Thứ ba, 16 Tháng 7 2024 16:34

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở tỉnh Lào Cai, mặc dù bị khuyết tật vận động từ nhỏ, chàng trai Giàng Seo Vảng vẫn kiên trì theo đuổi con chữ. Vượt qua biết bao khó khăn, thử thách, đến nay, chàng trai khuyết tật ấy không chỉ có công việc ổn định nuôi sống bản thân mà còn trở thành niềm tự hào của gia đình và là tấm gương vượt khó, truyền cảm hứng cho nhiều người đồng cảnh.

 

Giàng Seo Vảng (24 tuổi) là anh cả trong một gia đình có 4 anh chị em. Vảng và một em gái bị khuyết tật vận động từ nhỏ do di chứng của chất độc da cam. Gia đình Vảng rất khó khăn, bố mẹ sức khoẻ yếu, thu nhập chủ yếu dựa vào mấy nương ngô, nương sắn.

 

Từ nhỏ Vảng và em gái không được đi học, do trường ở cách nhà quá xa. Nhưng vốn ham học hỏi, nhìn mọi người đọc được sách, Vảng vô cùng thích thú và tìm mọi cách để học chữ. Biết Vảng lén đến trường để học, nhiều lần bố cậu ngăn cản, nhưng đâu lại vào đấy, Vảng vẫn kiên trì học cho bằng được. Không có vở, Vảng phải dùng phấn viết lên vách tường để luyện chữ. Cứ thế, nhờ sự kiên trì và nỗ lực, Vảng đã tự mình ghép được các câu đơn giản. 10 tuổi mới bắt đầu học chữ, nhưng Vảng biết đọc nhanh hơn cả các em.

 

Nhờ biết chữ cùng tinh thần ham tìm hiểu, năm 15 tuổi, Vảng tiếp cận với điện thoại thông minh. Chiếc điện thoại đã giúp chàng trai khuyết tật người H’Mông mở ra một chân trời mới, giúp Vảng khám phá những công việc, những cách thức có thể giúp thay đổi cuộc sống của chính mình.

 

Nhưng khi chia sẻ ý tưởng với mọi người trong gia đình, Vảng bị phản đối kịch liệt. Đặc biệt là bố. Trước sức ép của gia đình, cậu đành gác lại dự định, nhưng ước mơ cháy bỏng về một cuộc sống tự lập, về sự thay đổi hoàn cảnh bản thân cứ cháy âm ỉ trong tâm hồn Vảng và mỗi ngày một lớn hơn.

 

Năm 17 tuổi, Giàng Seo Vảng quyết tâm thực hiện ước mơ. Vảng trốn gia đình, một mình bắt xe khách xuống Hà Nội học nghề và tìm một công việc để có thu nhập. “Lúc đó em nghĩ, đây là cơ hội để thay đổi cuộc đời mình, nếu em chỉ ở nhà suốt thì không biết gì cả. Thế là em quyết tâm xin bố mẹ xuống Hà Nội học cho bằng được” - Vảng chia sẻ.

 

Hành trình “xuống núi” đối với một chàng trai khuyết tật như Vảng không hề đơn giản: “Những ngày đầu tiên sau khi bắt xe xuống Hà Nội em cảm thấy rất sợ. Sợ lạc đường vì dưới này người đông quá, xe cộ thì nhiều, đường xá thì chằng chịt. Em sợ mình học không theo kịp được các bạn… Nhưng em dặn lòng, dù có khó khăn vất vả thế nào cũng không được quay đầu, không được từ bỏ” – Vảng nhớ lại. Để rồi, chính những nỗi sợ ấy đã trở thành động lực để Giàng Seo Vảng càng quyết tâm hơn.

 

z5638929495990 c60a1876864e3d798cf76952864ee35e

Giàng Seo Vảng chia sẻ hành trình của mình trên chương trình “Trạm yêu thương” của VTV

 

Từ miền núi nghèo xuống Hà Nội phồn hoa, đắt đỏ học nghề, Vảng phải cố gắng chi tiêu tiết kiệm hết sức có thể. Có những bữa cơm cậu chỉ dám chi vài nghìn đồng. Vảng xin đi làm thêm ở khắp nơi để có tiền theo đuổi việc học và trang trải sinh hoạt. Cứ thế, vừa học vừa làm, sau 2 năm cần cù chịu khó, chàng trai khuyết tật người H’Mông đã hoàn thành chương trình học và trở thành thợ chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp. Cậu quyết định ở lại lập nghiệp tại Hà Nội.

 

Từ một chàng trai khuyết tật nghèo quen với núi rừng ngút ngàn cây cối, tưởng rằng Giàng Seo Vảng sẽ mãi an yên trên chiếc xe lăn, quanh quẩn trong nhà, nhưng bằng ý chí quyết tâm và sự bứt phá của tuổi trẻ Vảng đã dám vượt ra sự bảo bọc của gia đình, vượt lên những bất tiện do khiếm khuyết mang lại, dám nghĩ, dám làm để thực hiện ước mơ. Đến thời điểm hiện tại, Giàng Seo Vảng không chỉ có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân, mà mỗi tháng còn gửi tiền về phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Được bố nhìn nhận và ủng hộ, Vảng không giấu nổi sự xúc động: “Em thấy rất vui và hạnh phúc vì bố đã tự hào về em và công nhận rằng việc em về Hà Nội học là đúng. Em đã có nghề, có thu nhập ổn định và quan trọng nhất là em đã tìm được cho mình một chỗ đứng bằng chính đôi chân và khối óc của mình” - Vảng chia sẻ.

 

Nói về dự định trong tương lai, Vảng chia sẻ bản thân mong muốn có nhiều cơ hội để học hỏi nâng cao tay nghề và được giúp đỡ những bạn trẻ ở trên núi cao, có hoàn cảnh khó khăn như mình vượt qua đỉnh núi để tiến tới một chân trời mới./.

 

 

Kiên Vũ