Chỉ với một chiếc máy hỗ trợ do học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng chế tạo, người khiếm thị có thể đọc và viết thuận tiện, dễ dàng hơn.
Nguyễn Văn Hoài Linh hướng dẫn một bé khiếm thị sử dụng máy hỗ trợ đọc viết. |
Trong một chuyến đi từ thiện giúp đỡ học sinh khuyết tật đang học tập tại Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng, hai em Nguyễn Văn Hoài Linh (lớp 12A1) và Ngô Quang Hiếu (lớp 12A5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng) cảm nhận được sự vất vả của các bạn khiếm thị khi phải dò đọc bằng chữ nổi trên giấy và bảng gỗ do giáo viên Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu tự làm.
Thế là Linh và Hiếu bàn nhau tìm cách chế tạo một thiết bị giúp người khiếm thị đỡ vất vả khi học tập. Hai bạn nhận thấy hiện nay các thiết bị hỗ trợ học tập ở các trường hoặc trung tâm có học sinh khiếm thị tương đối sơ sài và lạc hậu. Trong khi đó, thiết bị hiện đại của nước ngoài thì quá đắt đỏ khiến việc học tập và đáp ứng nhu cầu hòa nhập của người khiếm thị gặp nhiều hạn chế và khó đạt hiệu quả cao.
Lâu nay, để viết chữ, người khiếm thị phải dùng tay đục thủ công các ký tự lên giấy dựa vào một bảng nhựa. Chính vì vậy, để đục (viết) xong một trang giấy, người khiếm thị phải mất hàng giờ, chưa kể chất lượng giấy kém rất dễ rách, chỉ dùng được vài lần.
Bên cạnh đó, ký tự nổi lúc viết vào là ký tự ngược, dễ gây nhầm lẫn, sai sót, không thể sửa xóa, tốc độ viết chậm. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc dạy của thầy cô và việc học tập của học sinh khiếm thị gặp nhiều khó khăn. “Tụi em muốn tìm hiểu nhiều hơn về những khó khăn, trở ngại của người khiếm thị, đồng thời vận dụng kiến thức đã học ở trường và khả năng tìm tòi sáng tạo của bản thân để chế tạo sản phẩm giúp họ hòa nhập với cuộc sống hiện tại”, Linh chia sẻ.
Để thực hiện mong muốn này, Linh và Hiếu thu thập dữ liệu qua tài liệu và các thiết bị hỗ trợ hiện có tại trường chuyên biệt rồi tiến hành tổng hợp và phân tích, đánh giá để đưa ra kế hoạch thực hiện. Vốn là học sinh chuyên Tin học nên Hiếu có nhiều kinh nghiệm trong việc lập trình thuật toán và thiết kế giao diện phần mềm.
Hiếu chịu trách nhiệm viết phần mềm hỗ trợ người khiếm thính Braille Dot. Linh cho biết, từ ý tưởng đến thực hiện không hề đơn giản. Để làm ra một sản phẩm nhiều chức năng như vậy cần rất nhiều kiến thức không chỉ về lập trình mà còn cần kiến thức về điện tử, vi mạch, cơ khí truyền động. Những kiến thức này hầu như chỉ có ở bậc đại học.
Thế nhưng, không nản chí, Linh và Hiếu đã cùng nhau nghiên cứu, tìm hiểu trên Internet về vi điều khiển, lập trình vi mạch, phần mềm; đồng thời vận dụng những kiến thức về điện tử có ngay trong chương trình phổ thông đã học.
Vậy là từ những ý tưởng ban đầu, sản phẩm chỉ gồm vài chức năng đơn giản, qua nhiều lần nâng cấp đã hoàn thiện hơn rất nhiều. Phiên bản đầu tiên, chức năng đọc chữ braille chưa có, người dùng sử dụng những âm thanh có sẵn phát ra từng ký tự trong sản phẩm. Nhận thấy sự hạn chế trên, ở phiên bản 2, nhóm lên ý tưởng để thêm vào phần đọc chữ nổi.
Linh cho biết, khó khăn nhất là bạn phải mượn hoặc lùng mua lại các vật dụng điện tử với giá rẻ tại các cửa hàng. Vừa làm vừa mày mò tìm hiểu, có gì chưa rõ, các em lại hỏi anh chị lớp trên hoặc nhờ thầy cô hướng dẫn. Đến nay, chỉ với chi phí khoảng 1 triệu đồng, chiếc máy của Hiếu và Linh đã hoàn thành và có thể giúp ích rất nhiều cho việc đọc và viết chữ nổi; từng bước thay thế sách chữ nổi vốn to, cồng kềnh, dễ hỏng, rách.
Chiếc máy hỗ trợ người khiếm thị do Hiếu và Linh chế tạo đã giành giải nhất trong Cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật năm học 2016-2017 do Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng tổ chức và cũng là một trong 6 đề tài được chọn đại diện cho Đà Nẵng thi cấp quốc gia năm 2017 vào tháng 3 tới tại Vũng Tàu. Hiện nay, nhóm đã hoàn thiện sản phẩm tốt hơn rất nhiều về mặt thẩm mỹ, chất lượng âm thanh, tính tiện dụng và đặc biệt là tốc độ xử lý nâng lên 8 ký tự (so với 4 trước đây).
Và một điều hết sức nhân văn nữa, đó là các bạn xây dựng sản phẩm theo kiểu từng mô-đun riêng dễ tháo lắp, có kèm hướng dẫn sử dụng để mọi người có thể tự đọc và làm cho riêng mình một sản phẩm tương tự. Linh cho biết, mong muốn của các bạn là làm sao để mọi người biết đến thiết bị này nhiều hơn và thiết bị được ứng dụng rộng rãi để giúp người khiếm thị thuận tiện trong sinh hoạt cũng như học tập hằng ngày.
Nguồn: Baodanang.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Người em của cặp song sinh Việt - Đức là giáo sư Đại học Hiroshima - 10/04/2017 07:09
- Chữa được bệnh Down? - 22/03/2017 06:47
- Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững (Viethealth): Mô hình phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật - 14/03/2017 07:44
- Xúc động bộ ảnh mẹ già đút cơm cho con và sự thật giai thoại ông Ôn - 07/03/2017 07:36
- Nhà chờ xe buýt sẽ được cải tạo như thế nào? - 21/02/2017 02:55
Các tin khác
- Cô giáo tật nguyền dạy học sinh thiểu năng - 05/12/2016 03:24
- Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau: Góp phần tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật - 02/12/2016 03:47
- Ngày hội Hoa hướng dương 2016: Những đóa hoa đã nở - 24/11/2016 03:21
- Người khuyết tật được cấp thẻ BHYT miễn phí? - 21/11/2016 08:59
- Hội Người mù tỉnh Bình Dương: Giải quyết việc làm và tạo cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cho hội viên - 21/11/2016 03:07