Thể dục, thể thao là hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao tự nguyện nhằm nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho người tập. Đối với người khuyết tật, thể dục, thể thao không những giúp người khuyết tật rèn luyện sức khỏe, phục hồi chức năng mà còn là món ăn tinh thần, mang lại sự tự tin hòa nhập cộng đồng và bình đẳng cho người khuyết tật.
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trước hết, phải khẳng định người khuyết tật có quyền tham gia thể dục, thể thao dành riêng, phù hợp với người khuyết tật. Bởi người khuyết tật cũng chính là công dân trong xã hội, không bị phân biệt đối xử, được tham gia hòa nhập và thực hiện các hoạt động bổ trợ sức khỏe, nâng cao thể trạng, phục hồi chức năng. Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật (UNCRPD) đã quy định rõ về quyền của người khuyết tật tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí và thể thao trên cơ sở bình đẳng với những người khác, bao gồm tổ chức, phát triển và tham gia những hoạt động thể thao và vui chơi dành riêng cho người khuyết tật, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên đảm bảo các quyền đó.
Cụ thể hóa các quy định của Công ước, đến nay hệ thống pháp luật Việt Nam đã hình thành khung pháp lý cơ bản đảm bảo quyền của người khuyết tật trên mọi mặt. Về chính sách văn hóa, thể thao đối với người khuyết tật đã được quy định chi tiết tại các văn bản pháp luật nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật được áp dụng hiệu quả trên thực tiễn.
Khoản 1 Điều 11 Luật Thể dục, thể thao năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2018 nhấn mạnh không phân biệt lứa tuổi, giới tính, sức khoẻ, tình trạng khuyết tật được thực hiện quyền hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, vui chơi, giải trí. Theo đó, trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ.
Có nhiều quan điểm cho rằng người khuyết tật không thể hoặc không nên tham gia hoạt động thể dục, thể thao bởi cho rằng người khuyết tật có sức khỏe yếu, bị bó hẹp, hạn chế di chuyển, vận động và tất yếu không thể tham gia các hoạt động thể chất yêu cầu sức khỏe dẻo dai, vận động mạnh. Thế nhưng, thực tế chứng minh người khuyết tật có đầy đủ khả năng về sức khỏe cũng như khả năng thi đấu, ý chí quật cường, kiên trì để có thể tham gia các hoạt động thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật. Chính vì vậy, một mặt khuyến khích người khuyết tật tham gia thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, phục hồi chức năng, mặt khác thông qua hoạt động thể dục thể thao người khuyết tật tự tin, bình đẳng, khuyến khích phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, thể dục, thể thao.
Chính vì mục tiêu tạo môi trường bình đẳng cho người khuyết tật, Điều 14 Luật Thể dục, thể thao năm 2006 và Điều 36 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định cụ thể về hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch đối với người khuyết tật như sau:
- Nhà nước hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng thụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch.
- Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn, người khuyết tật nặng được giảm giá vé và giá dịch vụ khi sử dụng một số dịch vụ văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch theo quy định của Chính phủ. Điều 11 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết về miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch cho người khuyết tật.
- Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho người khuyết tật phát triển tài năng, năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tham gia sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, tập luyện, thi đấu thể thao.
- Nhà nước hỗ trợ hoạt động thiết kế, chế tạo và sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao; khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân thiết kế, chế tạo, sản xuất dụng cụ, trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch phù hợp với người khuyết tật.
Quyền của người khuyết tật tham gia hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao được pháp luật bảo vệ, ưu tiên và khuyến khích. Tuy nhiên trên thực tế mức độ tiếp cận quyền của người khuyết tật chưa phổ biến, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng về cơ bản xuất phát từ 03 nguyên nhân:
- Các thiết bị, cơ sở vật chất hỗ trợ người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục thể thao chưa được đồng bộ, tiên tiến, tiện dụng, phù hợp với người khuyết tật đồng thời các câu lạc bộ, trung tâm thể dục, thể thao dành riêng cho người khuyết tật chưa nhiều, đặc biệt tại các tỉnh, vùng ngoài trung tâm.
- Người khuyết tật chưa hoàn toàn xóa bỏ rào cản về khiếm khuyết để có thể tham gia các hoạt động thể thao, tự ti, thiếu sự hòa nhập, mạnh dạn tham gia các môn thể dục, thể thao phù hợp với sức khỏe và thể trạng của bản thân.
- Đời sống của người khuyết tật chưa được đảm bảo, đa số có hoàn cảnh khó khăn, vật chất không đủ nên khó có thể được chăm lo đầy đủ về mặt tinh thần.
Xuất phát từ những nguyên nhân trên và trên tinh thần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao theo Quyết định 1190/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, cụ thể:
- Giai đoạn 2021 – 2025: 50% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 10% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 10% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật.
- Giai đoạn 2026 – 2030: 70% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 15% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật
Đồng thời, Chương trình cũng đề ra các hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như sau:
- Hướng dẫn các tỉnh, thành phố thành lập và phát triển hệ thống câu lạc bộ thể dục, thể thao người khuyết tật;
- Hoàn thiện và phát triển 15 môn thể thao dành cho người khuyết tật tập luyện, thi đấu;
- Hướng dẫn các tỉnh, thành phố chỉ đạo hệ thống thư viện trên địa bàn hình thành môi trường đọc thân thiện, đa dạng hóa các dịch vụ và sản phẩm thông tin, thư viện và các điều kiện để hỗ trợ người khuyết tật;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ để người khuyết tật có thể nắm được thông tin về các điểm tham quan du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện và mức độ tiếp cận các điểm này với người khuyết tật;
- Xây dựng tiêu chuẩn chế độ đối với người khuyết tật tham gia thi đấu thể thao trong nước và ngoài nước; tập huấn nghiệp vụ chuyên môn trọng tài, huấn luyện viên, bác sỹ khám phân loại thương tật và các vận động viên tham gia thi đấu các giải; tập huấn sáng tác hội họa, âm nhạc, thơ ca cho người khuyết tật; tập huấn nghiệp vụ cho các hướng dẫn viên chuyên biệt về kỹ năng, phương pháp hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia các hoạt động du lịch.
Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 đưa ra mục tiêu và hoạt động cụ thể nhằm nâng cao quyền tham gia hoạt động thể dục, thể thao của người khuyết tật trong giai đoạn 10 năm tới theo hướng đảm bảo người khuyết tật sống bình đẳng, hòa nhập cộng đồng và nâng cao một bước cơ bản chất lượng sống.
Tin mới
- Cuộc chiến chống Covid-19 của một bệnh nhân ung thư, khiếm thị - 29/06/2022 02:45
- Bạo lực học đường: Hệ lụy khôn lường với sức khỏe tinh thần - 02/06/2022 01:16
- Phòng chống bạo hành trẻ em: Cần giải pháp gì? - 01/06/2022 01:35
- Gần 13% trẻ từ 13-17 tuổi luôn cảm thấy cô đơn, nhưng chỉ 30% phụ huynh hiểu các vấn đề lo lắng của con - 25/04/2022 13:27
- VĐV KHUYẾT TẬT VIỆT NAM ĐƯỢC VINH DANH: TÔN VINH NHỮNG TẤM GƯƠNG THI ĐUA LÀM THEO LỜI BÁC - 21/03/2022 03:36
Các tin khác
- Cô giáo chuyên dạy học cho trẻ khuyết tật kể về những khó khăn trong nghề - 14/03/2021 03:14
- Nhóm nhiếp ảnh gia hơn 3 năm chụp ảnh cưới miễn phí cho người khuyết tật - 28/01/2021 12:20
- Thư gửi robot Citizen: 'Ơi cuộc sống mến thương' - 22/07/2019 07:19
- Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa - 10/06/2019 03:34
- Phải biết đau với nỗi đau của những người bất hạnh - 23/11/2018 07:10