Thứ ba, 27 Tháng 6 2017 13:56

Lớn lên giữa Hà Nội, là cử nhân kinh tế nhưng vừa ra trường Lê Thị Thanh Hoa (23 tuổi) lại chọn cho mình một lối rẽ âm thầm: gắn bó đời mình với ngôn ngữ ký hiệu để mở rộng thêm cánh cửa vào đời cho người khiếm thính.

 

Cô gái mở lối cho người khiếm thính
Thanh Hoa (bìa phải) tại lớp dạy ngôn ngữ của người khiếm thính - Ảnh: Q.LINH

 

Giờ đây trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu của Thanh Hoa đã trở thành địa chỉ thân quen của người khiếm thính ở thủ đô Hà Nội.

 

Chia sẻ thiệt thòi

 

Thanh Hoa thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Một lần, trong lúc chuẩn bị cho buổi sinh nhật 3 tuổi của câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội mà người ta tìm mãi chưa ra người dẫn chương trình. Thế là Hoa xung phong nhận, dù chưa hề biết ngôn ngữ ký hiệu.

 

Một chương trình thông thường, người dẫn chỉ cần ăn nói và ứng biến linh hoạt trước các tình huống. Còn với chương trình cho người khiếm thính, quan trọng nhất không chỉ là nói cho người bình thường nghe mà làm sao phải diễn đạt để người khiếm thính hiểu. Mà phương tiện duy nhất không gì khác ngoài ngôn ngữ ký hiệu - diễn đạt bằng tay và sự biểu cảm của nét mặt, cơ thể.

 

Nhưng Thanh Hoa chỉ mất ba ngày để làm quen và học những ngôn ngữ ký hiệu cơ bản nhất với một người khiếm thính để phục vụ việc dẫn chương trình. Chính Hoa cũng không lý giải được vì sao lại có thể tiếp thu nhanh và nhớ được hết như vậy. Lần hội ngộ bất ngờ ấy đã bén duyên cho cô gái Hà thành đến với ngôn ngữ ký hiệu. Càng học Hoa lại càng yêu, như đang tự khám phá thế giới riêng của chính mình.

 

“Việc học ngôn ngữ ký hiệu chẳng khác gì học ngoại ngữ”, Thanh Hoa bảo. Tiếp xúc với nhiều người khiếm thính, Hoa nhận ra họ có quá nhiều thiệt thòi khi cả nghe và nói - hai phương cách giao tiếp phổ biến nhất của một con người đều bị lấy mất. “Họ đã thiệt thòi quá lớn, vậy nên mình cần đến với họ, giúp họ” - Hoa chia sẻ.

 

Dự án của trái tim

 

Hoa đi làm phiên dịch cho người khiếm thính. Hễ nghe ở đâu có chương trình, ai kêu là đến. Những tháng ngày ấy không chỉ giúp Hoa nhiều kinh nghiệm mà còn nung nấu quyết tâm phải làm một điều gì đấy cho cộng đồng người khiếm thính ở Hà Nội. Rồi dự án lập trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu hình thành. “Cũng bầm dập lắm nhưng rồi mọi thứ cũng ổn”, Hoa khoe. Trung tâm ra đời vào giữa năm 2011. Dù mới ra đời nhưng cả ngàn học viên đã tìm đến trung tâm học ngôn ngữ ký hiệu, không chỉ là người khiếm thính mà có rất đông các bạn trẻ thủ đô.

 

Đến nay, song song với các lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu, trung tâm của Hoa còn mở rộng mảng đào tạo phiên dịch, tư vấn và nghiên cứu tổng hợp về ngôn ngữ ký hiệu. Cả trung tâm chỉ có ba nhân sự, còn giáo viên là người khiếm thính đều tham gia thỉnh giảng và hưởng thù lao 250.000 đồng cho mỗi buổi lên lớp trong 90 phút.

 

Nữ giám đốc xinh xắn vừa nhận giải thưởng “Doanh nhân xã hội 2011” cho những đóng góp vì sự phát triển của cộng đồng người khiếm thính. “Còn nhiều việc phải làm lắm. Mình suy nghĩ chỉ cần nhiều người biết đến ngôn ngữ ký hiệu thì những người khiếm thính sẽ có thêm nhiều cánh cửa mở ra với cộng đồng, sẽ bớt thiệt thòi và tự tin hơn trong sinh hoạt hằng ngày”, Thanh Hoa bày tỏ.

 

Phim cho người khiếm thính

 

Với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên khác, Hoa đang tất bật cho một dự án mới - làm phim cho người khiếm thính. Một vài video clip ca nhạc, những cảnh quay ngắn đã được Hoa đưa lên mạng để thăm dò và đã nhận được những phản hồi tích cực từ cộng đồng người khiếm thính.

 

Thừa thắng xông lên, cả nhóm tình nguyện viên và Hoa đi tìm những cố vấn tin cậy, hoàn thành những cảnh quay ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Gươm, làng gốm Bát Tràng... để giới thiệu những nét văn hóa, lịch sử tiêu biểu của đất nước cho người khiếm thính. Với mỗi cảnh quay, sẽ có một người đọc kịch bản để Hoa diễn đạt bằng ngôn ngữ ký hiệu trên khung hình. Hoa đang ấp ủ về những thước phim được đầu tư công phu, in đĩa chứ không chỉ là clip phát trên mạng nữa.

 

Nguồn: tuoitre.vn

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Lê Thị Thanh Hoa , ngôn ngữ , khiếm thính , chân dung

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi