Tính đến tháng 6/2015, cả nước có khoảng 7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số, NKT đặc biệt nặng và NKT nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% NKT là nữ, 28,3% NKT là trẻ em, 10,2% NKT là người cao tuổi, khoảng 10% NKT thuộc hộ nghèo. Để NKT có thể hoà nhập xã hội, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện, các tổ chức xã hội đã có nhiều chương trình trợ giúp cụ thể dành riêng cho NKT. Tuy nhiên, vấn đề hoà nhập của NKT hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn cần được nghiên cứu, tìm hiểu và từng bước tháo gỡ.
Nhu cầu hoà nhập xã hội của NKT
Hòa nhập xã hội là những người trong nhóm xã hội yếu thế, những người “tách biệt xã hội” có thể sống, giao tiếp, sinh hoạt, học tập và làm việc hòa hợp với những người bình thường mà không có bất kỳ khó khăn hay phân biệt đối xử nào. Họ tham gia đầy đủ vào cuộc sống xã hội, được hưởng mọi lợi ích và cơ hội trong xã hội như những người bình thường. Nhu cầu hòa nhập xã hội của NKT là những mong muốn, nguyện vọng được tham gia vào đời sống xã hội ở các mặt chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề và việc làm, bảo đảm điều kiện tiếp cận trong các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin và truyền thông,… cùng với những người bình thường.
Trong lĩnh vực giáo dục, việc làm NKT có nhu cầu được tiếp cận các loại hình giáo dục phù hợp, tham gia vào các hoạt động giáo dục hòa nhập, được tham gia vào môi trường học tập đầy đủ như người bình thường. NKT cũng có nhu cầu được dạy nghề và có việc làm ổn định thích hợp với khả năng và sức khỏe, không phụ thuộc vào gia đình và xã hội, có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ việc làm sau học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân cũng như gia đình vợ/ chồng, con cái của mình. NKT thường có sự mặc cảm, tự ti về những khuyết tật của bản thân và sự phân biệt, kỳ thị của xã hội. Do đó, họ luôn mong muốn được giao tiếp, được sự sẻ chia, thân thiện của bạn bè và những người xung quanh. Đồng thời, chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử của gia đình và cộng đồng là nguyên nhân quan trọng nhất gây ra khó khăn cho NKT trong hôn nhân. Trong quan niệm của nhiều người, việc kết hôn với NKT là không nên và sẽ đưa đến những điều khó khăn trong cuộc sống cho chính bản thân NKT. Vì vậy, bên cạnh nhu cầu giao tiếp, sẻ chia, NKT cũng mong muốn có người hiểu, đồng cảm để xây dựng hạnh phúc gia đình.
NKT cũng có nhu cầu được tôn trọng, được thừa nhận, phát huy được khả năng của bản thân. NKT thường mặc cảm, tự đánh giá thấp bản thân mình so với những người bình thường khác. Bên cạnh đó, họ còn bị những người xung quanh trêu chọc về hình dáng của mình làm cho họ càng cảm thấy mặc cảm ngoại hình, chú trọng quá mức đến khiếm khuyết cơ thể của mình. Sự phân biệt đối xử của cộng đồng là nguyên nhân chính làm cản trở NKT có cuộc sống tốt đẹp. Sự kỳ thị là rào cản vô hình nhưng tàn nhẫn đẩy nhiều người ra bên lề của cuộc sống. Vì vậy, NKT mong muốn được sự tôn trọng, thừa nhận của những người xung quanh cũng như phát huy được khả năng của bản thân
Nhiều chính sách hỗ trợ NKT hoà nhập xã hội
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề NKT. Việt Nam có một hệ thống chính sách pháp luật toàn diện đối với NKT, đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của NKT. Các chính sách này ngày càng được hoàn thiện trên cơ sở tiếp cận quyền con người, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NKT, phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Luật NKT được ban hành từ năm 2010, hai năm sau, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1019/QĐ-TTg, ngày 5/8/2012 phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020. Qua quá trình tổ chức thực hiện Luật, Đề án và các văn bản dưới Luật cho thấy, nhà nước, gia đình và xã hội đã nỗ lực cho mục tiêu bảo đảm quyền bình đẳng về cơ hội cũng như những quyền, lợi ích đặc thù của NKT trên nhiều mặt như: chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, dạy nghề và việc làm, bảo đảm điều kiện tiếp cận trong các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, nhà chung cư, công trình công cộng, giao thông và công nghệ thông tin và truyền thông…. nhằm khắc phục một phần khó khăn cho NKT trong hoà nhập cuộc sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội, giảm thiểu dần những rào cản hoà nhập xã hội đối với NKT.
Từ năm 2014, Việt Nam phê chuẩn công ước quốc tế về quyền của NKT, trong đó, hoà nhập xã hội là vấn đề trọng tâm của Công ước. Triển khai thực hiện Công ước, các Bộ, ngành địa phương, các cơ quan đơn vị đều đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm thúc đẩy thực thi Công ước, đảm bảo quyền cho NKT. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT với mục đích xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện Công ước, góp phần thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Các quy định của Luật NKT và Công ước quốc tế về quyền của NKT nhìn chung đã có tác động tích cực đến đời sống người khuyết tật trong việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, giáo dục hoà nhập, tham gia giao thông. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những chính sách thực hiện còn hạn chế như chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, dạy nghề, việc làm, thực hiện lộ trình cải tạo nhà chung cư, công trình công cộng… bảo đảm tiếp cận đối với NKT. Việt Nam đã có quy chuẩn thiết kế bắt buộc cho NKT, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng. Tuy nhiên, qua thực tế, các dự án đã triển khai thì chỉ một phần nhỏ các công trình và chủ đầu tư là tuân thủ theo quy định.
Thúc đẩy hoà nhập NKT
Với sự nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành, vấn đề hoà nhập xã hội của NKT trong thời gian gần đây đã được quan tâm nhiều hơn và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay, NKT Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong tiếp cận, chăm sóc sức khoẻ, giao thông, giáo dục và đặc biệt là sự kỳ thị, cách nhìn tiêu cực về khả năng và vai trò của NKT trong xã hội. Vì vậy, thúc đẩy hoà nhập NKT là việc làm cần thiết để đảm bảo các quyền lợi cơ bản của NKT, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về NKT, đồng thời khuyến khích NKT tích cực tham gia lao động sản xuất, cống hiến cho cộng đồng. Thúc đẩy hoà nhập NKT là góp phần tạo nên một xã hội không rào cản và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho NKT có thể cải thiện cuộc sống hàng ngày, đảm bảo an toàn và sinh hoạt độc lập. Từ đó, giúp cho NKT có thể tự giúp mình trong quá trình sống tự tin hơn trong một xã hội hoà nhập công bằng.
Nhận thức và định kiến về vấn đề khuyết tật và hoà nhập có liên hệ chặt chẽ với nhau. Nếu ta xem khuyết tật là một phần tự nhiên của xã hội thì NKT sẽ không còn là đối tượng của công tác từ thiện mà là đối tượng của vấn đề pháp luật và nhận thức về quyền bình đẳng giữa con người. Công ước quốc tế về quyền của NKT cũng đang muốn đạt được những thay đổi cơ bản này trong nhận thức xã hội. Vì vậy, thúc đẩy hoà nhập NKT trước hết cần tập trung vào nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực cho NKT, tạo cơ hội cho họ có thể tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, tinh tế, có việc làm bền vững vá thu nhập ổn định. Giúp NKT vượt qua khó khăn của bản thân đồng thời đưa tiếng nói của NKT đến gia đình cộng đồng, góp phần thay đổi thái độ và định kiến xã hội đối với NKT.
Cần khảo sát đánh giá nhu cầu của NKT, tình hình thực hiện Luật NKT cũng như việc thực hiện các chính sách liên quan đến NKT. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, trình độ hiểu biết cho NKT và các tổ chức hội, nhóm của NKT để họ có ý thức hơn về quyền, vị thế và trách nhiệm của mình trong xã hội. Từ đó thúc đẩy họ thể hiện giá trị, tiềm năng của mình thông qua các chương trình hoạt động, qua thực tiễn cuộc sống hàng ngày để làm thay đổi thái độ, định kiến của xã hội, giúp NKT có tiếng nói mạnh mẽ hơn, tạo dựng sức mạnh tập thể gắn kết trong giám sát việc thực thi Luật NKT hiệu quả và tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ của chính phủ.
Thúc đẩy việc thực thi Công ước quốc tế về quyền của NKT, Luật NKT và các văn bản liên quan đến NKT đồng thời xây dựng và phát triển các mô hình hỗ trợ NKT trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm... Mở rộng quy mô các mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT và gia đình NKT, tạo cơ hội để họ tự vươn lên thoát nghèo, sống tự lập, tự tin và hoà nhập.
Trang bị cho NKT những kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng quyền và lợi ích của NKT gúp NKT nắm bắt kiến thức và kỹ năng để có thể tự tin hoà nhập bình đẳng vào cuộc sống, giúp họ có cơ hội được chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực, giúp nhau làm kinh tế đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Tăng số năm sống khoẻ, sống chất lượng cho người cao tuổi - 27/10/2017 03:13
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký Quyết định miễn nhiệm; bổ nhiệm 2 thành viên Chính phủ - 27/10/2017 03:10
- Nước mắt của rừng - nước mắt của chúng ta - 20/10/2017 07:15
- Trung ương bắt đầu khảo sát để cải cách tiền lương - 20/10/2017 07:09
- Thủ tướng chỉ thị những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong thực hiện các FTA - 20/10/2017 07:09
Các tin khác
- Hội thảo “Tăng cường tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật” - 20/10/2017 06:25
- Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ - 13/10/2017 06:44
- Phó Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá - 13/10/2017 06:40
- Thông báo Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - 13/10/2017 06:37
- Một số kết quả thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT tại Việt Nam - 13/10/2017 03:29