Thứ sáu, 04 Tháng 1 2019 12:59

Cùng với các địa phương khác có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, thị trường tiêu thụ, Hà Nội đang nổi lên như một trung tâm sản xuất rau an toàn (RAT) của miền Bắc với sự tham gia hiệu quả của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân.

 

Trồng rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thành Nam

 

Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng, trồng rau an toàn đang là một trong những chiến lược phát triển ngành trồng trọt của Thành phố. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất rau toàn  là 16.276,7 ha, trong đó các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích là 6.644,7 ha. Giảm diện tích, mức độ hại của sinh vật gây hại, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên rau, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 95% diện tích sản xuất rau. Phát triển, kiểm soát 50 chuỗi cung cấp rau an toàn; bảo đảm 100% truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm...

 

Để phát triển các vùng rau an toàn, thời gian qua TP. Hà Nội cùng với Sở NN&PTNT Hà Nội, các cơ quan đoàn thể đã triển khai nhiều mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, rau hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thậm chí, ở nhiều địa phương, việc trồng rau an toàn được xác định là hướng phát triển sản xuất nông nghiệp chủ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở hướng làm giàu cho người dân như huyện Gia Lâm, Phúc Thọ, Sóc Sơn,...

 

Đơn cử, xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ), năm 2009 đã quy hoạch 30ha tại khu đồng Bãi Nổi để trồng rau. Vùng trồng rau an toàn này được Thành phố hỗ trợ vật tư nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng; huyện Phúc Thọ mở các lớp phòng trừ dịch hại tổng hợp, tập huấn cho nông dân cách giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Sau gần 9 năm triển khai, vùng rau an toàn của xã Thanh Đa đã mở rộng được hơn 50ha, đem lại thu nhập ổn định cho 330 hộ gia đình. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau của địa phương này đạt từ 600 đến 800 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8-10 lần so với trồng lúa.

 

Không chỉ riêng ở Phúc Thọ, nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, đúng hướng, đến nay huyện Gia Lâm đã hình thành các vùng trồng rau với diện tích hơn 2.189ha. Toàn huyện có 6 xã trồng rau tập trung, như: Đặng Xá, Văn Đức, Yên Thường, Yên Viên, Lệ Chi, Đông Dư, trong đó có 446ha trồng rau an toàn. Huyện Gia Lâm cũng đã phát triển các vùng trồng cây ăn quả tập trung ở 3 xã Đông Dư, Đa Tốn, Kiêu Kỵ với diện tích hơn 1.312ha. Nhiều mô hình trồng rau, quả của huyện cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha. Ngoài ra, huyện còn có 17 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 8 mô hình trồng trọt, gồm rau thủy canh ở xã Đa Tốn, mô hình trồng cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Kiêu Kỵ và Kim Sơn... cũng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.

 

Theo Sở NN&PTN Hà Nội, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp ngành, sự chủ động của người dân trong việc thay đổi tư duy trồng trọt, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn TP. Hà Nội đã có hơn 5.000ha diện tích rau được chứng nhận an toàn thực phẩm, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGap và hàng trăm ha trồng rau hữu cơ. Đặc biệt, từ kết quả trên cũng cho thấy, hiện tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong trồng rau xanh ở Hà Nội đã tăng lên và đạt khoảng 60%; người nông dân đã tuân thủ đúng thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm…

 

Tuy nhiên, hiện nay một trong những vấn đề khó khăn đối với việc sản xuất, kinh doanh rau an toàn nói riêng và các sản phẩm nông sản an toàn theo chuỗi nói chung là cần phải có nguồn vốn lớn. Trong khi đó, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, giá thành sản phẩm còn cao... gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Để trồng rau an toàn phát triển mạnh trong thời gian tới, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

 

Bên cạnh đó, tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng; siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu.

 

Để thực hiện được việc này, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tham mưu Thành phố có thêm cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau an toàn; chuyển giao, tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất tốt hơn.