Thứ năm, 19 Tháng 3 2015 10:11

Qua đôi lần tiếp xúc, trò chuyện với những trẻ khuyết tật, ấn tượng để lại trong tôi về các em là sự khao khát vươn lên trong cuộc sống. Với sự đồng cảm và mong muốn được sẻ chia những ước mơ ấy, tôi đã trở thành người truyền nghề, truyền lửa đam mê hội họa cho những em nhỏ khuyết tật.

 

                                                                                                           

                                                                                                    Thầy Hoàng luôn kiên trì chỉ dạy cho những học trò đặc biệt

 

Vốn có chút năng khiếu vẽ nên tôi không mấy khó khăn khi bắt đầu với công việc mới mẻ này. Công việc của tôi gặp thuận lợi là nhờ có sự ủng hộ và đồng hành của ba mẹ. Từ một người thợ cơ khí, tôi đã phải bắt đầu lại với việc mình trở thành một hoạ sỹ từ con số không tròn trĩnh, một công việc bắt tôi luôn phải suy nghĩ để tìm cái đẹp, mới lạ, độc đáo và hấp dẫn. Dần dần, đôi tay của tôi nhuần nhuyễn hơn sau mỗi bức vẽ hoàn thành, tôi quyết tâm mở cửa hàng bán tranh và xưởng vẽ. Tôi rất mừng bởi những bức tranh của tôi mang lại niềm vui, sự ưng ý cho khách hàng.

 

Đam mê dạy vẽ cho trẻ khuyết tật

 

Một niềm hạnh phúc bất ngờ nữa đến với tôi khi bỗng dưng được gọi là thầy giáo. Mối duyên đưa tôi đến công việc dạy vẽ cho các em khuyết tật sau khi người bạn thân nhờ tôi dạy vẽ cho một em nhỏ khiếm thính.

 

Trong tiềm thức của tôi lúc đó thường chỉ có khái niệm dạy vẽ cho những người lành nên tôi có phần đắn đo, không phải vì ngại dạy cho đứa trẻ khiếm thính đó mà vì chưa biết sẽ bắt đầu thực hiện lời đề nghị đó như thế nào, bởi tôi không biết ngôn ngữ ký hiệu nên sẽ khó chuyển tải cho em hiểu những phương pháp, cách cảm nhận trước một nhân vật, một phong cảnh, một nhành hoa… để đưa ra nét vẽ có hồn nhất. Nhưng nhìn ánh mắt của em, tôi nhận thấy sự thiết tha đến với hội hoạ và khao khát đi tìm niềm vui sống nên tôi không thể từ chối.

 

 

Các học trò khuyết tật tại lớp học vẽ miễn phí của thầy Hoàng

 

Tuy công việc tại xưởng tranh rất bận rộn, nhưng từ khi biết Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh có lớp dạy vẽ cho trẻ khuyết tật, tôi đã dành thời gian đi hàng chục cây số đến dạy vẽ miễn phí cho lớp học này vào thứ hai và thứ sáu hàng tuần. Tôi hy vọng hội hoạ sẽ giúp các em vơi bớt mặc cảm và có thể tự lập cuộc sống bằng chính những bức vẽ của các em. Thấm thoắt thời gian trôi qua, hơn 3 năm qua đã có hàng chục học trò khuyết tật được tôi dạy vẽ. Các em tuy tiếp thu chậm nhưng tôi thấy được sự nỗ lực, nhẫn nại đến với hội hoạ, qua những bức vẽ, các em đã tạm quên đi sự thiệt thòi của số phận để dồn hết tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của mình vào bức tranh, điều đó khiến tôi thực sự cảm phục.


Trong số các học trò khuyết tật tham gia lớp học, tôi thực sự ấn tượng với em Huỳnh Thị Sậm. Tuy bị khuyết tật đôi tay nhưng em đã sử dụng đôi chân của mình để tự lập trong mọi sinh hoạt, sử dụng thành thạo máy vi tính và thi đỗ đại học. Cũng bằng đôi chân, Sậm đã đến với niềm đam mê hội hoạ, em đã thổi vào trang giấy trắng những bức vẽ thật đẹp và rất có hồn.


Hay học trò Lê Minh Châu, em cũng bị khuyết mất đôi tay nhưng đã sử dụng miệng để ngậm cây cọ vẽ tranh - một nỗ lực thực sự phi thường. Tôi rất mừng vì với khả năng vẽ tranh khá độc đáo, lạ mắt, Châu đã được một doanh nghiệp ở quận 7 nhận vào làm việc, mang lại cho em thu nhập ổn định.
Được tận mắt ngắm những bức vẽ đẹp hơn, sống động hơn mỗi ngày từ những cơ thể không lành lặn càng tiếp thêm cho tôi sự nhẫn nại, kiên trì để dạy vẽ cho thật nhiều trẻ khuyết tật. Càng vui hơn khi những bức tranh của các em được các mạnh thường quân ở khắp nơi mua về làm kỷ niệm và sẽ vui hơn nữa khi các em sống được bằng nghề. Với tôi niềm vui của các em chính là niềm vui của tôi.

                                                                                                                                                                                                                     (Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi