Thứ sáu, 13 Tháng 10 2017 10:29

Sau khi ký kết Công ước quốc tế về quyền của NKT năm 2007 và chính thức phê chuẩn Công ước năm 2014, Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực thi Công ước, thúc đẩy quyền của NKT trên tất cả các lĩnh vực. Bằng sự nỗ lực điều chỉnh pháp luật Việt Nam từng bước tương thích với các điều khoản của Công ước, bằng sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và toàn xã hội, các vấn đề về của NKT đã ngày càng được triển khai rộng khắp, đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của NKT tạo cơ hội để NKT cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, hoà nhập cộng đồng.

Việt Nam và các hoạt động thúc đẩy nhân quyền và quyền của NKT

Tính đến tháng 2/2017, Việt Nam đã tham gia 13 Công ước và Nghị định thư quốc tế về nhân quyền, là thành viên của 4 Công ước Geneva về nhân đạo, trong đó có Công ước quốc tế về quyền của NKT. Việt Nam cũng là thành viên của tổ chức lao động quốc tế ILO và tính đến nay đã gia nhập 21 Công ước của ILO trong lĩnh vực lao động.

107Anh 1 CVDXH

Việt Nam cam kết tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã là thành viên, đồng thời việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Sau khi tham gia các cam kết quốc tế, Việt Nam luôn tham gia có trách nhiệm và đóng góp tích cực tại Hội đồng nhân quyền, Uỷ ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hoá của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng chấp hành UNESCO và các diễn đàn khác liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc. Việt Nam tham gia tích cực các hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Quyền của NKT. Tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam chủ trì Toạ đàm về tạo việc làm và môi trường lao động thuận lợi cho NKT bên lề Khoá họp thứ 31 (tháng 3/2016). Việt Nam tích cực đóng góp vào các cuộc thảo luận tại các diễn đàn khu vực và liên khu vực về NKT. Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam tham gia tích cực vào quá trình hoạch định chính sách khu vực và triển khai các hoạt động chung của nhóm trong lĩnh vực quyền của NKT, trong đó có việc xây dựng và triển khai Hiến chương ASEAN, Tuyên bố Ba- li về tăng cường vai trò và sự tham gia của NKT, khung hành động thập kỷ ASEAN về NKT 2011 - 2020

Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử là nền tảng xuyên suốt các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng cho việc đảm bảo và phát huy các quyền của người dân, trong đó có quyền của NKT. Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất về bảo vệ nhân quyền và bảo vệ quyền của NKT. Trên cơ sở các quy định hiến định tại hiến pháp, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật nhằm bảo vệ nhân quyền nói chung và bảo vệ quyền của NKT nói riêng như: Luật NKT, Bộ luật hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động, Luật việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật an toàn vệ sinh lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật trẻ em

107CVDXH anh 2

Trong lĩnh vực NKT, Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đảm bảo quyền cho NKT. Sau khi ký kết tham gia Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT vào năm 2007, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Luật NKT vào năm 2010. Đây là đạo luật chuyên ngành đầu tiên về NKT, ghi nhận và khẳng định quyền của NKT trong tiếp cận dịch vụ và hoà nhập xã hội trên cơ sở bình đẳng với người không khuyết tật. Luật NKT là sản phẩm của quá trình tích cực điều chỉnh pháp luật nhằm bảo đảm sự tương thích của pháp luật Việt Nam với Công ước quốc tế về quyền của NKT trước khi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước năm 2014. Chính phủ Việt Nam đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT như: Nghị định 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT. Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định số 1019/QĐ-TTg, ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, Quyết định số 1215/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020; Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em nhiễm chất độc hoá học, trẻ em bị khuyết tật nặng và trè em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm hoạ dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020, Quyết định số 1100/QĐ-TTg, ngày 5/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT. Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có các chỉ tiêu về hỗ trợ NKT tiếp cận các dịch vụ cơ bản và hoà nhập xã hội. Ngoài ra, một số Bộ, ngành đã phối hợp ban hành Thông tư và Thông tư liên tịch để hướng dẫn quản lý trong lĩnh vực này.

Nhằm thúc đẩy thực thi Công ước, năm 2015 Chính phủ Việt Nam đã thành lập Uỷ ban quốc gia về NKT – cơ quan điều phối cấp quốc gia các vấn đề về NKT. Uỷ ban có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành, đoàn thể địa phương trong công tác NKT. Uỷ ban có 18 thành viên là đại diện các Bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Một số kết quả việc thực thi Công ước và các văn bản pháp luật về NKT

Theo Báo cáo đánh giá công tác trợ giúp xã hội năm 2016 của Bộ LĐTB&XH, tính đến cuối năm 2016, 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho 266.639 NKT đặc biệt nặng, 634.567 NKT nặng và 543.126 NKT nhẹ. Chia theo dạng tật có 349.636 NKT vận động, 196.362 NKT nghe nói, 198.254 NKT nhìn, 211.587 NKT thần kinh, 201.756 NKT trí tuệ và 154.985 NKT thuộc dạng khuyết tật khác. Căn cứ kết quả xác định mức độ khuyết tật, NKT được cấp giấy xác nhận khuyết tật, ghi rõ dạng tật và mức độ khuyết tật của họ. Chính phủ đảm bảo trợ cấp xã hội hàng tháng cho NKT nặng và NKT đặc biệt nặng sống tại cộng đồng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc NKT đặc biệt nặng, NKT nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng. Đến nay đã có 896.644 NKT đặc biệt nặng và NKT nặng được đảm bảo trợ cấp xã hội hàng tháng.

107CVDXH anh 3

NKT được tham vấn ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến họ. Cụ thể, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, dự thảo Hiến pháp đã được tổ chức lấy ý kiến trong toàn thể nhân dân, trong đó NKT và các tổ chức của NKT đã được trực tiếp thảo luận, đóng góp ý kiến vào từng nội dung và điều khoản của dự thảo Hiến pháp. Dự thảo Luật NKT cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp trực tiếp của NKT. Các ý kiến góp ý, phản biện nay đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành văn bản nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, hiện nay, Việt Nam có 22,6% số công trình y tế, 20,8% số công trình giáo dục, 13,2% số nhà triển lãm, nhà trưng bày, 11,3% trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan, 5,7% siêu thị, 3,8% nhà thi đấu, bưu điện, nhà ga, cửa khẩu, 7,5% nhà dưỡng lão, CLB hưu trí và 2% ngân hàng đảm bảo tiếp cận của NKT. Năm 2016, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức từ 25-100% cho NKT khi tham gia giao thông công cộng. Tổng số có 20.016.222 lượt NKT được miễn giảm giá vé. Ngành đường sắt đã miễn giảm 30% giá vé cho 6.293 NKT. Ngoài ra, NKT đặc biệt nặng, NKT nặng được giảm tối thiểu 25% giá vé khi tham gia giao thông đường thuỷ nội địa. Tính đến tháng 12/2015, Việt Nam có tổng số 323 phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hỗ trợ NKT tiếp cận, chủ yếu là xe buýt sàn thấp. Có 30% bến xe khách trong tổng số 457 bến xe ở Việt Nam đã có hạ tầng bảo đảm NKT tiếp cận sử dụng.

Để đáp ứng nhu cầu tiếp cận luật pháp của NKT, Việt Nam đã thành lập 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý tại các tỉnh, thành trên cả nước. Từ năm 2014 đến nay, đã phát hành 172.000 tờ gấp pháp luật với nội dung phổ biến, truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý và các quyền, nghĩa vụ khác của NKT, trợ giúp pháp lý cho 9.074 lượt NKT thông qua các hình thức như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện tố tụng, hoà giải trong trợ giúp pháp lý...

Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã có những điều chỉnh phù hợp với việc học tập của NKT. Đến nay, Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cấp tỉnh ở 20 tỉnh, thành phố, đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật và triển khai giáo dục hoà nhập ở tất cả các cấp học phổ thông. Số trẻ khuyết tật được đi học ở Việt Nam đã tăng 10 lần trong 2 thập kỷ qua. Trong đó, năm học 2015 -2016 có 1.043 trẻ khuyết tật được đi học nhà trẻ, 7.343 trẻ được đi học mẫu giáo, 8.386 trẻ học mầm non, 60.659 học sinh khuyết tật học tiểu học, 16.679 học sinh khuyết tật học trung học cơ sở, 2.658 học sinh khuyết tật học THPT và nhiều học sinh khuyết tật đang học tại các trường đại học và cao đẳng.

Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ, phục hồi chức năng có vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khoẻ, từ đó nâng cao khả năng lao động và khả năng tự phục vụ của NKT. Do đó, một hệ thống cung cấp dịch vụ PHCN từ cấp trung ương đến địa phương đã dần được hình thành. Tuyến trung ương có 1 bệnh viện PHCN và Trung tâm PHCN - Bệnh viện Bạch Mai, 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương có khoa PHCN. ở tuyến tỉnh có 38 bệnh viện/Trung tâm PHCN thuộc ngành Y tế và 23 bệnh viện/Trung tâm PHCN thuộc các bộ, ngành khác, 90% bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và 50% bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có khoa PHCN. Tuyến huyện có 75% bệnh viện tuyến huyện có khoa/phòng/tổ PHCN. Tuyến xã có 10.000/11.000 xã có phân công cán bộ y tế chuyên trách về PHCN, khoảng 50% số cá bộ này được đào tạo và có kiến thức, kỹ năng PHCN dựa vào cộng đồng. Nhằm quản lý, theo dõi sức khoẻ NKT tại cộng đồng, Bộ Y tế đã nghiệm thu và đang đưa vào sử dụng phần mềm quản lý thông tin về chăm sóc sức khoẻ, PHCN cho NKT. Hiện nay, bằng phần mềm này, ngành y tế đang quản lý thông tin của hơn 90.000 NKT tại 9 tỉnh, thành phố. Bộ dự kiến sẽ triển khai áp dụng phần mềm này tại toàn bô các tỉnh, thành phố trên cả nước.

107CVDXH 4

Về vấn đề việc làm của NKT, tính đến hết năm 2016, trên 60% NKT đang trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi), khoảng 30% còn khả năng lao động và 75% số này đang tham gia hoạt động kinh tế. Trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông thôn, khoảng 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc là lao động hộ gia đình, khoảng 15% là lao động làm công ăn lương. Ước tính khoảng dưới 10% NKT đã qua đào tạo nghề. Từ năm 2012 -2015 mạng lưới cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho NKT và đội ngũ giáo viên tham gia dạy nghề cho NKT đã gia tăng đáng kể. Giai đoạn 2012 -2015 cả nước đã tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho khoảng 120.000 NKT. Năm 2016, có khoảng 17.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, nâng tổng số NKT được hỗ trợ đào tạo nghề và việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm, vay vốn quỹ quốc gia về việc làm và giới thiệu việc làm trong 6 năm từ 2011-2016 là 140.000 người. Cả nước hiện có khoảng 15.000 lao động là NKT làm việc trong 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT và khoảng trên 16.000 lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình hoặc tự tạo việc làm.

Thách thức với việc thực thi Công ước

Có thể nói, cùng với việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Việt Nam đã nỗ lực từng bước đẩy mạnh việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật còn nhiều khó khăn do một số nguyên nhân. Phần lớn NKT Việt Nam sống ở khu vực nông thôn nên việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm còn khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thức của toàn xã hội về quyền con người còn một số hạn chế gây ảnh hưởng đến việc thực thi các quyền tại Công ước.

Do mức độ phát triển kinh tế - xã hội chưa đồng đề giữa các vùng và các nhóm dân cư, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt các nguồn lực dành cho phát triển, đặc biệt trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ và bảo đảm các quyền của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Những rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh mà đối tượng chịu tác động nặng nề nhất là các nhóm yếu thế vẫn là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Nguồn lực đất nước còn hạn chế, tầm bao phủ của hệ thống an sinh xã hội hiện nay còn khiêm tốn đã gây ra sự thiếu hụt về cơ sở vật chất của ngành y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá,. ảnh hưởng đến việc hưởng thụ đầy đủ các quyền của NKT.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi