Là một phụ nữ khỏe mạnh, bình thường, khi mắc Covid-19 và phải chăm sóc cho người thân cũng đang nhiễm dịch, không ít người phải trải qua cảm giác mệt mỏi, hoang mang, kiệt sức. Vậy những người phụ nữ khiếm thị họ sẽ xoay sở ra sao? Câu chuyện của chị Lê Thị Bội Hương – một người khiếm thị mang trong mình căn bệnh ung thư bàng quang từ 9 năm nay chia sẻ tại Hội nghị tư vấn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ khiếm thị (do Nhóm vì sự bình đẳng và phát triển của NKT phối hợp với Hội người mù Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của Quỹ quốc tế về hệ thống bầu cử (IFES) và Mạng lưới tổng tuyển cử về tiếp cận người khuyết tật (AGENDA)) sẽ giúp đọc giả hiểu hơn về cuộc chiến chống Covid-19 của một phụ nữ khiếm thị như thế.
Chị Lê Thị Bội Hương chia sẻ câu chuyện của mình tại Hội nghị tư vấn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ khiếm thị
Cách đây 9 năm, chị Lê Thị Bội Hương (Hội người mù quận Thanh Xuân, Hà Nội) mắc căn bệnh ung thư bàng quang. Chị nhớ lại: “Lúc ấy thể trạng tôi yếu lắm. Chỉ cần đứng dậy không có người đỡ là tôi ngã vật xuống. Tôi đã từ chối truyền hóa chất vì nghĩ rằng mình đằng nào cũng chết. Tôi cứ dùng những thuốc lá nam người này người kia mách để uống. Và đến nay, tôi còn vinh dự ở đây để chia sẻ với mọi người”.
Suốt 2 năm 2020, 2021 cả nước gồng mình chống dịch, chị cũng rất lo lắng. Để phòng dịch, chị thường tránh xa mọi người, kể cả bạn thân. Chị chủ động đề nghị với bạn bè không đến thăm vì trong nhà có trẻ con và người bệnh. Trong lớp tập, ở cơ quan, dù mọi người không đeo khẩu trang, chị vẫn đeo và hết sức giữ gìn, tránh tiếp xúc trực tiếp. Nhưng đến tháng 2/2022 thì chị không giữ nổi nữa. Chị kể lại “Cháu nội của tôi là người đầu tiên trong nhà mắc Covid trong khi bố mẹ cháu và ông bà đều âm tính cả. Gia đình tôi cách ly cháu ở khu riêng, nhưng sau đó, lần lượt cứ 5 ngày một người dương tính. Tôi cũng không ngoại lệ”.
Trong quãng thời gian mắc Covid, hiện tượng đầu tiên chị Hương gặp phải là khô họng. “Lúc đầu tôi nghĩ đến tuyến giáp. Vì tôi có u tuyến giáp và được bác sĩ chỉ định mổ cách đây 3 năm nhưng tôi vẫn chần chừ chưa giải phẫu. Sau đó đến đau người, nhưng lại đau ở hai bên sườn. Lúc đó có anh Trung là Chủ tịch Hội người mù Gia Lâm có gọi điện hỏi thăm tôi là em đã mắc Covid chưa? Tôi trả lời là em chưa. Tôi bảo với anh ấy là tôi không thấy hiện tượng ho hay sốt gì cả, chỉ thấy khô họng, đau sườn (lúc đó thì cháu nội tôi đã dương tính với Covid rồi). Anh Trung bảo tôi test ngay đi. Tôi nhờ con dâu test thì phát hiện ra mình đã dương tính với Covid-19 rồi” – chị Hương chia sẻ.
Từ khi bị dương tính thì chị Hương thực hiện cách ly một mình và chỉ nhờ chồng nấu nướng giúp. Chị chú ý sử dụng đồ ăn một lần xong rồi cho vào bao ni lông để dọn luôn. Chị thường xuyên đeo găng tay ni lông và rửa tay với xà phòng để tránh lây bệnh cho chồng, cố gắng giữ một người khỏe mạnh để chăm sóc cho cả gia đình.
Khi mắc Covid-19 chị Hương rất lo lắng. Mặc dù chị đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin nhưng vì chị có bệnh nền. Vì vậy, trong đầu chị luôn suy nghĩ về cửa tử mà ông trời đã ưu ái cho mình vượt qua, cho mình cảm nhận ánh sánh cuộc sống thêm 9 năm rồi, bây giờ có khi thời hạn đã hết. Chị bảo: “Tôi không ho, không sốt nhưng cảm giác rất khó thở. Luôn trong tình trạng ngạt mũi. Cứ khi nào ngạt tôi lại xịt mũi, xông. Tôi dùng ấm siêu tốc đun nước xông, xong bật và đưa mũi vào đó hít thật sâu một lúc. Làm như vậy 3, 4 lần một ngày. Tôi có gọi điện báo cho y tế phường. Bác sĩ nhận thấy tôi là người có bệnh nền và đã gọi người nhà ra nhận orezol và liều thuốc kháng viruts sử dụng trọng 5 ngày. Trong thời gian uống thuốc tôi thấy rất mệt, giọng khàn, khê, gần như không nói được. Hiện tượng này đến tận gần đây, khi nói to cổ họng vẫn bị khan, cảm tưởng không thể tiếp tục nữa. Dần dần đến 7 ngày sau tôi nhẹ dần”.
Là người có bệnh nền, sức khỏe lại yếu hơn những người khác nên trong thời gian điều trị Covid-19 chị Hương sử dụng rất nhiều loại thuốc, từ kháng viruts của phường, vitamin, thuốc ngậm, rồi dùng mật ong chanh đào khi cổ họng bị khan và thấy rất hiệu quả.
Chị Hương chia sẻ: Quá trình trải qua Covid-19 là một khoảng thời gian đầy hoang mang, lo lắng đối với tôi. Thực sự với tôi, một người có bệnh nền, từ chối truyền hóa chất, sống chung với bệnh, kiêng nhiều thứ. Nhưng cũng rất may mắn là tôi đã vượt qua được giai đoạn này một cách an toàn. Hiện tại, sức khỏe của chị đã ổn định. Sau covid 3 tháng chị có đi thử máu và chụp phổi, các dấu hiệu đều ở mức bình thường.
Hậu Covid-19, chị có triệu chứng tim đập mạnh, phải hít sâu, thở dài thì nhịp tim mới trở lại bình thường. Ngoài ra, chị còn bị nhức cơ, đau khớp và mất ngủ nhiều. Nhưng nhờ sự tư vấn của chuyên gia y tế tại Hội nghị tư vấn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ khiếm thị (do Nhóm vì sự bình đẳng và phát triển của NKT phối hợp với Hội người mù Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của Quỹ quốc tế về hệ thống bầu cử (IFES) và Mạng lưới tổng tuyển cử về tiếp cận người khuyết tật (AGENDA), chị đã có thêm kiến thức để phòng tránh và khắc phục dần các triệu chứng hậu Covid-19, ổn định tinh thần, an tâm làm việc và chăm sóc gia đình.
Hoàng Dung
Tin mới
Các tin khác
- Bạo lực học đường: Hệ lụy khôn lường với sức khỏe tinh thần - 02/06/2022 01:16
- Phòng chống bạo hành trẻ em: Cần giải pháp gì? - 01/06/2022 01:35
- Gần 13% trẻ từ 13-17 tuổi luôn cảm thấy cô đơn, nhưng chỉ 30% phụ huynh hiểu các vấn đề lo lắng của con - 25/04/2022 13:27
- VĐV KHUYẾT TẬT VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH: TÔN VINH NHỮNG TẤM GƯƠNG THI ĐUA LÀM THEO LỜI BÁC - 21/03/2022 03:36
- Thúc đẩy quyền tham gia thể dục, thể thao của người khuyết tật - 23/02/2022 09:38