Thứ sáu, 21 Tháng 7 2017 14:56

Là một người khuyết tật bẩm sinh nhưng bà Phan Thị Bích Diệp may mắn được sống trong môi trường hoà nhập từ nhỏ, được học tập đầy đủ và có công việc ổn định và đóng góp cho xã hội. Đến khi tham gia sinh hoạt cùng những người đồng cảnh, bà lại càng ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc nâng cao đời sống của những người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn khác. Bà cùng với ban lãnh đạo Hội người khuyết tật Hà Nội không ngừng phát triển tổ chức Hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và năng lực của người khuyết tật Thủ đô và nhiều địa phương khác trong cả nước.

Đi đầu trong phong trào của NKT Hà Nội

Bà Phan Thị Bích Diệp sinh ra đã bị khuyết tật do bị hở tuỷ cột sống. Theo lời các giáo sư bác sĩ, trường hợp của bà rất hiếm và căn bệnh sẽ trở nên nặng hơn cùng với thời gian mà y học hiện đại chưa thể giải quyết được. Bệnh tật bắt đầu ảnh hưởng rõ rệt đến việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày của bà Diệp từ năm lên 8 tuổi. Mặc dù vậy, nhờ gia đình động viên, tạo điều kiện và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô giáo, bà đã phấn đấu học tập, tốt nghiệp trường Đại học ngoại ngữ Hà Nội và trở thành một biên dịch viên và biên tập viên Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam với thời gian công tác gần 30 năm.

72Anh 1 Chan dung NKT

Phan Thị Bích Diệp phát biểu tại buổi họp báo chương trình Một trái tim – Một thế giới năm 2017

 

Bà Phan Thị Bích Diệp chia sẻ: “Là một người khuyết tật, trước đây tôi nghĩ rằng mình có việc làm, tự lo cuộc sống của bản thân để giảm gánh nặng cho gia đình và cũng có đóng góp cho xã hội, như thế là đủ, là cố gắng nhiều rồi. Nhưng quan niệm đó dần dần thay đổi từ khi tôi tham gia sinh hoạt cùng một nhóm người khuyết tật (NKT) là cựu sinh viên các trường Đại học tổng hợp, Đại học Bách khoa, Đại học ngoại ngữ Hà Nội - những người mong muốn có một tổ chức để đoàn kết, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của NKT trên địa bàn Hà Nội”.

Năm 1988, bà Diệp cùng những người bạn trẻ thành lập nhóm “Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật” – một trong những tổ chức tự lực của NKT đầu tiên ở Việt nam. Bà nhận thức được rằng mình cần góp phần vào việc làm cho cuộc sống của NKT tốt đep hơn. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Sở Lao động-Thương binh & Xã hội, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội và một số tổ chức phi chính phủ, nhóm của bà Diệp hoạt động ngày càng có hiệu quả, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy phong trào NKT ở Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung. Trong quá trình tham gia hoạt động, năng lực, cũng như nhận thức của bà về các v n đề trong lĩnh vực khuyết tật ngày càng được nâng cao.

Trở thành người cán bộ giàu nhiệt huyết

Năm 2005 bà Diệp tham gia thực hiện dự án của nhóm “Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật” nhằm xúc tiến thành lập Hội người khuyết tật TP. Hà Nội do Hiệp hội nạn nhân bại liệt và tai nạn Đan Mạch tài trợ. Một năm sau, tháng 4 năm 2006, dự án kết thúc thành công với sự ra đời của Hội NKT TP. Hà Nội. Bà được bầu vào Ban chấp hành Hội. Bà nhớ lại “Buổi đầu thành lập Hội chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tổ chức còn non trẻ, nguồn tài chính hầu như là con số 0, nhân lực cho bộ máy thiếu trầm trọng. Dưới sự điều hành của ban lãnh đạo Hội, chúng tôi từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển Hội”.

Cũng như các anh chị em cán bộ Hội khác, bà Diệp phải hoàn thành các công việc của Hội ngoài giờ làm việc ở cơ quan. ở cơ quan bà cũng đảm nhiệm các công việc của một biên dịch, biên tập viên như các đồng nghiệp khác, phải làm cả những ca trực tối, trực 2 -3 ngày nghỉ cuối tuần trong tháng để đảm bảo các chương trình phát thanh hàng ngày ra nước ngoài. Bà làm những công việc đó với niềm vui của sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm vì thực sự mong muốn được làm việc một cách bình đẳng với những đồng nghiệp khác.

Bà Diệp cố gắng thu xếp việc cơ quan và gia đình để tham gia các hoạt động của Hội. “Chúng tôi thường phải dành ngày thứ bảy, chủ nhật để tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, những chuyến đi làm việc tại quận, huyện của Hà Nội Nhờ nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển Hội đến cơ sở, trong những năm 2008-2009 hàng loạt Hội NKT cấp quận/huyện ra đời. Nhiệm vụ và công việc của chúng tôi ngày càng nhiều hơn. Về phần mình, tôi tham gia vào việc lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, năng lực cho NKT, các khoá đào tạo kỹ năng quản lý cho các bộ chủ chốt các Hội NKT quận, huyện, cũng như tham gia vào các chương trình của các cơ quan, tổ chức dành cho NKT”, bà Diệp cho biết.

Chỉ một vài tháng sau khi thành lập, Hội NKT Hà Nội quyết định ra bản tin “Nắng Xuân” để cung cấp cho anh chị em hội viên những thông tin về hoạt động của các tổ chức thành viên của Hội trên các lĩnh vực phát triển tổ chức, nâng cao nhận thức, năng lực của NKT, thúc đẩy giải quyết vấn đề việc làm, xoá nạn mù chữ, chăm lo đời sống của hội viên, đồng thời giúp anh chị em hiểu rõ các văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ NKT của Nhà nước và chính quyền thành phố Hà Nội và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của mình. Với chuyên môn của mình, cùng với một vài anh chị em khác, bà Diệp được phân công làm biên tập tin, bài cho tờ báo của Hội. Công việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị phát hành mỗi số bản tin. Hầu như tất cả các cộng tác viên của bản tin không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng anh chị em rất nhiệt tình viết bài phản ánh hoạt động Hội tại địa phương. Đó là nguồn thông tin quý giá đối với ban biên tập. Vì vậy các tin, bài đều được trân trọng.

72Anh 2 chan dung NKT

Bà Phan Thị Bích Diệp trong một hoạt động của Hội NKT Hà Nội

 

Muốn bản tin có chất lượng, phải biên tập rất kỹ, chỉnh sửa từng câu chữ trước khi chuyển bản thảo sang nhà in. Vì vậy, có nhiều hôm, bà Diệp phải làm việc đến 1-2 giờ sáng. Bà cố gắng làm tốt công việc của mình trong chừng mực có thể và biết rằng còn phải làm tốt hơn nữa để đạt những mục tiêu do Hội đề ra. Từ năm 2009, Hội NKT Hà Nội thử nghiệm xây dựng và mở trang thông tin điện tử có địa chỉ http://www.dphanoi.org.vn. Một lần nữa bà Diệp được tín nhiệm là một trong hai biên tập viên chính của trang Web. Đến nay có website của Hội đã có khoảng 13.500.000 lượt người truy cập vào hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh.

Sau khi nghỉ hưu năm 2008, bà Diệp dành hoàn toàn thời gian cho hoạt động Hội. Năm 2012, tại Đại hội lần thứ III của Hội NKT TP. Hà Nội, bà được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực cho đến nay. Qua 10 năm hoạt động và phát triển, Hội lớn mạnh không ngừng, mạng lưới của Hội đã phát triển tới tất cả 30 quận, huyện của Hà Nội, thu hút hơn 10.000 hội viên. Cùng với sự phát triển của Hội theo các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, trách nhiệm của bà Diệp cũng nặng nề hơn trong khi tình trạng khuyết tật của bà là trở ngại không nhỏ. Tuy vậy, mong muốn cùng với tập thể BCH, Ban lãnh đạo Hội đóng góp tích cực vào việc phát triển Hội một cách bền vững, có chiến lược, mục tiêu phát triển rõ ràng, có nguồn lực vững mạnh, quy chế hoạt động chặt chẽ và bộ máy làm việc hiệu quả thực sự, đã giúp bà Diệp giải quyết hài hoà những vấn đề của bản thân với công việc lớn của Hội. Trong quá trình tham gia hoạt động Hội, bà cũng nhận thấy mình học hỏi thêm được rất nhiều trong lĩnh vực khuyết tật, một lĩnh vực đặc biệt của công tác xã hội.

Là một người khuyết tật, mong muốn của bà Diệp là các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng quan tâm sâu sắc hơn tới việc thực hiện các quyền của của NKT đã được ghi nhận trong Luật NKT Việt Nam, Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT bằng cách từng bước xoá bỏ các rào cản ngăn trở NKT tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời hỗ trợ cho việc xây dựng và phát trển các tổ chức của NKT.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Phan Thị Bích Diệp , khuyết tật , chân dung

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi