Tình yêu và nghị lực sống đã tiếp thêm sức mạnh cho đôi vợ chồng khuyết tật Trần Văn Lẫm, Phạm Thị Hoàn (huyện Vũ Thư - tỉnh Thái Bình) vượt qua gian khó, xây tổ m hạnh phúc. Bằng bàn tay và khối óc, đôi vợ chồng khuyết tật ấy không chỉ tạo dựng một công việc ổn định, mà còn mang lại cơ hội làm việc cho hàng chục người đồng cảnh.
Vượt khó xây hạnh phúc
Men theo con ngõ nhỏ nằm cuối xã Tân Hoà, tiếng máy may vọng từ căn nhà rộng hơn 40m2, khiến ai đi qua cũng dễ dàng nhận ra xưởng may của đôi vợ chồng khuyết tật Trần Văn Lẫm, Phạm Thị Hoàn. Cùng có điểm chung xuất thân trong gia cảnh nghèo khó, cùng là người khuyết tật nhưng với sự đùm bọc, yêu thương, sẻ chia của gia đình, bè bạn và hơn cả chính là sự tự lập, mạnh mẽ, cứng cỏi trong chính tâm hồn, ý chí khát vọng, đôi vợ chồng khuyết tật Lẫm, Hoàn đã cùng nhau vượt qua bao chông gai, quên đi mặc cảm để tìm đến niềm vui trong lao động, gây dựng một cuộc sống an vui, hạnh phúc.
Anh Lẫm rất khéo tay trong công việc vẽ mẫu và cắt may
Nhớ lại về ký ức, anh Lẫm trầm ngâm một hồi lâu, rồi kể về tuổi thơ đầy ắp nỗi buồn, về sự khốn khó của gia đình. Vốn được sinh ra khoẻ mạnh, lành lặn, Lẫm cũng từng có những tháng ngày tuổi thơ vui vẻ với những kỷ niệm đẹp khi còn được chạy nhảy chơi đùa cùng chúng bạn. Nhưng rồi số phận như giỡn đùa khiến Lẫm mắc căn bệnh cong vẹo cột sống do biến chứng sau một trận sốt cao khi còn là cậu học trò cấp tiểu học.
Bệnh tật ập đến trong lúc hoàn cảnh gia đình túng thiếu, quanh năm bố mẹ vất vả, chân lấm tay bùn nhưng cũng không đủ no cơm ấm áo. Vậy nên, bố mẹ Lẫm đành lực bất tòng tâm nhìn con trai lớn lên với chiếc lưng gù, cong vẹo, khiến mọi sinh hoạt trở nên khó khăn.
Giống như anh Lẫm, chị Phạm Thị Hoàn vợ anh cũng từ một người khỏe mạnh phải chấp nhận số phận khuyết tật do di chứng sốt bại liệt đã khiến bên chân trái của chị dần teo nhỏ lại. Họ gặp nhau khi cùng tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình. Sau nhiều lần trò chuyện, chia sẻ về những tâm tư, suy nghĩ trong cuộc sống, hai mảnh đời khuyết đã quyết định cùng nhau xây dựng hạnh phúc dưới một mái nhà.
ấp ủ, nuôi dưỡng hy vọng trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, cặp vợ chồng khuyết tật đã mạnh dạn tự lập nghiệp bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Anh Lẫm từng theo học nghề chế tác kim hoàn nhưng để hai vợ chồng cùng lối đi chung, sau đám cưới, anh chị đã dồn toàn bộ vốn liếng mở cửa hàng may ngay tại nhà.
Cùng chung một khát vọng vươn lên, tự lập cuộc sống, anh Lẫm, chị Hoàn đã nỗ lực, cố gắng hết mình cho công việc này. Cửa hàng may của anh chị cứ ngày một đông người tìm đến hơn bởi chính sự chu đáo, tận tuỵ, trách nhiệm, uy tín với khách hàng. Đi qua những ngày gian khó, giờ đây anh Lẫm, chị Hoàn càng có thêm động lực sống, hăng say với công việc bởi tổ ấm của họ thêm rộn ràng và luôn đầy ắp tiếng nói, cười hạnh phúc của trẻ thơ.
Sẻ chia hạnh phúc cho người đồng cảnh
Từ vài đơn đặt hàng trong tháng của những ngày mới lập nghiệp, đến nay con số ấy đã lên đến hàng chục đơn chỉ trong một ngày nên vợ chồng anh Lẫm chị Hoàn làm không hết việc. Không chỉ nhận cắt may quần áo thời trang, anh chị còn được nhiều doanh nghiệp ngỏ ý ký kết hợp đồng làm đối tác. Để công việc kinh doanh thuận lợi, anh Lẫm đã bàn bạc với vợ nâng cấp cửa hàng thành Xưởng may Hoàn Lẫm và đầu tư mở rộng xưởng lên 60m2 và mua 30 máy may công nghiệp cùng một số trang thiết bị mới.
Chị Hoàn hướng dẫn kỹ thuật cho học viên tại cơ sở may thời trang Hoàn Lẫm.
Không giấu được niềm vui trên gương mặt, anh Lẫm hồ hởi kể về bản hợp đồng đầu tiên ký kết với một Công ty may của Hàn Quốc. Sau lần thực hiện thành công hợp đồng, Xưởng may Hoàn Lẫm đã có thêm nhiều tín hiệu khởi sắc vì nhiều doanh nghiệp may mặc trong nước và nước ngoài tiếp tục tin tưởng ký kết hợp đồng may gia công, chủ yếu là may khẩu trang, bao tay xuất khẩu, đồng phục học sinh...
Anh Lẫm tâm sự: “Đứng trước những hợp đồng mới, bên cạnh niềm vui có được lượng khách hàng ổn định, vợ chồng tôi không tránh khỏi lo lắng bởi không có đủ nguồn vốn đầu tư, nhân công. Trong lúc thiếu vốn, chúng tôi may mắn được Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay từ chương trình vốn vay giải quyết việc làm. Sự hỗ trợ kịp thời đó đã giúp chúng tôi yên tâm hơn khi nhận lời ký kết hợp đồng và đầu tư kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất”.
Xưởng may Hoàn Lẫm luôn bận rộn với các đơn đặt hàng.
Luôn mong mỏi giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, đôi vợ chồng khuyết tật đã quyết định nhận dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho người đồng cảnh. Những ngày đầu anh Lẫm, chị Hoàn chỉ nhận dạy nghề cho 1 - 2 học viên, nhưng đến nay, con số ấy đã lên đến vài chục học viên. Cũng là người đồng cảnh nên anh chị hiểu hơn những khó khăn, trăn trở và cả nguyện vọng của người khuyết tật. Đó cũng là lý do khiến anh chị luôn sẵn lòng sẻ chia, tận tình hướng dẫn nghề may cho người đồng cảnh. Với những học viên khuyết tật một phần cơ thể thì việc hướng dẫn nghề không gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đối với các học viên bị thiểu năng trí tuệ, điếc câm thì việc chuyển tải kinh nghiệm, cách làm vô cùng vất vả. Bằng sự nhiệt tình, tâm huyết, anh Lẫm, chị Hoàn đã kiên trì, tìm mọi phương cách để truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho học viên hiểu và thực hành đúng.
Hiện nay, ngoài số học viên khuyết tật được học nghề tự mở cửa hàng may, anh Lẫm, chị Hoàn đã tiếp nhận hơn 20 lao động vào làm việc tại xưởng may, trong đó có hơn 60% là lao động khuyết tật, giúp họ có thu nhập ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Với tấm lòng sẻ chia với người đồng cảnh, đôi vợ chồng khuyết tật giàu lòng nhân ái thực tâm mong mỏi và hy vọng sẽ có thêm nguồn kinh phí mở rộng xưởng may để có thể mở ra nhiều hơn cơ hội cho người khuyết tật, giúp họ tự lập cuộc sống, tự tin hoà nhập cộng đồng.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Người cán bộ Hội tâm huyết với người đồng cảnh - 21/07/2017 07:56
- Chàng sinh viên khiếm thị đã chạm tay vào giấc mơ - 17/07/2017 06:44
- Cô học trò khuyết tật trường chuyên Lê Hồng Phong được tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa HN - 14/07/2017 03:18
- Cô gái mở lối cho người khiếm thính - 27/06/2017 06:56
- Chuyện cô gái khuyết tật thành bà chủ nhà hàng lớn ở TP Hà Tĩnh - 21/06/2017 06:07