Thứ năm, 19 Tháng 1 2017 13:01

Gần gũi, đức độ và bao dung là những nét đáng nhớ nhất khi tiếp xúc với Thượng toạ Thích Định Tánh - Trụ trì chùa Cẩm Phong (tỉnh Tây Ninh). Với tấm lòng nhân từ, bác ái, hai chục năm qua, Thượng toạ đã dang rộng vòng tay cứu giúp, cưu mang hàng trăm mảnh đời bất hạnh và xây đắp cho họ một tương lai tươi sáng.

Tam long tu bi cua Hoa thuong chan dat 1

Với tấm lòng nhân từ, đức độ, vị “Thượng toạ chân đất” ấy đã mang lại đời sống no ấm cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh

 

Làm việc thiện từ lòng trắc ẩn

Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em, Thượng toạ Thích Định Tánh (thế danh Lê Minh Đức) đã từng phải trải qua một tuổi thơ nghèo khó, thiếu thốn trăm bề. Tuy gia đình phải lo ăn từng bữa nhưng Thượng toạ được bố mẹ vẫn lo lắng cho học hành như bao bạn bè đồng trang lứa. Thượng toạ kể rằng, từ khi mới học đến lớp 7, Thượng toạ đã rất thích được đến chùa nghe kinh phật, sở thích đó lớn lên từng ngày và thôi thúc cậu bé Lê Minh Đức xin bố mẹ được xuất gia.

Trước sự phản đối kịch liệt của gia đình, Thượng toạ đã bỏ nhà đến sống tại chùa Thạnh Lâm (xã Thủ Đức - huyện Gò Dầu) mà không ai hay biết. Sau một thời gian dài nương nhờ nơi cửa phật, Thượng toạ được bố mẹ tìm thấy, đón về nhà và cho đất xây chùa Quan Âm. Bắt đầu xuất gia khi tròn 15 tuổi, Thượng toạ chuyên tâm theo con đường tu tập phật pháp. Sau nhiều năm phụng sự chư phật, năm 1992 Thượng toạ được phân công làm trụ trì chùa Hang (tỉnh Kiên Giang) và 3 năm sau làm trụ trì chùa Nhật Quang (thành phố Hồ Chí Minh).

Năm 1996, Thượng toạ được Giáo hội phật giáo phân công trụ trì chùa Cẩm Phong. Trở về quê hương trụ trì tại ngôi chùa đang trong điều kiện hết sức khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Chùa cũng đã bị sập do bom đạn trong chiến tranh và chỉ được che chắn tạm bợ để thờ phật và làm nơi ăn ở cho các sư. Mặc dù vậy, việc đầu tiên Thượng toạ quyết định làm không phải xây dựng chùa mà là bắt tay thành lập cơ sở nuôi dưỡng những cụ già neo đơn. Thời gian đầu, Thượng toạ đã dựng một lán trại bằng tranh tre để có chỗ nuôi dưỡng, chăm sóc 16 cụ già khuyết tật và tiếp nhận thêm trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi, trong đó có nhiều trẻ khuyết tật bẩm sinh.

Để có nguồn kinh phí duy trì cuộc sống cho những mảnh đời được nuôi dưỡng tại cơ sở, Thượng toạ cùng các sự đã phải lao động vất vả, lam lũ. Thượng toạ nhận làm đồ chay, muối dưa đem ra chợ bán, rồi nhận lo việc hiếu. Thậm chí Thượng toạ còn ký kết hợp đồng cung cấp dưa muối cho một Công ty của Hàn Quốc và để công việc không bị đình trệ, Thượng toạ lại tự mình xắn tay đi chợ và tự mình hoàn thành các công đoạn đóng hộp trước khi giao đệ tử vận chuyển thực phẩm đến cho Công ty.

Một ngày của Thượng toạ thường được bắt đầu từ lúc 3 rưỡi sáng đến tận đêm khuya để quán xuyến được hết các công việc. Điểm đáng nhớ và ấn tượng ở vị Thượng toạ đôn hậu này, đó chính là không bao giờ đi dép, bởi thế mà Thượng toạ được mọi người dành tặng một cách gọi thật gần gũi - “Thượng toạ chân đất”.

Mái ấm Mây Ngàn - sẻ chia nhiều hơn những mảnh đời bất hạnh  

Theo thời gian, những mảnh đời khó khăn tìm đến cơ sở nuôi dưỡng tại chùa Cẩm Phong ngày một đông hơn. Do diện tích ngôi chùa nhỏ nên họ phải sống trong điều kiện chỗ ở rất chật chội. Năm 2011, một phật tử lần đầu đến thăm chùa khi tận mắt chứng kiến khu nhà ở của những mảnh đời bất hạnh nằm sát bờ sông, bị nước ngập làm nứt, lún, lở sát nền nhà và có thể sập đổ bất kỳ lúc nào đã quyết định tài trợ kinh phí mua một khu đất rộng rãi, an toàn và tiến hành xây dựng mái ấm Mây Ngàn cách chùa 4km.

Mái ấm ra đời đã hoàn thành tâm nguyện của Thượng toạ và ngày càng có nhiều nhà hảo tâm, phật tử, các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh hỗ trợ. Đặc biệt, mái ấm đã nhận được sự giúp đỡ về mọi mặt của tỉnh Hội Tây Ninh, tạo điều kiện khiến cho hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa tại Chùa phát triển về cả quy mô và chất lượng chăm sóc.

Với mong muốn có thể góp sức nhiều hơn nữa cho các hoạt động từ thiện xã hội, năm 1998 Thượng toạ quyết định tham gia Ban Chấp hành tỉnh Hội Tây Ninh và được bầu làm Phó Chủ tịch. Thượng toạ đã vận động thành lập Chi hội Chùa Cẩm Phong.

Với vai trò vừa là thường trực Ban Chấp hành, vừa là người đứng đầu Chi hội, Thượng toạ đã tham gia đóng góp nguồn lực từ nguồn thu cá nhân, làm tốt công tác vận động, phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động trợ giúp cho đối tượng. Không chỉ chăm lo đời sống cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh ở mái ấm, Thượng toạ đã trợ cấp nuôi dưỡng thường xuyên tại cộng đồng cho các đối tượng xã hội gặp khó khăn không tự lo được cuộc sống, tổ chức nhiều đợt phẫu thuật mắt thay thuỷ tinh thể miễn phí cho người nghèo trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành như Sơn La, Cao Bằng, Bình Định, Hà Nội…; trao tặng xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật vận động; tặng bò, cho vay vốn không tính lãi đối với hộ nghèo có người khuyết tật, trẻ mồ côi để phát triển kinh tế; tổ chức các đợt trao quà cho đối tượng nhân dịp lễ, Tết và hộ nghèo vùng bị thiên tai, vùng khó khăn trong và ngoài tỉnh; tặng sách vở, đồ đùng học tập, quần áo, xe đạp cho học sinh mồ côi, khuyết tật nghèo nhân dịp khai trường; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí theo định kỳ hàng tháng cho người nghèo và đối tượng bảo trợ; hỗ trợ kinh phí xây cầu cho vùng khó khăn, xây tặng nhà tình thương cho đối tượng chưa có nhà ở và nhiều hoạt động hỗ trợ nghĩa tình khác với kinh phí hàng chục tỷ đồng...

Tam long tu bi cua Hoa thuong chan dat 2111

Thượng toạ Thích Định Tánh ân cần động viên người mù nghèo tại chương trình phẫu thuật 200 ca mắt thay thuỷ tinh thể tại Hà Nội

 

Ngoài nguồn kinh phí các phật tử, mạnh thường quân chung tay cùng Thượng toạ tổ chức hỗ trợ đối tượng, riêng Thượng toạ, mỗi năm đã đóng góp từ 1 - 1,5 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện nhân đạo trong tỉnh. Để nhận được sự đồng thuận của các phật tử, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào hoạt động từ thiện, Thượng toạ luôn thể hiện là người tu hành chân chính, có cái tâm trong sáng, có tấm lòng từ bi hỷ xả, cứu độ chúng sinh, hết lòng vì những mảnh đời bất hạnh, không quản ngại khó khăn, cũng như luôn thể hiện sự mẫu mực, trong sáng trong vai trò là Phó Chủ tịch tỉnh Hội, nỗ lực tạo sự đoàn kết, giúp đỡ giữa các hội viên để cùng hoàn thành sứ mệnh chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi. Với những đóng góp cho hoạt động bảo trợ, Thượng tọa được lựa chọn dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ Nhất (năm 2004), lần thứ III (năm 2010) và lần thứ V (năm 2016), năm 2015, Thượng tọa được mời và bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và là đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Từ những đứa trẻ đầu tiên được Thượng toạ nuôi dưỡng, đến nay đã có nhiều em đã trưởng thành, nhiều em đang theo học các trường chuyên nghiệp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thượng toạ luôn mơ ước về một tương lai tốt đẹp dành cho những đứa con được thầy cưu mang, đem tới một tình cảm ấm áp, thân thương đối với các cụ già neo đơn. Với Thượng toạ không chỉ lo cho đàn con được ăn no, mặc ấm, có nơi trú nắng trú mưa mà còn phải xây đắp tương lai cho các con bằng tri thức, giúp đàn con thiệt thòi hoàn thiện nhân cách, có nghề nghiệp để trở thành người có ích cho xã hội.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi