Thứ năm, 01 Tháng 11 2018 11:23

Trong củ khoai tây đã bị mọc mầm có chứa chất độc solanin. Nếu ăn khoai tây mọc mầm sẽ bị ngộ độc, thậm chí có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

 

Ảnh minh họa

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện nay, tại nhiều vùng bắt đầu đến mùa thu hoạch khoai tây, và một số gia đình có thói quen mua nhiều khoai tây về để gầm giường, gầm cầu thang… ăn dần. Chính thói quen này khiến nhiều củ khoai tây bị mọc mầm, và khi ăn rất dễ gây ngộ độc. Chất độc có trong khoai tây mọc mầm là solanin.

 

Chất solanin phân bố trong củ khoai tây mọc mầm như sau: Trong mầm khoai và chân mầm chứa từ 420-730 mg trong 100g mầm và chân khoai; trong vỏ khoai chứa 30-50mg trong 100 g vỏ; trong ruột khoai chứa 4-7 mg trong 100g. Như vậy, lượng chất độc chủ yếu chứa trong mầm khoai, còn trong ruột củ khoai chỉ có ít, chưa bằng 1% ở mầm.

 

Cục ATTP cũng nhấn mạnh, chất solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2 -0,4g trên 1kg trọng lượng cơ thể.

 

Triệu chứng ngộ độc do ăn khoai tây mọc mầm biểu hiện như: bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, có hiện tượng giãn đồng tử và liệt nhẹ hai chân. Trường hợp nặng có thể gây tử vong do hệ thần kinh trung ương bị tê liệt khiến trung tâm hô hấp không hoạt động được, đồng thời gây ngừng tim do cơ tim bị tổn thương.

 

Tuy nhiên, Cục ATTP cũng nêu rõ, do lượng solanin trong củ khoai tây không đáng kể nên ngộ độc solanin nặng do ăn khoai tây chỉ xảy ra trong những trường hợp đặc biệt do ăn quá nhiều khoai tây và ăn cả mầm khoai.

 

Để dự phòng các ca ngộ độc đáng tiếc do nguyên nhân ăn khoai tây mọc mầm, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tốt nhất không nên ăn những củ khoai tây mọc mầm. Trường hợp củ khoai mới nảy 1-2 mầm nhỏ, nếu bỏ cả củ thấy phí thì phải bỏ hết mầm, khoét bỏ hết chân mầm, đồng thời gọt bỏ vỏ để loại bỏ hết chất solanin tập trung ở đây, rồi mới được nấu ăn.