Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 10:26

Nhằm cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, quỹ; lắng nghe ý kiến trao đổi, phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực Hội, quỹ… Vừa qua, tại Hải Phòng, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác Hội, tổ chức phi chính phủ năm 2016 và góp ý kiến xây dựng Dự án Luật về Hội. Tới dự và chủ trì Hội nghị có ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội Vụ; bà Hà Thị Dung - Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức Hội Trung ương, các Sở Nội Vụ phía Bắc.

Về công tác Hội, phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, thời gian qua các hội được thành lập và hoạt động đa số đã tuân thủ pháp luật, điều lệ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, phát huy được vai trò tập hợp, đoàn kết và bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia cung ứng các dịch vụ, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, hoạt động từ thiện, nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ môi trường, thúc đẩy hoạt động đối ngoại nhân dân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các Hội có Đảng đoàn.

TDTS 1

Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội Vụ khai mạc Hội nghị

 

Hội nghị tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; lắng nghe ý kiến trao đổi, phản ánh của các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực hội, quỹ; tiếp tục thể chế hóa kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị về Hội quần chúng, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, sớm trình Chính phủ ban hành; khắc phục bất cập trong thủ tục, quy trình thành lập, quản lý, thanh kiểm tra xử lý vi phạm của Hội. Đồng thời, cũng là dịp để Bộ nắm bắt nhu cầu thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc của các hội trong quá trình tổ chức và hoạt động; trao đổi các thông tin mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến thẩm quyền quản lý Nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ, quỹ để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ Hà Thị Dung, cả nước hiện nay có khoảng gần 68 nghìn Hội, trong đó có hơn 21 nghìn Hội đặc thù. Trên phạm vi toàn quốc, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ tính đến ngày 30/6/2016, cấp Trung ương có 498 Hội, 28 Hội đặc thù với 686 biên chế. Tại cấp tỉnh có gần 3,7 nghìn Hội, 947 Hội đặc thù với hơn 5 nghìn biên chế. Tại cấp huyện có trên 7,5 nghìn Hội, trong đó có gần 3,5 nghìn Hội đặc thù, còn tại cấp xã có gần 57 nghìn Hội, trong đó có hơn 18 nghìn Hội đặc thù với gần 2,7 nghìn biên chế. Công tác quản lý Nhà nước đối với các Hội từng bước đổi mới, trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước được xác định rõ theo phân công, phân cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động đúng theo quy định của Nhà nước, điều lệ hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Để tạo điệu kiện thuận lợi và cơ hội bình đẳng cho Hội quần chúng phát huy vai trò, sức mạnh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho Hội tham gia hoạt động xã hội hoá, từ thiện nhân đạo, tham gia vào một số hoạt động của cơ quan Nhà nước; một số Bộ, ngành đã tích cực hỗ trợ hội hoạt động, thông tin cho Hội về chiến lược phát triển ngành, tạo điều kiện để Hội thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và mời tham gia các ban soạn thảo luật, Pháp lệnh, Nghị định… Tuy nhiên trong công tác quản lý Nhà nước về Hội vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như thủ tục thành lập Hội còn mất nhiều thời gian; văn bản quy phạm pháp luật thiếu quy định về chế tài xử lý khi các Hội vi phạm trong quá trình hoạt động; một số Hội hoạt động còn hình thức, chưa gắn hoạt động của Hội với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Tại Hội nghị, các đại biểu tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến, chỉ ra những khó khăn, bất cập các Hội đang gặp phải. Đồng thời kiến nghị với Bộ Nội vụ, với các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động điều chỉnh, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện để Hội tăng cường vai trò trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phản biện xã hội, thu hút hỗ trợ hội viên; là cầu nối giữa hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước; thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao dịch vụ công, từ đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền, thay đổi tư duy quản lý từ nền hành chính quản lý sang hành chính phục vụ.

Về góp ý kiến xây dựng Dự án Luật về Hội, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam Nguyễn Đình Liêu đã nêu thực tế hoạt động của Hội 25 năm qua theo những nhiệm vụ, hoạt động gắn với nhiệm vụ Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, tán thành nội dung không quy định Hội đặc thù để các Hội chủ động hơn trong việc sử dụng, huy động cán bộ. Ông cũng đồng tình với điều 15 vì hoạt động của các Hội vẫn phải bảo đảm có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và tại Khoản 2 Điều 15 nên sửa lại là “Thủ tướng Chính phủ công nhận Điều lệ Hội và người đứng đầu”; tại Điều 20 nên sửa lại thành “Ban Lãnh đạo Hội là cơ quan lãnh đạo hoạt động Hội” không nên sử dụng từ “điều hành”…  

TDTS111 2

Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu tham gia góp ý kiến tại Hội nghị góp ý kiến xây dựng Dự án Luật về Hội

Tiếp theo ý kiến Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu, một số đại biểu cho rằng, Luật về Hội cần điều chỉnh đối với các tổ chức hội gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội, có như vậy mới đảm bảo nguyên tắc Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; Luật về Hội ngoài việc quy định công dân có quyền lập hội có hội viên, cũng cần điều chỉnh việc công dân thành lập các tổ chức Hội không có hội viên nhằm cụ thể hoá đầy đủ quyền lập Hội của công dân và luật hoá các quy định của pháp luật hiện hành về quyền của công dân được thành lập các Hội không có hội viên; Luật về Hội chỉ nên điều chỉnh thêm quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để phân biệt với quỹ tài chính, quỹ đầu tư; hay cần phân biệt quyền Hội họp và quyền lập Hội của công dân…  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi