Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm nay có chủ đề: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ…
Thông tin giá cả, chất lượng sản phẩm ngày càng được doanh nghiệp bán lẻ chú trọng.
Thông tin minh bạch để xây dựng uy tín
Với nhận thức và đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ, mua sắm hàng hóa, nhiều năm trở lại đây các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp xem đây là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín, thương hiệu, hướng tới sự phát triển bền vững.
Là một trong những doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam, nhằm hưởng ứng 'Ngày quyền của người tiêu dùng năm 2024', các siêu thị GO! ở các tỉnh, thành phố của Tập đoàn Central Retail đã đồng hành cùng Sở Công Thương các địa phương, trong các buổi Lễ mít tinh, các Tọa đàm với chủ đề chung tay bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, nhằm đem đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhân dịp Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, Central Retail đã triển khai chương trình Tuần lễ vàng – Siêu khuyến mãi. Theo đó, Chương trình diễn ra từ ngày 9/3-15/3/2024, tập trung nhiều ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng đặt hàng tại App GO! và Big C như vào 12h00 trưa mỗi ngày, khách hàng có cơ hội nhận ngay mã giảm giá 700.000 đồng cho đơn hàng từ 0 đồng.
Riêng trong 3 ngày vàng 11,12,13/3/2024 Central Retail sẽ tung thêm hàng trăm mã giảm giá 40.000 đồng cho đơn hàng từ 650.000 đồng. Đối với khách hàng lần đầu mua hàng trên App GO!, Big C sẽ được tặng thêm mã giảm giá 30.000 đồng cho đơn hàng từ 450.000 đồng;…
Cùng với các chương trình khuyến mại, tri ân người tiêu dùng, trong thời gian qua, hành trình xanh của Central Retail Việt Nam được triển khai mạnh mẽ như: Chương trình bán túi Lohas (túi tái sử dụng, thân thiện với môi trường) không lợi nhuận; hỗ trợ đóng thùng giấy carton chứa hàng hóa miễn phí tại chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm; khuyến khích khách hàng tái sử dụng túi mua hàng.
Ngoài ra, còn có các hoạt động thí điểm sử dụng bao bì, khay đựng thức ăn chế biến được làm từ bã mía có khả năng phân hủy sinh học; cung cấp các sản phẩm có lượng phát thải carbon thấp; triển khai hệ thống phân loại rác thải tại các trung tâm thương mại GO!…
Theo các chuyên gia, với nhận thức ngày càng cao, người dân, nhất là ở đô thị, quan tâm hơn đến việc tiêu dùng xanh, đòi hỏi cao hơn về chất lượng, sự thông minh và tiện dụng của sản phẩm. Đặc biệt là những sản phẩm ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường.
Vì vậy, việc các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng bên cạnh việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh sẽ chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Cẩn trọng trong thanh toán, mua sắm hàng hóa
Bẩn thân người tiêu dùng cần cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Là năm thứ 2 Bộ Công Thương lựa chọn slogan "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn", Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) Nguyễn Quỳnh Anh nhấn mạnh, hơn bao giờ hết thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi những năm gần đây, nhiều tổ chức cá nhân khi kinh doanh đã thông tin không chính xác, không đầy đủ cho người tiêu dùng.
"Thông tin cần được thể hiện như thế nào để người tiêu dùng nhận biết để họ đi đến quyết định chính xác trước khi họ đi đến quyết định giao dịch của mình", bà Nguyễn Quỳnh Anh nói.
Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mới là chủ thể quan trọng và giữ vai trò quyết định. Họ cần nhận thức được rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là cơ sở để phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Cụ thể, phía doanh nghiệp cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để người tiêu dùng có thể đưa ra các quyết định đúng và an toàn. Bên cạnh đó, cần chú trọng cải tiến các dịch vụ truyền thống, củng cố và phát triển hệ thống phân phối; nghiên cứu xây dựng hệ thống, kênh bán hàng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
"Khi việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm, doanh nghiệp mới có thể chiếm lĩnh được niềm tin, nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao uy tín doanh nghiệp và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung khẳng định.
Cũng theo ông Vũ Văn Trung, người tiêu dùng cần có ý thức tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình; cẩn trọng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng cần mạnh dạn lên tiếng đề xuất, khiếu nại khi gặp vấn đề bị xâm hại quyền lợi để tham gia góp phần phát hiện, xử lý và xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh.
Ở góc độ cơ quan chức năng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú.
Từ đó, người tiêu dùng nâng cao nhận thức được hành vi tiêu dùng an toàn. Đồng thời biết đến và nắm rõ các quyền lợi khi lựa chọn các hình thức thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong bối cảnh ngày càng có nhiều các hành vi lừa đảo, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong các giao dịch trực tuyến.
Trong năm 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị tăng cường hiệu quả công tác thực thi pháp luật trên địa bàn thành phố nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra (472 cuộc), xác nhận 58 hợp đồng mẫu liên quan đến lĩnh vực điện, nước, mua bán căn hộ chung cư…
Đường dây nóng của thành phố và Sở Công Thương Hà Nội luôn là địa chỉ tin cậy để người tiêu dùng gửi gắm niềm tin. Năm 2023, Sở đã giải quyết kịp thời, thỏa đáng 29 đơn kiến nghị phản ánh của người tiêu dùng; tiếp nhận và giải đáp 12.453 cuộc gọi qua tổng đài 024.1081 về Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của doanh nghiệp…
Tin mới
- Tỉnh Hội Nghệ An: Hỗ trợ sinh kế bền vững cho gia đình có người khuyết tật, trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt - 16/07/2024 09:29
- Thêm một cơ hội nghề nghiệp cho người khuyết tật - 16/07/2024 09:24
- WHO cảnh báo về thuốc giả trị đái tháo đường và giảm cân - 27/06/2024 05:25
- Mì ăn liền Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại EU - 14/06/2024 04:38
- Hưởng ứng Ngày Sức khoẻ Tiêu hoá Thế giới 2024 với thông điệp: "Khoẻ tiêu hóa – Bụng cười, đời tươi" - 28/05/2024 08:06
Các tin khác
- Mạnh tay xử lý kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo - 28/02/2024 23:57
- Sôi động thị trường hàng hóa đón Tết 2024 - 31/01/2024 07:55
- Sẵn sàng nguồn hàng phục vụ tiêu dùng của người dân dịp Tết 2024 - 24/01/2024 04:35
- Doanh nghiệp bán lẻ tung nhiều khuyến mại dịp Tết, giảm giá gần 50% - 09/01/2024 07:25
- Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu tiêu hủy hai lô thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ thần kinh vi phạm - 25/12/2023 03:50