Thứ ba, 16 Tháng 7 2024 16:29

Nhằm mục tiêu hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Nghệ An đã và đang triển khai thực hiện “Chương trình hỗ trợ sinh kế theo hướng bền vững cho gia đình có người khuyết tật; trẻ mồ côi; gia đình có trẻ em đặc biệt khó khăn giai đoạn 2024 – 2026”. Chương trình hướng tới nhóm đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn đang nuôi dưỡng NKT, TMC; gia đình có trẻ em đặc biệt khó khăn; NKT có khả năng lao động trên phạm vi toàn tỉnh.

 

Để thực hiện chương trình hiệu quả, tỉnh Hội Nghệ An đã tổ chức thực hiện các hoạt động: Đẩy mạnh tuyên truyền vận động xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội; phát huy nội lực của gia đình và NKT, TMC; gia đình có trẻ em đặc biệt khó khăn tự vươn lên. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế theo hướng bền vững giai đoạn 2024 - 2026 của Hội. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cấp Hội về thực hiện các chương trình hỗ trợ sinh kế theo hướng bền vững cho gia đình có NKT đặc biệt khó khăn; TMC; gia đình có trẻ em đặc biệt khó khăn.

 

Tỉnh Hội cũng đề ra kế hoạch trong giai đoạn 2024 – 2026, phấn đấu toàn tỉnh triển khai xây dựng được 100 mô hình sinh kế theo hướng bền vững, phát huy hiệu quả. Riêng đến hết quý II trong năm 2024 mỗi huyện, thành, thị Hội phải triển khai xây dựng 01 mô hình điểm với quy mô giá trị mô hình tối thiểu từ 20 triệu đồng trở lên; từ quý II/2024 trở đi, triển khai nhân rộng các mô hình.

 

 Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Hội tập trung vào xây dựng mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, khắc phục khó khăn cải thiện cuộc sống thông qua hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Hỗ trợ về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và XKLĐ. Trong đó mô hình phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình hỗ trợ nâng cao năng lực trong lĩnh vực nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp); đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm nhu cầu thiết yếu của đối tượng an sinh, từng bước đáp ứng nhu cầu, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất. Quy mô xây dựng mô hình hỗ trợ về lĩnh vực nông nghiệp tối thiểu 10 hộ/mô hình; tối đa không quá 50 hộ/mô hình.

z5638918856622 1cf1d14c207410db902ed30de9f8c8ff

Huyện Hội Nghĩa Đàn trao 5 triệu đồng để thực hiện mô hình chăn nuôi thỏ cho gia đình ông Cao Văn Lâm - xã Nghĩa Hội

 

Các cấp hội cơ sở tập trung vào hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm theo tiềm năng nhằm phát huy lợi thế của từng vùng miền. Căn cứ điều kiện thực của từng gia đình để hỗ trợ giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ưu tiên khai thác cây con bản địa có giá trị giúp người dân tích lũy kinh nghiệm trồng và chăm sóc dựa vào thổ nhưỡng, khí hậu để tạo ra sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế như bí xanh, khoai sọ, dưa rẫy, cải ngồng, cà chua, quế Quỳ, xoài Tương Dương… Hỗ trợ giống bò sinh sản; dê sinh sản, dê thương phẩm; gà thương phẩm; gà lai siêu trứng; nuôi ong lấy mật. Đối với huyện miền núi cao, hỗ trợ các loại vật nuôi thuần chủng, phát triển tốt như bò Mông, gà ác, vịt bầu, lợn đen, trâu Na Hỷ có khả năng chống chịu thời tiết và có khả năng sinh sản tốt. Căn cứ điều kiện đối với các hộ có ao, hồ mặt nước; tiến hành hỗ trợ đưa mô hình nuôi ốc bươu thương phẩm; cá rô phi lai đơn tính; nuôi lươn không bùn…

 

Tỉnh Hội cũng tổ chức hỗ trợ khâu nối liên kết với các công ty, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các Câu lạc bộ Thiện nguyện, Câu lạc bộ SXKD giỏi, hộ nông dân SXKD giỏi, các mô hình câu lạc khác ở cơ sở, HTX, Tổ hợp tác, Tổ hội nông dân nghề nghiệp, hộ Thiện nguyện truyền thống, các mạnh thường quân…để tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực về kinh phí, về chuyển giao kho học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, về hỗ trợ giống cây, con, vật tư...khi triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế theo hướng bền vững.

z5638920393239 79fa96fb8850ad873e50ac3636452c88

Hỗ trợ 7 triệu đồng cho mô hình chăn nuôi dê cho gia đình ông Vi Văn Hướng, xã Nghĩa Hội

 

Các cấp Hội trong tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và XKLĐ thông qua tiến hành rà soát, nắm bắt kịp thời đầy đủ những hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi dưỡng người khuyết tật, nuôi trẻ mồ côi; hộ nghèo đặc khó khăn có trẻ em dưới 16 tuổi còn trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, có nhu cầu học nghề; hỗ trợ kết nối giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động... kết nối, phối hợp tuyên truyền, vận động, khuyến khích lao động trẻ trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ đi XKLĐ vào các nước có thu nhập cao và theo con đường chính thống, hợp pháp. Lồng ghép các phiên giao dịch giới thiệu việc làm hàng tháng cho NKT, giúp NKT tiếp cận các Trung tâm đào tạo dạy nghề cho NKT; các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, được tư vấn học nghề, việc làm phù hợp với khả năng của từng đối tượng.

 

Qua triển khai bước đầu, tất cả hộ tham gia đều nắm bắt được đầy đủ các quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất có hiệu quả, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho gia đình. Đây là nền tảng ban đầu để các hộ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư có hiệu quả và tiến đến giảm nghèo bền vững./.

 

Kiên Vũ