Chủ nhật, 14 Tháng 3 2021 10:14

Cũng là nghề giáo viên – nhưng giáo viên giáo dục đặc biệt là nghề được chú ý trong vài năm gần đây và cũng là nghề đang thiếu nhân lực ở nước ta.

 

Nghề giáo viên giáo dục đặc biệt là gì?

Giáo viên hiểu đơn giản là người giảng dạy cho học sinh, sinh viên; cung cấp kiến thức, kĩ năng cho học sinh, sinh viên và góp phần giúp thế hệ trẻ hình thành nhân cách, có ý thức trách nhiệm xã hội và trở thành người có ích…

Nghề giáo viên thực tế lại được chia làm nhiều ngành giảng dạy khác nhau như: Giáo viên Mầm non, Giáo viên Tiểu học, Giáo viên Trung học, Giáo viên Thể dục, Giáo viên Tiếng Anh… hay Giáo viên giáo dục đặc biệt.

Giáo dục đặc biệt là chương trình giáo dục được thiết kế dành riêng cho các học sinh có nhu cầu đặc biệt như học sinh bị chậm phát triển về tinh thần/thể chất/tình cảm hoặc bị khiếm thính, khiếm thị...

Các trẻ em này cần một môi trường giáo dục dành riêng cho mình - điều mà các trường học truyền thống không thể đáp ứng. Giáo dục đặc biệt sử dụng các phương pháp, chương trình và cả nội dung giảng dạy mang tính thích nghi cho các trẻ có nhu cầu đặc biệt; đáp ứng nhu cầu hoạt động, vui chơi, học tập theo khả năng của trẻ đó.

Cô Vũ Thị Luyên, giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong giờ lên lớp (Ảnh: NVCC)

Cô Vũ Thị Luyên, giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tại trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Bà Rịa – Vũng Tàu, các em học sinh được học theo sách giáo khoa và chương trình phổ thông (có giảm tải, tùy theo khối lớp và tùy theo khả năng tiếp thu kiến thức của lớp và cá nhân học sinh để mà giáo viên có kế hoạch dạy học cụ thể).

Việc giảng dạy nội dung gì cho các em đều được thực hiện trên sổ kế hoạch giảng dạy cá nhân của học sinh; Nội dung dạy học điều chỉnh dựa trên nội dung cụ thể của môn học và chuẩn kiến thức kĩ năng môn học đó. Việc điều chỉnh phải thích ứng với trình độ nhận thức, khả năng học tập của lớp và cá nhân học sinh; Điều chỉnh được tiến hành từ mục tiêu, kiến thức, kĩ năng và đánh giá kết quả học tập của các em, cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện về cơ sở vật chất, đồ dùng và phương tiện dạy học.

Được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tự biên soạn chương trình, dựa theo Sách giáo khoa phổ thông (chia chương trình cấp 1 thành 6 năm). Trong đó:

+ Đối với khối khiếm thính: Không dạy môn hát nhạc thay vào đó là môn: Ngôn ngữ Kí hiệu và Phát triển ngôn ngữ (Khối 1KT+2KT+3KT).

+ Đối với khối Chậm phát triển trí tuệ, nhà trường tăng cường thêm các môn kĩ năng như: Kĩ năng xã hội, kĩ năng tự lực, kĩ năng giao tiếp.

Với 22 năm kinh nghiệm giảng dạy, cô Luyên chia sẻ, để làm được nghề giáo viên dạy trẻ đặc biệt, cần có tình yêu thương, lòng nhân ái với trẻ khuyết tật; Có mong muốn chia sẻ một phần nỗi đau, sự mất mát, thiệt thòi của các em; Giúp các em hiểu: Các em tật nhưng không tàn, không mang mặc cảm khi nghĩ đến tật nguyền của mình; Hỗ trợ các em có những kĩ năng cần thiết để hòa nhập với cộng đồng, tự lo cho bản thân…

Khó khăn và thuận lợi của nghề giáo viên giáo dục đặc biệt

Cô Vũ Thị Luyên từng có 19 năm dạy trẻ Khiếm thính, 2 năm dạy tiết cá nhân luyện âm cho học sinh chậm nói và khiếm thính - Can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính từ 8 tháng đến 5 tuổi; 1 năm dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ.

Cô cho rằng, nghề nào cũng có những khó khăn, thuận lợi – nhưng nếu chọn nghề dạy học cho trẻ đặc biệt cần nắm rõ những khó khăn, thuận lợi của nghề này.

Điều thuận lợi nhất khi giảng dạy cho các em học sinh đặc biệt, đó là các em yêu quý cô, bạn học và biết nghe lời. Các em rất ngây thơ, vô tư, trong sáng nên lời nói của cô giáo luôn được các em lắng nghe, đáp ứng và lặp lại.

Tuy nhiên, khó khăn trong nghề cũng không ít:

Đa số các em chưa được quan tâm để được can thiệp sớm, nên dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em vẫn rất ngây ngô, kĩ năng học tập cũng như giao tiếp hạn chế.

Nhiều phụ huynh không thừa nhận sự thật con mình là trẻ khuyết tật nên né tránh, do đó trẻ không được hỗ trợ kịp thời và không được hưởng chính sách riêng dành cho học sinh khuyết tật.

Trẻ khuyết tật từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển khó khăn. Do trẻ có những đặc điểm tâm sinh lí không thuận lợi, quá trình nhận thức bị suy giảm, làm cho trẻ khó khăn trong việc lĩnh hội các kiến thức.

Trẻ nhận thức chậm, tư duy kém (Chủ yếu là trực quan), do vậy việc tiếp thu kiến thức khó khăn, học trước quên sau. Việc vận dụng kiến thức vào cuộc sống lại càng khó khăn hơn.

Tại các lớp giáo dục đặc biệt, các em có độ tuổi nhập học khác nhau, các dạng tật khác nhau, mức độ tật và tâm sinh lý của học sinh đặc biệt phát triển không đồng đều. Do vậy khi nhận lớp giáo viên phải nắm chắc bệnh lý của học sinh và kĩ năng của từng em. Từ đó biết được độ tuổi phát triển của các em và sử dụng các biện pháp giáo dục hiệu quả.

Một tiết học của các em học sinh trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Những yêu cầu của nghề giáo viên giáo dục đặc biệt

Dạy một học sinh bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Do đó, muốn trở thành một giáo viên điều đầu tiên là phải yêu nghề, mến trẻ.

Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại và luôn rèn giũa cho bản thân mình sự nhã nhặn, không nóng nảy và sự thông cảm, chia sẻ. Theo đó, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, không đơn thuần là những giáo viên dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng những trẻ không được may mắn.

Để giúp trẻ giao tiếp, học tập đạt kết quả cao, người giáo viên cần tôn trọng nhu cầu của trẻ; động viên khích lệ và khen ngợi trẻ; chăm chú lắng nghe khi chuyện trò với trẻ; lựa chọn cách nói phù hợp với đặc điểm của trẻ; kết hợp giữa lời nói và cử chỉ điệu bộ để tạo ra sự hấp dẫn; luôn vui vẻ hòa nhã trong giao tiếp để tạo tâm thế thoải mái cho trẻ một cách tự nhiên.

Theo cô Vũ Thị Luyên, bước đầu vào trường dạy trẻ khuyết tật dễ làm người dạy chán nản vì “nói 1 câu đến 40 lần cho 1 em nghe” thay vì “nói 1 câu 1 lần cho 40 học sinh nghe" như bình thường. Hơn nữa, ngoài lời nói, giáo viên còn phải sử ngôn ngữ kí hiệu và hiểu ngôn ngữ kí hiệu khi giao tiếp với trẻ khiếm thính; phải biến mình thành những đứa trẻ để được chấp nhận, được gần gũi và chơi cùng trẻ khuyết tật.

“Nói thì có vẻ khó nhưng khi đến với các em không cần nhiều kỹ năng, kỹ thuật giảng dạy mà chỉ cần đến với các em bằng tình thương và tấm lòng, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều” – Cô Luyên khẳng định.

Thu nhập của giáo viên giáo dục đặc biệt

Trong những năm gần đây, ngành Giáo dục đặc biệt được đánh giá là ngành học có tiềm năng phát triển trong tương lai bởi ngành này đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt có thể đảm nhận các vị trí việc làm như: Giáo viên tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt (trường chuyên dạy trẻ khuyết tật); Giáo viên hỗ trợ học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục hòa nhập (trẻ khuyết tật học chung trẻ bình thường); Chuyên viên giáo dục đặc biệt tại các cơ sở giáo dục, cán bộ hỗ trợ trẻ khuyết tật tại các tổ chức xã hội; Chuyên viên giáo dục đặc biệt các Sở, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật…

Giáo viên ngành Giáo dục đặc biệt tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt có mức lương trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương này, giáo viên còn được chi trả thêm những khoản phụ cấp khác.

Việc tính chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên chuyên trách giảng dạy trẻ khuyết tật quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 8 Nghị định số 113/2015/NĐ-CP - quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

Giáo viên dạy phổ thông và giáo viên dạy trường chuyên biệt các chế độ đều như nhau, nhưng theo nghị định này, giáo viên dạy trường phổ thông được hưởng phụ cấp 35%, giáo viên dạy trường chuyên biệt hưởng 70% (đối với bậc tiểu học).

Ngoài ra, mức thu nhập của những người làm việc trong ngành Giáo dục đặc biệt có thể cao hơn tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm.

Học ngành nào để trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt

Muốn trở thành giáo viên giáo dục đặc biệt các bạn trẻ có thể thi vào các ngành sư phạm – Khoa Giáo dục đặc biệt tại các trường sư phạm. Các tổ hợp môn xét tuyển vào ngành này (năm 2020) như sau:

Đối với trường Đại học Sư phạm TPHCM tuyển sinh ngành Giáo dục Đặc biệt theo các tổ hợp môn: D01-Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh; C00-Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; C15-Ngữ văn, Toán và Khoa học xã hội.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tuyển sinh ngành này theo các tổ hợp môn: C00-Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; D01-Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh; D02- Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga; D03-Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp.

Đại học Thủ đô Hà Nội tuyển sinh ngành này với các tổ hợp môn D78-Ngữ Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh; D14-Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh, D15-Ngữ văn, Đại lý, Tiếng Anh; D01-Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

Mức điểm chuẩn của các trường đại học đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt những năm gần đây dao động từ 19 - 25 điểm tùy theo các khối thi xét theo kết quả thi THPT Quốc gia.

Giáo viên các trường phổ thông muốn trở thành giáo viên dạy trẻ khuyết tật, trước tiên nên tìm hiểu những khó khăn khi dạy trẻ khuyết tật; Xác định tư tưởng; Bổ sung thêm các chứng chỉ về dạy trẻ khuyết tật do các trường sư phạm bồi dưỡng (Chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm về Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật; Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm về Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ…), sau đó tham gia các cuộc thi tuyển đầu vào của trường khuyết tật.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi