Thứ năm, 28 Tháng 2 2013 11:10

"Mình không cần gì hết đâu. Mình chỉ mong hai con mình khỏi bệnh thôi. Nhà mình không còn gì nữa. Ba mươi triệu vay vốn mua trâu mình cũng chưa trả được, trâu thì cũng đã bán để có tiền chữa bệnh cho con rồi."


Đó là tâm sự đầy âu lo của anh Tẩn Khái Mìn, cha của hai bệnh nhi thiếu máu huyết tán Tẩn Thiên Bảo Ngọc (3 tuổi) và bé Tẩn Trung Hiếu (5 tuổi) người dân tộc Dao ở bản Tà Sen, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Hiện hai bé đang được điều trị tại phòng 607 Viện Huyết học và Truyền máu Trưng Ương.

 

3 tuổi, Bảo Ngọc mắc bệnh huyết tán nên cơ thể yếu ớt, quặt quẹo


Hai đứa con kháu khỉnh Tẩn Thiên Bảo Ngọc và Tẩn Trung Hiếu lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc như vỡ òa của đôi vợ chồng trẻ. Hai cái tên xinh đẹp đều là do các bác sĩ sản khoa đặt cho. Sinh Bảo Ngọc mới được 3 tháng, em cứ khóc riết, người mềm oặt không một chút sức sống. Không biết con bệnh gì, chị Cúc băng rừng mang con hết từ trạm y tế xã rồi lại lên tỉnh rồi ngất lịm khi biết con mắc bệnh huyết tán.


Thương con quặn lòng, chị không quản đường xá xa xôi tiếp tục mang con từ Mường Khương, Lào Cai xuống Hà Nội. Để có tiền đi đường và tiền chữa bệnh cho con, hai vợ chồng phải nén lòng bán đi con trâu mua được nhờ vay vốn ngân hàng 30 triệu đồng. Chạy vạy khắp nơi người ta cũng chỉ đồng ý mua con trâu đấy với giá 9 triệu đồng. Thế là với 9 triệu đồng trong túi, chị mang con xuống Hà Nội chữa bệnh. Bác sĩ nói hai vợ chồng nên đưa cả Tẩn Trung Hiếu xuống khám vì nghi ngờ Hiếu cũng bị bệnh giống em gái mình. Bà mẹ khốn khổ ôm con từ Hà Nội về Lào Cai. Ra ga để về nhà nhưng trong túi chị không còn một đồng. Đói, mệt lại thêm lo lắng và khóc nhiều, chị ôm con ngất xỉu tại sân ga. Một người tốt bụng đã cho chị ăn, lại cho chị tiền để có tiền xe về quê.

 

Bé Ngọc mắc bệnh, chị Cúc càng bàng hoàng hơn khi Hiếu cũng mắc bệnh như em gái


Kết luận cuối cùng của bác sĩ bé Hiếu cũng mắc bệnh thiếu máu huyết tán như em gái Bảo Ngọc. Không có tiền, anh Tẩn Khái Mìn xuống Hà Nội đi làm thuê kiếm tiền nhưng được mấy ngày thì bị người ta chê ít học rồi bùng tiền. Chị Cúc mới xuống xuôi tiếng Kinh còn chưa sõi nên không biết xoay sở thế nào.


Hôm chúng tôi gặp Bảo Ngọc, cô bé có thể chạy nhảy vui đùa với Trung Hiếu, hỏi ra mới biết là do mới được truyền máu và được một chị tốt bụng mua cho đôi dép mới nên em vui lắm. Chiếc áo cũ người ta cho, đôi dép hay cái kẹp tóc... cứ về nhà là lại mang cất đi để dành, khi nào xuống Hà Nội chữa bệnh mới dùng đến. Trong khi đang nói chuyện, Bảo Ngọc bị ngã, người mẹ trẻ vừa chạy ra ôm con vừa xoa chân tay con. Một chút bầm ở chân con khiến chị xót xa mãi. Nước mắt lăn trên đôi gò má nhưng chị cúi mặt xuống giấu đi. Bảo Ngọc nói với mẹ một câu bằng tiếng Dao, nghĩa là: "Mẹ đừng khóc!". Tình cảm của họ khiến chúng tôi không khỏi xúc động.

 

Không có tiền chữa bệnh cho hai con, ở viện lúc nào chị Cúc cũng bần thần lo sợ


Không có việc làm ở Hà Nội, anh Tẩn Khái Mìn trở về quê ngày ngày đi làm rừng rồi chặt củi bán. Ngày Tết cũng như ngày thường, bữa cơm của cả gia đình chỉ có ngô. Bảo Ngọc ốm, hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo, khoản nợ 30 triệu vẫn còn đó, nợ lãi hàng tháng người ta đòi chị chỉ biết ngấn nước mắt xin khất. Tháng trước chị cho con xuống truyền máu, bác sĩ kê đơn thuốc hơn một triệu nhưng chị cũng không có tiền để mua thuốc cho con, đành ôm con về nhà. Mấy ngày Tết, Bảo Ngọc ốm, con bé không thiết ăn uống gì cả, người cứ tái đi, không chút sức sống. Chị lo quá vội chạy đi vay tiền để đưa con xuống viện. Người ta chửi chị, ai có tiền mà cho chị vay mãi, ai mà dám cho một nhà không có lấy một thứ giá trị vay.

 

Giấy chứng nhận hộ nghèo của gia đình chị Cúc, anh Mìn


Cầu khẩn mãi người ta mới cho hai vợ chồng vay 1,8 triệu đồng. Tiền xe tốn mất 750 nghìn đồng, nhập viện cho Bảo Ngọc phải nộp 1 triệu đồng. Thế là số tiền vỏn vẹn còn lại là 50.000 đồng. "Mình không cần gì cả đâu, mình chỉ cần con mình được sống thôi..." – chị Cúc nói trong nước mắt.


Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:Anh Tẩn Khái Mìn và chị Lý Thị Thu Cúc (Bản Tà Sen - xã Lùng Vai - huyện Mường Khương - tỉnh Lào Cai).
Hoặc: Phòng 607 Viện Huyết học và Truyền máu Trưng Ương.


Nguồn: DanTri

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi