Thứ tư, 04 Tháng 1 2017 11:05

Năm 1976 từ miền quê Hoài Đức (Hà Nội), nghe theo tiếng gọi của Đảng, gia đình tôi quyết định đi khai hoang làm kinh tế mới tại tỉnh Sơn La. Đến nơi ở mới với bao gian khó chất chồng nên ngoài thời gian tới lớp, tôi đã biết phụ giúp bố mẹ việc nhà mặc dù tuổi tôi còn rất nhỏ. Với tôi hạnh phúc của tuổi thơ là được đi học, được sống trong một gia đình ấm êm, chan chứa thương yêu.

Đứng lên bằng đôi tay

May mắn được sinh ra trong một hình hài lành lặn, khoẻ mạnh nhưng rồi đến năm lên 10 tuổi, một trận sốt cao đã khiến đôi chân của tôi không thể cử động. Suốt bao đêm, mẹ tôi thấp thỏm âu lo cho tương lai của tôi, còn bố tôi chạy đôn chạy đáo khắp mọi nơi vay mượn tiền đưa tôi đi bệnh viện khám chữa những mong gặp thầy gặp thuốc. Hơn 1 năm điều trị, dù đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc nhưng bệnh tình của tôi ngày càng nặng hơn, đầu gối của tôi không hoạt động được, đôi chân tôi bị co rút và từ đó tôi mất khả năng vận động.

Những ngày đầu phải làm quen với cuộc sống của một người khuyết tật, không thể đi lại trên đôi chân của mình làm tôi trở nên ít nói, tôi không muốn trò chuyện với bất kỳ ai. Hễ ai đến gần là tôi nổi cáu và rất sợ tới chỗ đông người, những lúc đó, mẹ lại đến gần bên tôi động viên, vỗ về. Để giúp tôi tự di chuyển và thích nghi với cuộc sống hàng ngày, mẹ đã dạy tôi cách tập đi bằng đôi ghế gỗ, cũng chính thứ vật dụng hữu ích này đã trở thành người bạn thân thiết và là đôi chân thứ 2 của tôi.

Gặp khó khăn trong đi lại và phải bỏ dở việc học trong quãng thời gian dài chữa bệnh nên tôi không thể tiếp tục tới trường, hàng ngày ở nhà sống dựa vào người thân. Cuộc sống của tôi bước sang một trang mới vào năm 1992. Năm ấy, tôi có dịp làm quen và đem lòng yêu một người con gái ở làng bên. Hạnh phúc lắm vì cuối cùng tôi cũng có được tình yêu lứa đôi như bao chàng trai khác. Vượt qua bao sóng gió, ngăn trở bằng chính sự chân thành trong tình yêu, đã giúp tôi có được thiện cảm của gia đình bạn gái và đã chấp thuận cho chúng tôi được tổ chức đám cưới.

Trai tim 2

Anh Tuấn (người ngồi bên trái) vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh về những nỗ lực trong cuộc sống và giúp người đồng cảnh

 

Có tổ ấm nhỏ của riêng mình, nhưng thời gian đó kinh tế gia đình tôi thật sự rất vất vả, túng thiếu. Hàng chục năm không thoát được cảnh nghèo khó và năm nào cũng thuộc diện hộ nghèo của xã Hát Lót. Ngày ấy, cả gia đình tôi sống dựa vào một lao động duy nhất, chính là vợ tôi. Còn tôi chỉ có thể giúp vợ làm những việc vặt, trông con, chăm sóc mẹ già. Cuộc sống nhàm chán, buồn tẻ càng khiến tôi cảm thấy tủi cực, bế tắc, mặc cảm và nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực với cuộc sống. Được người thân an ủi, động viên và luôn có người vợ hiền biết cảm thông, chia sẻ nên tôi phần nào vơi bớt buồn lo. Tôi cũng gặp may khi được một vài người bạn tốt không chỉ động viên tôi về tinh thần mà còn hỗ trợ tôi về vật chất, nhờ vậy tôi như được tiếp thêm nghị lực, sức mạnh, tự tin tham gia lao động sản xuất, nỗ lực vượt khó bằng đôi tay.

Và giúp người đồng cảnh

Tôi biết đôi chân khuyết tật sẽ là rào cản lớn và thực sự khó khăn khi tham gia lao động nhưng tôi vẫn quyết tâm ra vườn tập cuốc đất, trồng cây ăn quả lâu năm và nhận làm hàng mã cho người dân trong thôn. Nhờ chịu thương cúi khó làm ăn, tôi đã tự lập cuộc sống, cùng vợ gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình.

Năm 2000 với số vốn ít ỏi và vay mượn thêm của bà con hàng xóm, tôi đã mua một chiếc xe ba bánh tự chế với số tiền 10 triệu đồng. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ chiếc xe là phương tiện đi lại nhưng sau vì thấy có nhiều người thuê chở hàng hoá từ Hát Lót lên thành phố nên tôi nhận được nhiều việc làm hơn và nguồn thu cũng dần cải thiện. Tích cóp được một số tiền kha khá, tôi mạnh dạn mua chiếc xe lớn hơn để vận chuyển. Thấy người dân trong xã nuôi lợn nái có lãi, tôi cũng tìm hiểu cách làm và đầu tư thêm vào chăn nuôi lợn, xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi thường xuyên từ 10 - 15 con lợn nái và nhận thu mua lợn thịt, lợn giống cho người dân trong thành phố. Nhận thấy việc chăn nuôi lợn có cơ hội phát triển, tôi đã vay mượn thêm vốn, mở rộng trang trại nuôi lợn từ 130 - 150 con.

Không chỉ nuôi lợn, tôi còn chăn nuôi thêm vịt gà và cung cấp ra thị trường mỗi năm từ 1 - 2 lứa, bởi vậy gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định từ 75 - 80 triệu đồng/năm.

Từ một người khuyết tật phải sống phụ thuộc vào người thân, đến nay tôi đã nỗ lực vươn lên trở thành người có ích cho gia đình, là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và đưa ra đình thoát nghèo năm 2016.

 

 

Sau nhiều cố gắng trong lao động, tôi đã xây được một căn nhà cấp 4 rộng rãi, thoáng mát, sắm sửa các đồ dùng, trang thiết bị phục vụ trong sinh hoạt gia đình. Bằng sự nỗ lực trong lao động đã giúp tôi có điều kiện chăm lo cho con trai được ăn học tới nơi tới chốn. Đến nay, cháu đã tốt nghiệp hệ Cao đẳng ngành xây dựng và hiện đang công tác tại UBND xã Hát Lót, điều đó càng trở thành nguồn động lực quý giá để tôi hăng say hơn trong lao động, cải thiện kinh tế gia đình.

Những thành quả trong cuộc sống của tôi có được, ngoài sự tự lực của bản thân, bên tôi luôn có sự hỗ trợ, khích lệ lớn lao của người vợ hiền, của người thân, bè bạn và đặc biệt là sự tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền địa phương và các bác lãnh đạo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Sơn La.

Từng lớn lên trong khốn khó nên tôi rất thấu hiểu những khó khăn và cả những suy nghĩ, mặc cảm của người yếu thế, bởi vậy khi gặp người đồng cảnh, tôi thường động viên, san sẻ kinh nghiệm giúp họ cùng tham gia lao động sản xuất và có thêm niềm tin vào cuộc sống, có động lực vươn lên trong lao động, tự tin hoà nhập cộng đồng.

Tôi mong những người đồng cảnh như tôi cũng sẽ có nhiều cơ hội học nghề, được hỗ trợ sinh kế để tham gia lao động sản xuất và hy vọng, Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt nhiều hơn đến những người khuyết tật chúng tôi, đưa ra những chính sách ưu tiên người khuyết tật, tạo công ăn việc làm, cho vay vốn ưu đãi để những người khuyết tật có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi