Bằng tấm lòng nhân từ, độ lượng, Sư cô Thích Nữ An Sơn (huyện Ninh Hoà - tỉnh Khánh Hoà) luôn sẵn lòng dang rộng vòng tay cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Không chỉ mang đến cuộc sống ấm no, tình yêu thương cho đàn con khuyết tật, mồ côi, Sư cô còn tạo dựng cho các con một tương lai tươi sáng.
Nuôi ước nguyện giúp trẻ thiệt thòi
Xuất thân trong một gia đình nghèo thuần nông ở vùng quê Ninh Phụng, bởi cuộc sống quá đỗi khó khăn nên từ khi còn rất nhỏ, Sư cô Thích Nữ An Sơn (thế danh Phạm Thị ánh Tuyết) đã phải tham gia lao động cùng gia đình. Nhà nghèo không có điều kiện được học hành như chúng bạn nhưng Sư cô lại rất ham học. Không được đến trường nhưng khi còn nhỏ, Sư cô đã mạnh dạn đi xin những quyển sách giáo khoa cũ để tự học và tranh thủ nhờ những người bạn cùng làng hướng dẫn những bài toán khó. Với trí thông minh và cần cù, chịu khó, dần dần Sư cô cũng tự học xong chương trình phổ thông, mặc dù chưa một lần được đặt chân tới trường.
Vốn là người có niềm say mê theo học kinh phật nên cứ mỗi dịp theo mẹ đến chùa, Sư cô đều rất thích thú và chăm chú lắng nghe nhà chùa cầu kinh, giảng phật pháp. Từ những mối duyên lành với nhà phật, Sư cô đã xin phép gia đình được xuất gia năm 19 tuổi tại ngôi chùa Vạn Ninh. Được Sư thầy tạo điều kiện cho học hành, tu tập phật pháp, Sư cô nguyện một lòng chuyên tâm học tập để đáp lại tấm chân tình của Sư thầy.
Cả gia đình ấm áp của Sư cô dưới mái ấm Anh Đào
Suốt hàng chục năm tu học tại Học viện phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Sư cô có dịp gặp gỡ, chứng kiến rất nhiều mảnh đời trẻ thơ bất hạnh, thiệt thòi, những đứa trẻ vừa phải mang trên mình cơ thể khuyết tật lại vừa chịu cảnh côi cút. Nhìn những hình ảnh buồn thương ấy, nhớ về tuổi ấu thơ khốn khó càng khiến lòng Sư cô thêm quyết tâm vừa tu thân vừa làm từ thiện.
Năm 2004, sau khi hoàn thành việc tu học, Sư cô rời thành phố Hồ Chí Minh trở về quê nhà, tiếp tục theo phụng sự nhà phật. Tâm hướng theo phật đạo nhưng Sư cô vẫn tham gia hoạt động xã hội để mở rộng vòng tay chở che những đứa trẻ khuyết tật, mồ côi. Về quê nhà chưa tròn hai tháng, Sư cô quyết định xin phép chính quyền địa phương thành lập Cơ sở Bảo trợ xã hội Anh Đào để nhận nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nhận thấy những suy nghĩ thiện tâm, từ bi cứu độ chúng sinh của Sư cô Thích Nữ An Sơn rất đáng trân trọng, chính quyền địa phương đã chấp thuận lời đề nghị và tạo điều kiện thuận lợi cho Sư cô sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cấp đất để xây dựng cơ sở.
Trở thành “người mẹ” đặc biệt
Một năm sau ngày khởi công, vào cuối năm 2005, Cơ sở Bảo trợ xã hội Anh Đào đã được xây dựng xong và đi vào hoạt động. Tròn 11 năm thành lập cơ sở, từ con số ít ỏi vài trẻ mồ côi, khuyết tật được Sư cô Thích Nữ An Sơn nhận vào nuôi dưỡng ở trong làng và các xã lân cận, đến nay con số ấy đã tăng lên 70 trẻ. Tất cả những đứa trẻ thiệt thòi ở khắp mọi miền đất nước, với nhiều hoàn cảnh éo le, bất hạnh, có độ tuổi từ 2 tháng tuổi đến 17 tuổi đã được Sư cô giang rộng vòng tay che chở. Đa số trẻ thiệt thòi được nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở đều bị khuyết tật ở nhiều dạng tật như khuyết tật chân tay, khiếm thị, có trẻ lại mắc bệnh bại não, down, số còn lại là trẻ mồ côi nghèo.
Sư cô An Sơn mong mỏi có thêm điều kiện để mở rộng cơ sở để các con có cuộc sống tốt hơn
Những ngày đầu tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ thiệt thòi, cơ sở gặp vô vàn gian nan khi chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ, nguồn kinh phí hạn hẹp. Để mang lại cuộc sống ấm no cho đàn con, Sư cô vừa phải gồng mình chăm sóc trẻ, vừa tranh thủ cuốc đất trồng rau giúp các con có thêm nguồn thực phẩm sạch, khi thì phải cậy nhờ, đi xin từng ly sữa cho những đứa con còn non nớt…
Sư cô Thích Nữ An Sơn cho biết: “Tôi bắt đầu “làm mẹ” của những đứa trẻ thiệt thòi từ khi 29 tuổi. Lúc đầu chăm sóc các con tôi bỡ ngỡ lắm, nhưng rồi được nhiều đạo tràng phát tâm thiện nguyện, sẵn lòng ở lại cơ sở để chung sức, chung lòng cùng tôi chăm sóc cho các con”.
Hầu hết số trẻ đang được nuôi dưỡng tại cơ sở đều ở độ tuổi đi học, trong đó có 23 trẻ đang là học sinh tiểu học, 10 trẻ đang học trung học cơ sở, chỉ có duy nhất 2 con đang theo học lớp 11, số còn lại chỉ vài tháng tuổi đến 3 - 4 tuổi. Điều đó khiến cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho các con rất vất vả nhưng với sự tận tuỵ, tâm huyết và yêu trẻ, Sư cô và các cộng sự đã dốc lòng lo lắng, tạo điều kiện tốt nhất cho đàn con thiệt thòi, mang đến cho các con cơ hội được học tập, nâng cao trình độ, tham gia các khoá học tin học, tiếng Anh để chuẩn bị hành trang vững chắc cho tương lai.
Sư cô luôn dành thời gian gần gũi, động viên các con
Việc làm thiện tâm của Sư cô được nhiều người biết đến, từ những cụ già, những chị, những cô cùng địa phương sẵn sàng phụ giúp Sư cô chăm sóc trẻ và có tới 12 mẹ tình nguyện ở lại cơ sở cùng đồng hành với Sư cô trong việc nuôi dạy trẻ. Thật mừng khi có nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân ở khắp mọi nơi đã đến thăm và phát tâm góp tiền cải thiện bữa ăn, mua sắm thêm đồ dùng sinh hoạt, xây dựng các khu nhà ở cho trẻ thiệt thòi tại cơ sở.
Ngoài nguồn thực phẩm, rau xanh do Sư cô và các mẹ ở cơ sở tự tay nuôi trồng, hàng tháng cơ sở nhận được nguồn hỗ trợ gạo của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, một bác sỹ ở tận Nha Trang thỉnh thoảng lại gửi tặng cơ sở một vài loại thuốc thông thường, còn ba và em trai của Sư cô tự tay đóng giường, bàn ghế, đồ dùng cho cơ sở.
Rất ít khi kể về mình nhưng nhìn vào ánh mắt vui của Sư cô, ai cũng dễ dàng nhận ra sự mãn nguyện, hạnh phúc của “người mẹ” đặc biệt ấy khi cơ sở may mắn được Đoàn thanh niên Cộng sản trường Đại học Nha Trang giúp đỡ xây dựng khu vườn trồng rau sạch rộng hơn 600m2. Nơi đây không chỉ để Sư cô và các mẹ trồng rau mà còn là nơi các con của Sư cô tham gia lao động, đỡ đần, giúp đỡ các mẹ và cũng là dịp để các con hoạt động ngoại khoá.
Với tình thương yêu vô bờ và cố gắng mang đến những điều tốt đẹp nhất cho đàn con thiệt thòi, Sư cô hạnh phúc được 70 đứa trẻ gọi là “mẹ”. Trong tâm khảm “người mẹ” đặc biệt này, được thấy các con vui cười, học giỏi, chăm ngoan, khoẻ mạnh đã là món quà quý giá để Sư cô có thêm nguồn vui, động lực chở che và góp nhặt nhiều hơn yêu thương cho những trẻ thơ bất hạnh.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tự tin mở cánh cửa tương lai - 16/02/2017 04:33
- Hành trình vượt khó của những tấm gương sáng - 16/02/2017 03:36
- Ngồi xe lăn, sửa máy tính, bán vé số mưu sinh - 07/02/2017 08:01
- Người phụ nữ khuyết tật và hành trình ươm mầm trái ngọt - 16/01/2017 06:35
- Vượt lên số phận bằng niềm hăng say lao động - 04/01/2017 04:05
Các tin khác
- Những tấm gương nghị lực toả sáng học đường - 22/12/2016 03:52
- Niềm vui từ những yêu thương - 22/12/2016 03:47
- Khâm phục cô gái khiếm thị Việt Nam là sinh viên ưu tú ở Mỹ - 19/12/2016 03:37
- Người bệnh não mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo - 06/12/2016 03:53
- Cơ ngơi khó tin của người đàn ông khuyết tật - 05/12/2016 03:05