Thứ sáu, 20 Tháng 10 2017 13:25

Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) vừa phối hợp cùng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) và Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VFD) tổ chức Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ đối với người khuyết tật” với mục tiêu cải thiện những khó khăn trong việc tham gia giao thông của NKT. Chương trình có sự tham gia của các cơ quan quản lý, thực hiện và hoạch định chính sách về giao thông cấp trung ương và địa phương; các tổ chức của và vì người khuyết tật, các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải trong lĩnh vực giao thông đường bộ; các chuyên gia về giao thông tiếp cận...

107ACDC

Hiện nay, ước tính cả nước có khoảng 7 triệu NKT. Trong đó 28% là NKT vận động, 15% khuyết tật dạng nghe nói, 16% khuyết tật nhìn, 17% khuyết tật thần kinh, tâm thần, 15% khuyết tật trí tuệ và khoảng 12% khuyết tật khác. Dự báo trong thời gian tới, số lượng NKT ở Việt Nam chưa giảm do tác động của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, hậu quả của thiên tai

Để đảm bảo quyền tiếp cận giao thông của NKT, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách pháp luật như Luật người khuyết tật, Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT, Kế hoạch hành động của Bộ Giao thông vận tải số 3350/KH-BGTVT Tuy nhiên, hiện nay NKT vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ. Ngay từ khâu thiết kế, lắp đặt các trang thiết bị trợ giúp, cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm lòng đường, vỉa hè, bến xe khách, nhà chờ xe buýt, hầu như không đảm bảo cho NKT tiếp cận, sử dụng.

Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận giao thông đường bộ đối với NKT” được tổ chức nhằm thảo luận, tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề còn vướng mắc trong việc tham gia giao thông của NKT. Đây cũng hoạt động nằm khuôn khổ dự án “Thúc đẩy thực thi quyền của người khuyết tật” do Trung tâm ACDC thực hiện giai đoạn 2015 - 2018 với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá nhu cầu và thực trạng về tiếp cận giao thông đường bộ của NKT, rà soát chính sách, đánh giá cơ chế tổ chức thực hiện đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện vấn đề tiếp cận giao thông đường bộ đối với NKT tại Việt Nam. Tham luận của đại diện các tổ chức của người khuyết tật (như Hội người mù Việt Nam, Ban vận động thành lập Hội người Điếc Việt Nam, Hội NKT tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội NKT thành phố Đà Nẵng) và các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực giao thông vận tải (như Vụ vận tải - Bộ GTVT, Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội ), đã đề cập một cách cụ thể, chi tiết những vấn đề của từng dạng tật khi tham gia giao thông.

Các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận giao thông đối với NKT như: xây dựng hệ thống âm thanh thông báo của xe khách tương tự xe bus, cải thiện, nâng cấp vỉa hè, có hệ thống thông báo âm thanh ở điểm giao cắt, ngã ba, ngã tư để dễ tiếp cận với người khiếm thị. Cần đào tạo, tập huấn về biển báo giao thông, luật giao thông và biển báo nguy hiểm cho người điếc, các phương tiện giao thông cần có bảng thông báo, chỉ dẫn những thông tin về điểm đi và đến bằng đèn báo ngay trên xe để người điếc dễ nhận biết, Bộ Công an và Bộ GTVT nghiên cứu cách thức phù hợp để người điếc dự thi Luật giao thông đường bộ và được cấp bằng lái xe như người bình thường khác Việc thẩm định các dự án xây dựng giao thông cần có sự tham gia của tổ chức Hội NKT, đưa vấn đề tiếp cận giao thông của NKT vào giáo trình tập huấn cho người điều khiển phương tiện vận tải, nhân viên phục vụ trên các phương tiện vận tải công cộng..

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe đại diện Hội NKT thành phố Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận động thực hiện giao thông tiếp cận cho NKT. Đại diện Viện chiến lược và phát triển giao thông vận tải giới thiệu kinh nghiệm của thế giới về hạ tầng giao thông đường bộ tiếp cận và đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện tại Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi