Từ một người chới với giữa vực thẳm, từng trải qua những đớn đau tột cùng, hy vọng có thể hồi phục rồi lại tuyệt vọng sống trong cảnh tàn phế mãi mãi sau tai nạn gãy cột sống, dập tuỷ, liệt hoàn toàn hai chân, anh Thái Duy Đức, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã “hồi sinh” ngoạn mục không chỉ lo được kinh tế cho gia đình trở thành trụ cột gia đình và đặc biệt giờ đây anh không còn mặc cảm mình là người khuyết tật.
Sinh ra và lớn lên tại thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), Thái Duy Đức sớm trở thành trẻ mồ côi cha khi chưa đầy 2 tuổi, mẹ Đức một mình gồng gánh nuôi hai chị em đến khi trưởng thành. Học chưa hết lớp 10, Duy Đức nghỉ học giữa chừng để đi làm thuê phụ giúp gia đình. Khi người chị yên bề gia thất, gánh nặng cơm áo nhọc nhằn vừa vơi bớt thì Đức bất ngờ gặp nạn.
Tháng 3/2015, khi tròn 24 tuổi, trong một lần sửa chữa hạng mục của công trình, Đức bị trượt chân và rơi từ giàn giáo ở độ cao gần 8 mét xuống đất. Tỉnh dậy trong bệnh viện, Đức đón nhận “tin trời giáng” với các chấn thương cột sống, dập tủy, đa chấn thương phần mềm. Thử nhúc nhích, Đức “chết lặng” theo nửa dưới cơ thể không còn cảm giác và đôi chân không thể cử động. Chàng thanh niên tuổi 24 không dám hình dung phần đời còn lại sẽ thế nào khi mất đi đôi chân, tiểu tiện cũng không thể kiểm soát.
Tuyệt vọng và suy sụp, gần 2 năm trời sau tai nạn, Duy Đức thu mình lại, sống khép kín, từ đó những suy nghĩ tiêu cực nảy sinh và đỉnh điểm của sự tuyệt vọng, quẫn trí, Đức đã từng tuyệt thực để tìm đến cái chết. Nhưng khi nước mắt đau khổ của đấng sinh thành cả một đời thầm lặng hi sinh cho con cái rơi xuống đã kéo Duy Đức từ bến bờ tuyệt vọng ở lại với cuộc đời. Từ đó, Đức dần mở lòng nhìn ra cuộc sống, Đức nhận ra xung quanh còn vô số hoàn cảnh bất hạnh. Từng trải qua những đớn đau tột cùng, hy vọng có thể hồi phục rồi lại tuyệt vọng sống trong cảnh tàn phế mãi mãi, Đức tự vực dậy bản thân và bước ra đối mặt với hiện thực. Đặc biệt, năm 2018, khi tham gia các hoạt động xã hội, anh Đức tình cờ quen biết chị Bùi Thị Chinh (quê ở Tam Nông, Phú Thọ). Sau khi tìm hiểu và đi đến kết hôn, anh lại càng thôi thúc bản thân mình phải trở thành chỗ dựa vững chắc cho gia đìn, vợ và con.
Thái Duy Đức với tác phẩm gỗ lũa sắp hoàn thành
Vốn từng làm thuê cho một xưởng mộc chuyên về gỗ lũa, khi nhận thấy có cơ hội và nhu cầu của người tiêu dùng nên Duy Đức quyết định chế tác các loại gỗ lũa. Đức tự lên mạng tìm hiểu, mày mò, đến các vùng đồng bào người Ê-đê hay có khi Đức dùng xe tự chế chạy hàng trăm cây số, quên cả mình là người khuyết tật để tìm mua gỗ lũa.
Mua được gỗ về, anh lại cặm cụi làm sạch, cắt, cưa, ghép nối thành những sản phẩm theo yêu cầu của khách. Mặc dù phải ngồi xe lăn, tự mình khuân vác những khúc gỗ nặng hàng chục kg nhưng anh luôn cố gắng làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng. Từ những khúc gỗ vô tri, Duy Đức đã tạo nên những sản phẩm có giá trị phục vụ trang trí nhà cửa, hồ cá thuỷ sinh, ghép lan…
Tác phẩm gỗ lũa qua bàn tay của nghệ nhân Duy Đức
Nhận thấy căn bệnh chấn thương tủy sống không cho phép mình cúi gập người trong khoảng thời gian dài, anh liền đóng một chiếc bàn vừa tầm với xe lăn để có thể ngồi thẳng và “sáng tác” ngay trên đấy. Mỗi ngày anh đều luyện tập cho đôi tay có sức hơn để quen với việc cầm nắm vật nặng. Nhờ thế, anh có thể tự mình vác từng khúc gỗ và cầm cưa chắc tay hơn, đảm bảo an toàn trong quá trình chế tác.Vừa làm vừa học hỏi, Đức còn tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, “nguyên liệu” gốc cây khô ở địa bàn có khá nhiều và phong phú, đa dạng nên anh chuyển dần và tập trung chuyên sâu để phát triển gỗ lũa nghệ thuật - Cây khô mỹ thuật.
Tác phẩm gỗ lũa qua bàn tay của nghệ nhân Duy Đức
“Không giống những môn nghệ thuật khác, gỗ lũa nghệ thuật rất phong phú, đa dạng. Bởi không có gốc cây khô nào giống gốc nào và cũng không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Phụ thuộc từ hình thù từng gốc cây mà mới suy nghĩ và chọn thế, chọn ý tưởng để chế tác. Chính vì vậy, gỗ lũa nghệ thuật rất khó, nên lúc nào cũng phải học, phải nghe, phải tìm hiểu và sáng tạo. Có loại lũa tôi chỉ cần làm sạch và giữ nguyên dáng gốc. Nhưng có khúc tôi phải dùng cưa cắt và ghép nối bằng keo chuyên dụng để tạo thành dáng ưng ý. Cái cần nhất, là đòi hỏi phải có tâm huyết và lòng đam mê. Và chỉ có đam mê, tâm huyết và sáng tạo thì mới có thể “gởi” được “hồn” mình vào gỗ” Duy Đức chia sẻ.
Tác phẩm gỗ lũa qua bàn tay của nghệ nhân Duy Đức
Những năm đầu, Đức chuyên làm về gỗ lũa thiên nhiên trưng bày, ghép với hoa lan,... Mấy năm gần đây, nhận thấy phong trào chơi gỗ lũa trong các hồ thủy sinh tăng mạnh nên anh chuyển hướng. Nhiều người đặt anh làm số lượng lớn nhưng anh đều từ chối. Anh chia sẻ, người chế tác gỗ lũa cũng giống như người nghệ sĩ, làm việc phụ thuộc nhiều vào cảm xúc. Anh muốn mỗi sản phẩm của mình sẽ mang một giá trị nghệ thuật riêng. Hơn nữa, anh biết sức khỏe bản thân không kham nổi.
Công việc thuận lợi, khách hàng ngày một đông, mỗi sản phẩm của Duy Đức có giá từ vài trăm nghìn đến cả vài chục triệu đồng đã giúp anh mỗi tháng có thu nhập hàng chục triệu để chăm lo cho gia đình và phát triển sản xuất. “Công việc chế tác gỗ lũa đã giúp tôi quên đi mọi đau đớn, thậm chí tôi có thể lo được cho gia đình, là một người trụ cột gia đình đúng nghĩa. Tôi cảm thấy “khoảng cách” được thu hẹp lại và chẳng còn mặc cảm là người khuyết tật nữa”, anh Đức nói./.
Địa chỉ liên hệ:
Gỗ lũa Duy Đức
Chuyên Gỗ Lũa & Layout Thuỷ Sinh - thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng)
Zalo : 0972206909
Hotline : 0972206909 & 0392270099
Kiên Vũ
Tin mới
- Hoạt động ngoài trời giúp cải thiện thị lực ở trẻ em - 13/08/2024 07:04
- Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thấp nhất trong 15 năm qua - 13/08/2024 06:50
- "Lớp học" trong bệnh viện mang đến niềm vui, kỹ năng sống cho các bệnh nhi - 05/08/2024 08:06
- Bé gái 7 tuổi được ghép tim thành công - 01/08/2024 07:36
- Hoàn thiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật hoà nhập cộng đồng - 23/07/2024 10:26
Các tin khác
- Chàng trai khuyết tật người H’Mông vượt qua nghịch cảnh để theo đuổi ước mơ - 16/07/2024 09:34
- Tỉnh Hội Nghệ An: Hỗ trợ sinh kế bền vững cho gia đình có người khuyết tật, trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt - 16/07/2024 09:29
- Thêm một cơ hội nghề nghiệp cho người khuyết tật - 16/07/2024 09:24
- WHO cảnh báo về thuốc giả trị đái tháo đường và giảm cân - 27/06/2024 05:25
- Mì ăn liền Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại EU - 14/06/2024 04:38