ trợ lớn từ phía gia đình, ngoài việc tự rèn luyện tay nghề, bố mẹ, anh chị và những người thân đã tình nguyện trở thành mẫu để tôi được thực hành, thậm chí nhiều người hàng xóm tốt bụng cũng vui vẻ giúp tôi có thêm cơ hội trau dồi kỹ năng cắt tóc.
Nguyễn Thái Thành tại lễ nhận giải Cây cọ vàng
Tay nghề dần cải thiện, tôi mạnh dạn xin đi làm thợ phụ tại một cửa hàng cắt tóc. Không giống những người thợ khác được làm công việc chính là cắt tóc, tôi chỉ được giao việc gội đầu cho khách và phải làm thêm công việc quét dọn, lau chùi. Tôi chấp nhận theo mọi yêu cầu của chủ cửa hàng để có thêm cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Bằng sự nhẫn nại, chịu khó quan sát, tôi học được cách tạo mẫu tóc, chọn màu, pha màu, xử lý thuốc nhuộm, ép phù hợp với từng loại tóc…
Ước ao được trở lại Hà Nội để nâng cao tay nghề cắt tóc, tạo mẫu tóc, tôi được chị gái ủng hộ và cùng tôi rong ruổi khắp các ngả đường, con phố xin học. Liên tục bị từ chối, tôi buồn bã, mặc cảm nhưng vẫn không chịu từ bỏ hy vọng. Cơ hội cuối cùng cũng đã đến khi một Salon tóc khá lớn trên phố Khâm Thiên cho tôi học nghề miễn phí. Tôi được chủ cửa hàng chỉ bảo tận tình, ngoài ra còn tạo điều kiện cho tôi được làm nhân viên chính, điều đó giúp cho tôi có thêm động lực làm việc, tự tin với nghề đã lựa chọn.
Suốt một thời gian dài làm nghề, tích lũy kinh nghiệm, năm 2010, tôi đã thử sức mình tại cuộc thi “1000 năm tóc”. Tôi là thí sinh khuyết tật duy nhất dự thi và đạt giải Triển vọng. Thành quả đó đã khích lệ tôi tiếp tục học thêm nghề trang điểm và thêm một lần nữa tôi lại đạt giải Triển vọng trong cuộc thi “Cây cọ vàng” năm 2013.
Gây dựng được một chút thành quả, vượt qua rào cản về ngôn ngữ, cùng sự ủng hộ, tạo điều kiện của gia đình, sau một thời gian vào thành phố Hồ Chí Minh học thêm kỹ thuật về cắt tóc, trang điểm, tôi đã mở được một salon tóc của riêng tôi bằng số vốn 60 triệu đồng vay của bố mẹ.
Với tay nghề khá cộng thêm tính cần cù, chịu khó, tôi đã trả được nợ và tích lũy vốn liếng thành lập Công ty Thái Thành, nhận đào tạo, dạy nghề cho người khiếm thính. Hiện nay, Công ty của tôi đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 15 người khiếm thính, chiếm 80% số lao động được tôi tạo việc làm. Tôi rất mừng vì có nhiều học viên sau khi học nghề cắt tóc miễn phí tại Công ty đã xóa bỏ mặc cảm, tự tin mở cửa hàng để tạo lập cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Ngoài tập trung chuyên môn cho công việc, dạy nghề, tôi còn có đam mê làm từ thiện. Hàng năm tôi và các thành viên của Công ty đều tổ chức các đợt thăm, tặng quà cho trẻ khuyết tật, mồ côi tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật nhân dịp Tết thiếu nhi, rằm Trung thu, tham gia các chương trình cắt tóc từ thiện…
Sau nhiều nỗ lực trong cuộc sống, lao động, tôi may mắn được chọn lựa là một trong số những thanh niên tiêu biểu tại chương trình vinh danh Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015. Để xứng đáng với phần thưởng đó, tôi luôn tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn trong công việc, tự rèn rũa nâng cao tay nghề, truyền nghề miễn phí và tạo việc làm cho thật nhiều người đồng cảnh.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ