Gần đây dư luận xôn xao về vụ bạo lực học đường ở một trường quốc tế. Bạo lực học đường là một tảng băng mà mọi người đa phần mới chỉ nhìn thấy phần nổi. Còn phần chìm của tảng băng là gì?
Bạo lực học đường là một hiện tượng không hiếm, và những hình ảnh, livestream... liên quan đến nữ sinh bị tấn công ở trường quốc tế gây xôn xao dư luận gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Qua thực tế, ta có thể thấy hiện tượng bạo lực học đường còn chưa được quan tâm một cách đúng mức với mức độ nghiêm trọng của nó cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Chúng ta có thể nhìn thấy những vết xước trên người nữ sinh bị đánh, đó là những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhưng đằng sau những thương tích trên cơ thể, là những hậu quả tổn thương về mặt tinh thần thực sự là không dễ dàng nhận ra. Là bác sĩ, tôi đã có những bệnh nhân bị bạo lực học đường và sau đó có biểu hiện trầm cảm, thậm chí là có ý định tự tử.
1. Bạo lực học đường là gì?
Bạo lực học đường là hành vi có chủ định và liên quan đến sự không cân bằng giữa hai bên chịu ảnh hưởng của bạo lực học đường, bên mạnh bắt nạt bên yếu. Đó có thể là những hành vi bạo lực về tấn công cơ thể, lời nói hoặc về các mối quan hệ. những trẻ trai thường thiên về bạo lực tấn công cơ thể, trẻ gái thường thiên hướng về bạo lực lời nói, hay chia bè phái, tẩy chay.
Bạo lực học đường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về cơ thể và tinh thần. Trẻ trải qua những tổn hại về cơ thể như bị chấn thương, đau đớn, tổn hại sức khỏe; những vấn đề về xã hội, cảm xúc và ảnh hưởng đến học tập. Không ít những trẻ bị bạo lực học đường mắc các rối loạn tâm thần như:
-Trầm cảm và lo âu: Trẻ có những biểu hiện như tăng cảm giác buồn chán, cô đơn, thay đổi giấc ngủ, mất ngủ, ăn uống không ngon miệng, mất hưng thú trong các hoạt động trước kia trẻ từng thích.
Trẻ có những phàn nàn về sức khỏe. Kết quả học tập ở trường giảm sút, điểm kém và có thể hay nghỉ học hơn, cảm giác đến trường sẽ bị bắt nạt làm trẻ thường xuyên lấy lý do để nghỉ học, thậm chí đòi chuyển trường, chuyển lớp.
- Ý tưởng tự sát: Trẻ bị bạo lực học đường có thể có ý tưởng hành vi tự sát do trầm cảm, lo âu, stress, căng thẳng đặc biệt tăng nếu không được sự hỗ trợ chia sẻ từ cha mẹ người thân và bạn bè.
3.Làm thế nào để hạn chế tác hại của bạo lực học đường?
Bạo lực học đường là một vấn đề chung của toàn xã hội, trong đó vai trò của cha mẹ, giáo viên và nhà trường, bản thân học sinh có vai trò quan trọng trong ngăn ngừa bạo lực học đường.
Cha mẹ gần gũi con, làm bạn với con để con có thể chia sẻ được những vấn đề khó khăn trong đó có vấn đề bị bạo lực học đường.
Quan sát trẻ để có thể nhận ra được những dấu hiệu của trẻ bị bạo lực học đường: Ví dụ những vết quần áo bị xé rách, biểu hiện chần chừ, không muốn đến trường, khác hẳn mọi ngày, ăn uống không ngon miệng, đêm ngủ hay gặp ác mộng, hay khóc, hoặc có những biểu hiện của trầm cảm lo âu, thậm chí tự nhiên đòi chuyển trường, chuyển lớp học mà không rõ lý do, hay quan sát thấy trẻ có những bức tranh vẽ có nội dung liên quan đến bạo lực.
Trẻ bị bạo lực học đường có thể dẫn tới trầm cảm
Khi bạn phát hiện ra con bạn đang bị bạo lực học đường, bạn không nên xem nhẹ, coi điều đó là chuyện của con trẻ. Hoặc nói với trẻ rằng, thôi kệ nó đi, hoặc hãy im lặng đừng nói gì…mà bạn cần phải nói chuyện với con, để biết điều gì thực sự xảy ra, để có những bước giải quyết tiếp theo. Bạn cần cho trẻ thấy là bạn luôn đồng hành cùng con và trẻ không cần thiết phải phản ứng lại như những gì mà các bạn đã làm với mình.
Dạy cho trẻ cách đối phó khi bị bạo lực học đường. Trước khi sự việc bạo lực được đưa ra giải quyết một cách chính thống bởi nhà trường hay cơ quan chức năng, cần nói với trẻ không nên có ý định đánh lại hay trả thù lại đối phương. Chia sẻ với những người mà trẻ tin cậy như thầy cô, hay bạn bè có thể giúp đỡ trẻ thoát khỏi những lo lắng về bạo lực học đường.
4. Học sinh cần có những kỹ năng gì để tránh bị bạo lực học đường?
Cần phải nói cho trẻ biết là bạo lực học đường là một hành động sai trái và không được phép xảy ra. Nếu điều đó xảy ra thì nên được người lớn hỗ trợ giải quyết. Vì vậy cần nói với cha mẹ, thầy cô hay bất kỳ người nào trẻ tin tưởng về vấn đề bạo lực học đường.
Không cố gắng để phản kháng lại hay đối phó lại với những kẻ bạo lực với mình. Tránh kích động mà đánh lại, hãy bình tĩnh nói với đối phương là đừng bắt nạt tôi hoặc hãy bỏ đi. Nhiều trường hợp không kiềm chế được hai bên cùng đánh nhau và gây hậu quả nghiêm trọng.
Tránh ở một mình, hãy đi cùng hay ở cùng một nơi nào có bạn cùng lớp hay giáo viên, hãy đi vào nhà vệ sinh cùng với bạn hay đi ăn trưa ở trường cùng với nhóm. Hãy thay đổi lộ trình thường ngày khi đi ăn trưa hay chơi ở sân trường nếu phát hiện ra kẻ bắt nạt bạn.
5.Giáo viên và nhà trường cần phải làm gì để tránh bạo lực học đường?
Trẻ bị bạo lực học đường cần được giúp đỡ về mặt tâm lý
Giáo viên và nhà trường không thể vô can với những vấn đề về bạo lực học đường dù nó xảy ra ở khuôn viên nhà trường hay ở ngoài nhà trường, trong giờ hành chính hay ngoài giờ hành chính vì việc bạo lực này có mầm mống hay nguồn gốc từ những mâu thuẫn tiềm ẩn trước đó và phải coi đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết. Cần phải báo với Ban Giám hiệu nhà trường về hiện tượng bạo lực học đường đã xảy ra như thế nào để có kế hoạch giải quyết.
Cần làm việc một cách nghiêm túc giữa nhà trường, cha mẹ học sinh, học sinh với thiện ý hợp tác cùng giải quyết vấn đề bạo lực học học đường và ngăn ngừa việc bạo lực có thể còn tiếp diễn, tránh tình trạng đổ lỗi cho nhau.
Cần có sự hỗ trợ về tâm lý đối với những trẻ có nguy cơ bị bạo lực học đường cao, ví dụ như những trẻ khả năng hòa nhập kém, những trẻ có vấn đề về tâm lý như trầm cảm, thiếu hòa đồng, hay trẻ chậm phát triển. Cần tạo cho trẻ những cơ hội để cảm thấy mình không bị bỏ rơi, không bị cô đơn như cho trẻ phát cơm cho các bạn vào giờ ăn trưa, tham gia cùng cô giáo thu bài kiểm tra, trả vở cho các bạn…
Các trường học nên có cán bộ về tâm lý để tư vấn và hỗ trợ phát hiện kịp thời những học sinh có vấn đề về tâm lý.
Tin mới
Các tin khác
- Phòng chống bạo hành trẻ em: Cần giải pháp gì? - 01/06/2022 01:35
- Gần 13% trẻ từ 13-17 tuổi luôn cảm thấy cô đơn, nhưng chỉ 30% phụ huynh hiểu các vấn đề lo lắng của con - 25/04/2022 13:27
- VĐV KHUYẾT TẬT VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH: TÔN VINH NHỮNG TẤM GƯƠNG THI ĐUA LÀM THEO LỜI BÁC - 21/03/2022 03:36
- Thúc đẩy quyền tham gia thể dục, thể thao của người khuyết tật - 23/02/2022 09:38
- Cô giáo chuyên dạy học cho trẻ khuyết tật kể về những khó khăn trong nghề - 14/03/2021 03:14