Thứ sáu, 27 Tháng 10 2017 10:13

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh chính sách chăm lo người cao tuổi không chỉ nhằm kéo dài tuổi thọ, mà cần nâng cao chất lượng cuộc sống. Người cao tuổi phải thực sự “sống vui, sống khoẻ, sống có ích”.

 

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng người cao tuổi không chỉ sống lâu, mà phải sống khoẻ. Ảnh: VGP/Minh Khôi.

Sáng 26/10, tại TP. Tuyên Quang đã diễn ra hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu cơ sở 14 tỉnh Tây Bắc.
 
 

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Người cao tuổi Việt Nam; lãnh đạo Trung ương Hội Người cao tuổi, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, tỉnh Tuyên Quang… cùng 112 người cao tuổi tiêu biểu đại diện cho 1,6 triệu người cao tuổi ở Tây Bắc.

 

Những tấm gương tiêu biểu

 

Thực tế số lao động trẻ ở khu vực nông thôn, miền núi Tây Bắc đổ về đô thị, miền xuôi ngày càng nhiều, trách nhiệm của người cao tuổi ngày càng nặng nề trong tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

 

Với nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, người cao tuổi đã đóng góp  tích cực vào tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân. Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, bảo vệ an ninh chính trị.

Trong 5 năm qua đã có 116.241 người cao tuổi tham gia các tổ chức chức chính trị, xã hội như làm bí thư chi bộ; tổ trưởng Đảng; trưởng thôn, bản; tổ hoà giải; tổ bảo vệ đường biên, cột mốc…

 

Người cao tuổi tại các tỉnh Tây Bắc đã ký cam kết bảo vệ 125 km đường biên, 634 mốc giới. Tiêu biểu như ông Pờ Dần Xinh (dân tộc Hà Nhì xã Xín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đã cùng Đồn Biên phòng A Pa Chải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, trực tiếp bảo vệ cột mốc biên giới. Ông Quàng Văn Un (xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) phối hợp với Đồn Biên phòng Mường Lạn vận động 540 hộ dân ở 8 bản giáp biên ký cam kết tự chủ, tự quản 58 km đường biên giới, 10 mốc giới.

 

Các mô hình sản xuất do người cao tuổi làm chủ phát huy hiệu quả kinh tế thiết thực. Khu vực Tây Bắc có 7.812 chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, 41.824 người được bình chọn "Người cao tuổi sản xuất - kinh doanh giỏi".

 

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và người cao tuổi tiêu biểu một số tỉnh Tây Bắc. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Trong các đại biểu về dự hội nghị có ông Lê Quý Đáng (thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) làm kinh tế giỏi, canh tác 18,5 ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, cho thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng. Ông Đáng đã giúp 10 hộ cùng canh tác mỗi năm đưa ra thị trường 3.000 tấn cam.

 

Ông Phùng Đức Duy (thôn Đồng Rẽ, xã Hợp Thanh, tỉnh Hòa Bình) đã khai hoang phục hóa hàng chục ha đất, trở thành trang trại có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Ông Lường Văn Khút (bản Nà Bó, xóm Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) trồng hơn 100 ha rừng, nhận trồng và bảo vệ hàng trăm nghìn cây quế hương liệu, có thu nhập trên 900 triệu đồng/năm.

 

Người cao tuổi đã chia sẻ kinh nghiệm, kết quả sản xuất cho cộng đồng xã hội, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới.

 

Thực hiện Chương trình "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", người cao tuổi đã vận động gia đình, con cháu, dòng họ ủng hộ 1.331.352 ngày công, hiến 4.214.281 m2 đất và hơn 210 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa đường làng, mương máng, nhà văn hóa, trường học, nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Đồng thời góp phần giúp đỡ những người khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa, hoặc sa vào tệ nạn hoàn lương.

 

Người cao tuổi ở Tây Bắc luôn ý thức sâu sắc và tích cực tham gia bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Tích cực phục dựng lại các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống tốt đẹp. Đơn cử như ông Hoàng Xín Hòa (dân tộc Nùng Dín, thôn Pạc Ngạn, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) đã cùng những người cao tuổi am hiểu văn hóa, phong tục, lễ nghi của dân tộc mình, sưu tầm, biên tập 72 bài hát cổ, sáng tác 26 bài hát mới bằng tiếng dân tộc Nùng Dín.

 

Đặc biệt người cao tuổi tích cực tham gia thực hiện các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Ngày Biên phòng toàn dân", góp phần bài trừ hủ tục, đẩy lùi mê tín dị đoan, trong ma chay, cưới hỏi... ốm đau đến cơ sở y tế khám, điều trị, sinh đẻ có kế hoạch.

 

Công tác khuyến học, khuyến tài thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia, nhằm đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong cộng đồng dân cư, góp phần xóa nạn mù chữ và tái mù, cung cấp kiến thức văn hóa, xã hội, kinh tế, kỹ thuật.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao bằng khen cho người cao tuổi tiêu biểu các tỉnh Tây Bắc. Ảnh: VGP/Minh Khôi

 

Gương sáng cho các thế hệ sau

 

Trong phát biểu của mình, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã có nhiều hoạt động tôn vinh người cao tuổi tiêu biểu. Qua đó góp phần động viên khuyến khích người cao tuổi Việt Nam và khu vực Tây Bắc sống vui sống khỏe, sống có ích, luôn là tấm gương sáng giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam.

 

Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chế độ chính sách đối với người cao tuổi. Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 6 đã thông qua Nghị quyết về “Tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”. Nghị quyết xây dựng các mục tiêu nhằm nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam trong đó có người cao tuổi. Mục tiêu phấn đấu tiếp tục tăng tuổi thọ cho người Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 75 tuổi, nhất là tăng sức khoẻ, số năm sống khoẻ, sống chất lượng cho người cao tuổi.

 

Bên cạnh đó cần xây dựng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giúp người cao tuổi hòa nhập tích cực với cuộc sống, có được nơi nương tựa của tuổi già. Nâng cao được đời sống tinh thần, nêu cao được trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với người cao tuổi. Đồng thời cũng phải phát huy được khả năng, vai trò của người cao tuổi trong các mục tiêu phát triển đất nước.

 

"Với tư cách là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tiếng nói có uy tín trong cộng đồng, người cao tuổi vừa vận động tư vấn, giám sát, vừa tham gia phản biện, tổ chức các hoạt động tự quản trong dân cư. 

 

Các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân cần tiếp tục dành sự quan tâm ủng hộ động viên và phát huy vai trò, vị thế người cao tuổi trong gia đình cũng như ngoài xã hội”, đồng chí Trương Thị Mai nói.

 

Đến nay, tại khu vực Tây Bắc đã có 329.462 người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội; 243.748 người được khám bệnh, 22.922 người được chữa các bệnh về mắt, thay thủy tinh thể; 167.541 người được nhận áo ấm; 2.324 hộ được xóa nhà tạm, nhà dột, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi