Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ tư, 08 Tháng 6 2016 15:12

Giao thông tiếp cận đã và đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới với hệ thống giao thông ngày càng văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người, trong đó có người khuyết tật (NKT). Tiếp cận giao thông là một trong những cầu nối giúp NKT có thể hòa nhập với cộng đồng và là một trong những phương diện đánh giá, thể hiện quyền bình đẳng của NKT trong xã hội. Việt Nam đã và đang dành sự quan tâm tới việc loại bỏ các rào cản để NKT hòa nhập với cộng đồng, trong đó có nhiệm vụ xây dựng môi trường giao thông tiếp cận. Tuy nhiên, vấn đề tiếp cận giao thông nói chung, tiếp cận giao thông hàng không nói riêng của NKT trong những năm gần đây vẫn bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, cần được sớm nghiên cứu, giải quyết.

Nhiều chính sách hỗ trợ giao thông tiếp cận với NKT

Giao thông tiếp cận được hiểu là một hệ thống giao thông thuận lợi, từng bước được hoàn thiện bảo đảm an toàn, tiện nghi không chỉ cho NKT, người cao tuổi, người có khó khăn trong hệ vận động của cơ thể mà còn phục vụ sự thuận tiện cho mọi người khi tham gia giao thông. Khái niệm giao thông tiếp cận vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam và vì thế chưa có nhiều các công trình giao thông công cộng, phương tiện công cộng, dịch vụ… tạo thuận lợi cho NKT, những người có khó khăn trong di chuyển, vận động.

cvdxh bai 1

Luật Hàng không dân dụng quy định “Các hãng hàng không phải quan tâm, chăm sóc hành khách, đặc biệt đối với hành khách là NKT”

Trong lĩnh vực hàng không, giao thông tiếp cận đối với lĩnh vực này được hiểu là việc những hành khách là NKT sử dụng các dịch vụ hàng không một cách thuận tiện, nhằm xóa bỏ rào cản đối với NKT trong lĩnh vực giao thông hàng không. Trong thực tế ở Việt Nam hiện nay, yếu tố giao thông tiếp cận trong lĩnh vực hàng không chủ yếu do yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế với các dịch vụ đón và trợ giúp khách là người già yếu, trẻ em đi một mình, phụ nữ có thai, khách khiếm thị, khiếm thính, dịch vụ xe lăn…

Trước khi Luật NKT có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, tại Việt Nam đã có Pháp lệnh về NKT năm 1998 và nhiều Luật, Nghị định, quyết định, văn bản khác nhằm mục đích loại bỏ rào cản đối với NKT trong các lĩnh vực cuộc sống. Đối với ngành giao thông, Chính phủ đã ban hành các điều Luật và văn bản liên quan đến từng chuyên ngành Đường bộ, Đường sắt, Đường thủy nội địa, Hàng hải và Hàng không. Cùng với đó là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên NKT tham gia giao thông công cộng...

Từ khi Luật NKT có hiệu lực, và đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành những thông tư hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để đáp ứng yêu cầu tiếp cận giao thông dành cho NKT: Chỉ thị 03/2006/CT-BGTVT của Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các chính sách trợ giúp NKT trong ngành GTVT.

Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên NKT tham gia giao thông công cộng, trong đó có hướng dẫn trong xây dựng đối với các công trình hạ tầng giao thông nhà ga, cảng hàng không..., các yêu cầu về phương tiện giao thông tiếp cận, các chính sách ưu tiên cho NKT;

Thông tư 21/2014/TT-BXD ngày 29/12/2014 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng (QCVN 10:2014/BXD),

Thông tư 36/2014/TT-BGTVT ngày 29/8/2014 quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại Cảng Hàng không, theo đó quy định nghĩa vụ của hãng hàng không trong việc giúp đỡ hành khách là NKT (tại sân bay khởi hành, sân bay trung chuyển, sân bay đến), không thu phí với dịch vụ xe lăn tại nhà ga, tổ chức hệ thống giao thông và khu vực vệ sinh cho NKT đối với doanh nghiệp cảng.

Thông tư 81/2014/TT-BGTVT ngày 30/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung, cụ thể về việc đăng ký điều lệ vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, nghĩa vụ của hãng hàng không trong trường hợp chậm chuyến, huỷ chuyến, gián đoạn vận chuyển, không chấp nhận vận chuyển và việc vận chuyển hành khách đặc biệt.

Luật Hàng không dân dụng có quy định các vấn đề liên quan đến việc vận chuyển hành khách là NKT như “Hãng hàng không phải quan tâm, chăm sóc hành khách, đặc biệt đối với hành khách là NKT hoặc cần sự chăm sóc trong quá trình vận chuyển” (Khoản 2, Điều 145). Khoản 1, Điều 146 quy định về việc từ chối vận chuyển hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay hoặc đang trong hành trình “Do tình trạng sức khỏe của hành khách mà người vận chuyển hoặc vận chuyển tiếp sẽ gây nguy hại cho hành khách đó, cho những người khác trong tàu bay hoặc gây nguy hiểm cho chuyến bay”.

Căn cứ các Luật, Nghị định, các Quyết định và văn bản, Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Quản lý xây dựng và quản lý công trình giao thông và các cơ quan liên quan tiến hành thẩm định và phê duyệt các Dự án, thiết kế, nghiệm thu các công trình cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đảm bảo giao thông tiếp cận. Một số địa phương đã chủ động làm tốt công tác tổ chức vận tải hạ tầng, thiết bị phục vụ NKT, đưa các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vào hoạt động có phục vụ cho NKT, thực hiện miễn, giảm giá vé cho NKT. Các hãng Hàng không, Cảng Hàng không thực hiện nghiêm chỉnh và được các cảng vụ hàng không khu vực giám sát chặt chẽ.

Giao thông hàng không – còn nhiều thách thức với NKT

Trong thời gian vừa qua, thị trường hàng không Việt Nam có sự phát triển nhanh, mạnh với tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách trên 20%. Năm 2015, tổng thị trường đạt 40,5 triệu khách, quý I/2016 tổng thị trường đạt 12,5 triệu khách. Hiện 04 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 48 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với 18 sân bay địa phương. Trên mạng đường bay quốc tế, 52 hãng hàng không nước ngoài và 03 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 95 đường bay quốc tế kết nối 06 Cảng hàng không quốc tế của Việt Nam tới 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh tại cảng hàng không cũng không ngừng hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phục vụ hành khách đi/đến các cảng hàng không và cung ứng các dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác vận chuyển hàng không. Hàng loạt các cảng hàng không/nhà ga được đầu tư mở rộng, xây mới, nâng cấp các hạng mục, đầu tư trang thiết bị theo tiêu chuẩn khai thác sân bay..

cvdxh bai 1 2

Hiện chỉ có 5/22 sân bay tại Việt Nam có xe nâng phục vụ NKT đi xe lăn (ảnh minh hoạ)

Thực hiện Luật Hàng không và các cơ chế chính sách liên quan, các nhà ga, hành khách đã có đường tiếp cận, xe lăn và nhà vệ sinh, các cảng hàng không lớn đã trang bị xe nâng phục vụ NKT. Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã xây dựng và ban hành quy trình phục vụ hành khách có nhu cầu sử dụng các loại dịch vụ đặc biệt.

Quy trình đã được triển khai cụ thể và chi tiết từ khâu tiếp nhận, xử lý yêu cầu của hành khách tại phòng vé và trung tâm xử lý dịch vụ đặc biệt đến khâu phục vụ tại sân bay khởi hành, trên máy bay, tại các sân bay trung chuyển và sân bay nơi đến đối với từng đối tượng khách: Đối với khách khiếm thị: được bố trí chỗ ngồi cho khách cạnh người cùng giới. Khi đi cùng khách, tiếp viên nên để khách chủ động nắm tay mình để tránh cho khách cảm giác bị kéo đi. Giúp đỡ hành khách khi ăn nếu có các dụng cụ cắt; cử nhân viên giúp đỡ khách trong suốt thời gian trung chuyển tại sân bay khi khách không có người đi cùng…

Đối với dịch vụ phục vụ khách khiếm thính, nhân viên phải kiên nhẫn, nói năng rõ ràng, có chỉ dẫn cụ thể khi khách có yêu cầu… Dịch vụ xe lăn trên máy bay: khi máy bay có sẵn thiết bị xe lăn đi kèm, khách có thể sử dụng để di chuyển trong khoang hành khách nếu có yêu cầu; không lắp và phục vụ thiết bị xe lăn khi máy bay cất/hạ cánh và khi máy bay bay vào vùng thời tiết xấu để bảo đảm an toàn cho khách.

cvdxh bai 1 1

Một số hãng bay không phục vụ người đi xe lăn khi đi một mình không có người hỗ trợ - Một trong những bức xúc của NKT tham gia giao thông hàng không (ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của các đơn vị, vấn đề tiếp cận giao thông hàng không của NKT vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế: Thiết bị hỗ trợ NKT tại các cảng hàng không, sân bay đều thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, đòi hỏi hành khách phải đăng ký sớm. Mới chỉ có 5/22 sân bay có xe nâng hỗ trợ NKT lên/xuống máy bay là Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc và Liên Khương.

Hiện cũng chưa có quy định riêng ban hành về giao thông tiếp cận cho NKT của ngành Hàng không. Bên cạnh đó, các quy định về dịch vụ hiện nay chủ yếu theo yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực Hàng không, các thủ tục đăng ký dịch vụ hỗ trợ đặc biệt còn rắc rối, gây khó khăn cho NKT. Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ giảm giá vé, tuy nhiên vẫn còn tương đối cao so với mức thu nhập của NKT. Ngoài ra, cơ chế xử phạt, vai trò và trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân khi vi phạm những quy định hầu như còn rất ít, chính sách động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải Hàng không cùng tham gia phát triển hệ thống giao thông tiếp cận còn chưa thật sự hấp dẫn.

Theo ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội NKT thành phố Đà Nẵng “Một số hãng bay không phục vụ người đi xe lăn khi đi một mình không có người hỗ trợ. Không thông báo cho điểm đến về việc phục vụ cho NKT đi xe lăn đặc thù về tình trạng khuyết tật (gửi và nhận xe lăn tại cửa lên xuống máy bay) NKT phải ký giấy miễn trừ trách nhiệm trước khi lên máy bay khi NKT có kèm theo xe lăn. Các hãng hàng không chưa làm việc với các tổ chức của NKT, vì NKT, chưa lắng nghe ý kiến của NKT…”.

Những mong mỏi cần được đáp ứng

Trong điều kiện Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền của NKT, trước xu thế phát triển của thời đại và nhu cầu ngày càng cao của các hành khách nói chung, hành khách là NKT nói riêng về dịch vụ vận tải hàng không, các cơ quan liên quan cần tạo điều kiện cho NKT có thể tiếp cận dễ dàng với dịch vụ vận tải hàng không.

Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải Nhà nước nhận định: cần xây dựng cơ chế chính sách riêng đối với giao thông tiếp cận dành cho NKT trong lĩnh vực hàng không; xem xét điều chỉnh cơ chế hỗ trợ miễn giảm giá vé cho NKT; đơn giản hóa các thủ tục đăng ký dịch vụ hỗ trợ đặc biệt dành cho NKT. Cùng với đó, cần có các cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải Hàng không tham gia phát triển hệ thống giao thông tiếp cận. Có lộ trình đổi mới phương tiện vận tải hợp lý, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp và tư nhân đổi mới phương tiện vận tải đưa đón (xe buýt trong cảng hàng không, hệ thống xe nâng…) để đảm bảo nhu cầu tiếp cận cho NKT.

cvdxh bai 1 3

Dịch vụ hỗ trợ NKT đi xe lăn của Vietnam Airlines

Riêng ngành hàng không cần xây dựng, ban hành các quy định, trách nhiệm của nhân viên cảng hàng không, hãng hàng không đối với hành khách khuyết tật cũng như chế tài xử lý vi phạm. Xem xét miễn giảm giá vé với mức hấp dẫn hơn nữa để thu hút NKT. Thường xuyên tổ chức đào tạo cho đội ngũ cán bộ công nhân viên về trách nhiệm, kỹ năng phục vụ và nắm bắt tâm lý của hành khách khuyết tật để phục vụ tốt hơn. Tăng cường hệ thống xe lăn, trang thiết bị hỗ trợ tại các cảng hàng không nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng của NKT.

Về lâu dài, để các chính sách pháp luật mới đi sát với thực tế và phù hợp với nhu cầu của NKT, theo ý kiến của đại diện NKT, Bộ Giao thông vận tải, các hãng hàng không cần thu thập ý kiến của các tổ chức của NKT, vì NKT và NKT trước khi ban hành các chính sách liên quan đến NKT để xây dựng nên những chuyến bay thân thiện, không rào cản đối với NKT. Bởi hiện nay, Việt Nam đã ký kết hiệp định TPP, chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa hành khách khuyết tật nước ngoài đến thăm quan, giao lưu, trao đổi văn hóa, kinh nghiệm, và họ sẽ trở lại Việt Nam nếu cảm nhận được chúng ta đối xử với họ công bằng như những người không khuyết tật.  


 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi