Thứ sáu, 28 Tháng 9 2012 08:55

Cha mẹ lần lượt qua đời vì bệnh hiểm nghèo vì không tiền chữa trị. Kể từ đó, 7 chị em người dân tộc Bana ở làng Kà Bông (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định) lâm vào tình cảnh bi đát, thiếu thốn về tình cảm lẫn vật chất.


Xã Canh Liên thuộc xã vùng cao của huyện vùng cao huyện Vân Canh, người dân chủ yếu là người đồng bào Bana. Cuộc sống của người đồng bào ở vẫn còn nhiều khó khăn.


Vốn sinh ra và lớn lên ở xã vùng núi cao còn khó khăn, cuộc sống chủ yếu là đi rừng làm rẫy trồng củ sắn, củ mì sống qua ngày, ông Đinh Văn Ngơn (55 tuổi) và bà Đinh Thị Ty (53 tuổi), có với nhau cả 8 người con. Tuy cuộc sống người đồng bào còn khó khăn nhưng họ sống đùm bọc, đoàn kết và những đứa con lớn lên khỏe mạnh trong sự che trở của núi rừng. Con đông, khỏe mạnh đó là niềm hạnh phúc của ông bà.

 


Lem luốc những đứa trẻ mồ côi.

 

Nào ngờ tai họa ập xuống, năm 2007 ông Ngơn bị bệnh hiểm nghèo mà mất. Không lâu sau người vợ bà Ty cũng qua đời vì bệnh nặng không có tiền thuốc men chữa trị. Kể từ đó 7 chị em trở thành những đứa trẻ mồ côi thiếu thốn đủ trăm bề.

 

Kể từ khi cha mẹ mất đi, bao gánh nặng cơm áo, gạo tiền đè nặng lên đôi vai cô chị gái đầu là Đinh Thị Díp (SN 1982). Nhưng khổ nỗi là người dân tộc, nhà nghèo học hành không có nên cũng chẳng thể bước ra ngoài đời làm ăn kiếm tiền nuôi các em cho tốt mà cũng chỉ biết bám lấy vài sào ruộng, ít cây mì để sống qua ngày.


Bữa ăn của 7 chị em thật đạm bạc, chỉ vài thứ rau rừng nấu canh, bắp chuối rừng luộc chấm nước mắm, cả tháng có khi chẳng có đến một bữa được đụng miếng thịt. Thấy thương tình cảnh chị em mồ côi nhiều khó khăn nên bà con lối xóm lâu lâu có thức ăn ngon cũng chia sẻ cho chị em.

 


Chị Díp với những đứa em còn nhỏ dại - Ảnh: Doãn Công.

 

Chị Díp tâm sự: " Ngày trước cha mẹ còn sống tuy gia đình vất vả nhưng còn có chỗ dựa, tuy đói nhưng nhà khi nào cũng vui vẻ. Từ ngày cha mẹ mất tôi phải bươn chải lo kiếm củ sắn, củ mì, có gì ăn nấy cho qua ngày. Nhìn các em khổ mình đau lòng lắm nhưng chẳng biết làm gì được".


Có lẽ phải bươn chải sớm, lại là người đồng bào chẳng có tiền mua sắm sửa sang nên trông chị Díp già hơn so với các cô gái cùng tuổi trong bản. Làn da đen sạm, đôi bàn tay thô kịch chai sạn vì mưu sinh, nhìn chị không ai mà không khỏi chạnh lòng, xót xa.
Năm nay chị Díp đã bước sang cái tuổi 31, lẽ ra là người đồng bào chị cũng chồng con nhưng chị Díp vẫn chưa lấy chồng. Chị Díp buồn nói: "Bây giờ lấy chồng rồi ai sẽ lo cuộc sống, lo cho các em. Với lại nhà mình nghèo, mình cũng chẳng có nhan sắc nên ai dám lấy mình đâu...".


Ngôi nhà sàn nơi 7 chị em chị Díp chẳng mấy lúc có người bởi cứ sáng ra chị và người em gái kế phải tất tả lên rẫy trồng mì, chăm cây lúa. Khi về thì kiếm nắm rau rừng, củ môn, bắp chuối rừng ăn cho qua bữa. Còn 5 người em nhỏ đi học thường trưa, tối mới về.
Anh Đinh Văn Đoàn, trưởng thôn Kà Bông cho biết: "Chưa có gia đình nào khổ như mấy chị em nhà chị Díp, bố mất đầu năm, mẹ mất cuối năm. Các cháu còn nhỏ chẳng biết lo gì, vả lại bố mẹ nghèo khổ khi mất đi chẳng có gì để lại cho con cái. Lúc mẹ nó mất bà con phải đứng ra lo liệu ma chay chứ chúng còn nhỏ có biết gì đâu".


Hiện nay, còn 4 người em út dưới độ tuổi lao động lại còn đi học nên hàng tháng 4 anh em được nhận 240.000 đồng/em, số tiền bảo trợ dành cho trẻ mồ côi. Tuy số tiền không phải là nhiều nhưng đối tình cảnh với 7 chị em thì đó lại là khoản tiền vô cùng to lớn, quý giá. Bởi 7 chị em đã mất đi cả cha lẫn mẹ, người thân không có, các em không chỉ mất mát về tình cảm gia đình mà các em còn thiếu thốn cả về vật chất.


Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Đinh Thị Dịp (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định)

 

Nguồn Internet

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi