Thứ ba, 16 Tháng 8 2022 14:27

Đó là lần thứ ba trong tuần, khu nội trú đón thêm một người bị trói tay chân, vùng vẫy trên chiếc giường sắt.

"A a a... Thả tao ra, mẹ ơi cứu con", tiếng hú hét hàng giờ xen lẫn thứ âm thanh vô nghĩa. Hàng chục bệnh nhân cũng đang nằm viện xúm quanh nhìn người râu tóc bờm xờm giãy giụa trên chiếc giường rung bần bật.

Năm giờ chiều, mưa xối trên mái nhựa, nhấn chìm tiếng cãi vã của đám bệnh nhân và tiếng la lối của người bị trói trong khu nội trú tối tăm ở bệnh viện tâm thần phía Nam.

Sức kéo giật của anh làm chiếc giường sắt chốc chốc lại bật lên. Cổ tay và cổ chân bị quấn trong dây thừng rớm máu. "Người nhà đâu?", cô điều dưỡng gọi. Bà cụ nhỏ thó đeo cái túi vải vẫn đứng nép ở góc hành lang khúm rúm chạy tới. Cô bảo bà ra đóng tiền tạm ứng nhập viện và mua thuốc tiêm cho bệnh nhân.

"Có bảo hiểm y tế không?", cô hỏi. "Nhà tôi không", bà nói khẽ. "Sao không có?", cô hỏi, "phường bảo không được cô ạ".

Chăm người nằm viện cùng bà cụ, tôi lân la hỏi chuyện. Bà kể, tháng nào anh cũng lên cơn. Mấy chục năm nay không làm ăn gì, vẫn mẹ nuôi, mẹ giục đi tắm, ăn cơm, cắt tóc, cắt móng tay, chân cho. Người mẹ 75 tuổi đang nuôi người con 53 tuổi bằng sạp tạp hóa ở huyện ngoại thành.

Bà cụ có hai cục gỉ mắt rất to. Lúc thò tay vào túi rút ra nhúm tiền cuộn tròn, ngón tay bà lần sờ mãi, "đây có phải giấy 100 không cô?". Bà hỏi về tờ bạc màu xanh mệnh giá to nhất chỗ đó. Bà nói bị đục thủy tinh thể, không nhìn rõ. Nhét tờ tiền vào túi ngực của anh con có đôi mắt mông lung, người mẹ dặn khi nào khát thì nhờ người ta mua cho chai nước.

Tôi dặn, bác phải xin phường bảo hiểm y tế, chứ tháng nào cũng đi viện thế này tiền đâu ra. Cụ kể, phường bảo anh vẫn đi đứng được, tự ăn tự mặc được nên là người khuyết tật nhẹ. Chỉ người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng mới được bảo hiểm y tế.

Tôi hỏi phường về chế độ với người khuyết tật. "Đúng rồi chị ạ, khuyết tật nhẹ nhiều lắm, nhà nước không lo nổi", cô cán bộ nói.

Với vẻ áy náy, cô hướng dẫn tận tình. Gia đình phải gửi đơn đề nghị được xác định mức độ khuyết tật gửi lên chủ tịch ủy ban nhân dân phường. Sau đó, phường lập một hội đồng xác định mức độ khuyết tật để kiểm tra. Hội đồng phường sẽ cấp giấy xác nhận khuyết tật cho công dân.

Luật Người khuyết tật chia ra ba nhóm, khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng là người không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, suy giảm từ 61% đến 100% khả năng lao động. Còn suy giảm dưới 61% là khuyết tật nhẹ, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm y tế.

Tôi hỏi khuyết tật nhẹ được hỗ trợ gì không. Được hỗ trợ tham gia các chương trình dạy nghề của nhà nước, hỗ trợ tham gia chương trình văn hóa, thể thao và tham gia giao thông, cán bộ phường cho biết. Tuy nhiên, chỉ người khuyết tật nặng mới được giảm giá vé xe bus, còn người khuyết tật nhẹ vẫn phải mua vé với giá thường.

Trên 20% dân số Việt Nam đang sống trong gia đình có người khuyết tật, theo bà Nguyễn Thanh Xuân, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Năm 2021, dân số Việt Nam là 97,75 triệu người, trong đó hơn 7% là người khuyết tật. Khoảng 2/3 trong số họ được chia vào nhóm khuyết tật nhẹ.

Đọc đến đây, bạn có hỏi những người này đang sống thế nào? Để ý một chút thôi, bạn sẽ thấy họ chính là đội quân đang bán vé số, bán tăm bông trên đường, là bác xe ôm bị câm hay người cắt tóc bị điếc. Họ có thể là hàng xóm nhà bạn, sáng ra khỏi nhà với rổ lạc luộc trên đầu hoặc ai đó ta không bao giờ nhìn thấy trên đường.

Người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế; nhóm khuyết tật nhẹ không được hỗ trợ gì trong khi hoàn cảnh của nhiều gia đình rất khó khăn. Số liệu chính thức cho thấy, khoảng một nửa người khuyết tật không có thẻ khuyết tật.

Hầu hết quốc gia hiện nay không phân chia người khuyết tật thành các nhóm "khuyết tật nặng", "khuyết tật nhẹ".

Australia có chương trình bảo hiểm người khuyết tật toàn quốc dành cho người khiếm khuyết cơ hội hỗ trợ y tế, pháp lý, công việc, nhà ở và sự an toàn. Chương trình nằm trong sách lược toàn quốc về người khuyết tật, thể hiện cam kết của chính phủ và mọi công dân, đồng tình xây dựng một xã hội bao trùm - tức không ai thiếu cơ hội được sử dụng khi còn khả năng, được hưởng sự công bằng và an toàn. Quốc gia này tuyên bố, giá trị của sự tôn trọng là phẩm chất cơ bản của quốc gia. Quan điểm với người khuyết tật như trên không của riêng đất nước chuột túi.

Tại Việt Nam, nghiên cứu với 162 người khuyết tật thực hiện năm 2021 của thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Uyên và Nguyễn Thị Ngọc Diệp thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho hay, 82% người khuyết tật nhẹ trả lời có cuộc sống bất ổn, 23% trong số đó không có khả năng lao động và 59% có việc làm bấp bênh. Nhu cầu khám chữa bệnh ở nhóm người khuyết tật nhẹ rất cao, nhưng đa phần không đủ khả năng chi trả. 95% người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ bảo hiểm y tế và đều cho biết, chi phí khám chữa bệnh "cao và rất cao" so với khả năng của họ.
Khuyết tật nghĩa là không đủ mạnh khỏe về thể chất, tinh thần. Y tế là gánh nặng lớn suốt cuộc đời họ. Có bảo hiểm y tế là sự hỗ trợ cơ bản của nhà nước với những công dân vốn sinh ra đã ở thế thiệt thòi.

Thức ăn, nơi ở, quần áo và thuốc men là bốn nhu cầu cơ bản nhất đảm bảo sự sống của một người, theo Liên Hợp Quốc. Đó là bốn yêu cầu được khuyến nghị mọi quốc gia phải sẵn sàng, rẻ và dễ tiếp cận nhất với tất cả mọi người, kể cả những người không có tiền.

Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho mọi người khuyết tật là mảnh ghép còn trống để thể hiện sự rộng mở hơn trong trái tim ngành Y tế. Nếu không, các thành tích không phải sự tiến bộ, chúng chỉ là ảo tưởng về sự tiến bộ.

Khi những người dễ tổn thương vẫn đang vật lộn đâu đó ngoài kia, một chính sách về bảo hiểm y tế cho mọi người khuyết tật, không phân biệt nặng hay nhẹ, thể hiện sự lắng nghe những người vốn rất ít cơ hội được lên tiếng và được nghe.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi