Thứ tư, 23 Tháng 7 2014 15:14

Đối với người khuyết tật, lao động, việc làm không chỉ vì thu nhập mà còn là để khẳng định mình, tự tin và tự lập trong cuộc sống. Vì vậy, điều kiện làm việc tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hại sẽ làm ảnh hưởng một phần hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản và sự hòa nhập xã hội của họ. Quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, tuyên truyền sâu rộng, đảm bảo an toàn cho người khuyết tật trong học nghề và hành nghề là việc làm cần thiết góp phần đem lại hạnh phúc cho người khuyết tật.


Trong thời gian gần đây, an toàn lao động đang là một vấn đề nóng được toàn xã hội quan tâm vì mức độ ảnh hưởng lớn đến tài sản và tính mạng người lao động. Đặc biệt trong các ngành công nghiệp sản xuất, an toàn lao động càng được đặt lên hàng đầu.


Theo số liệu báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố, năm 2013 trên toàn quốc đã xảy ra 6.695 vụ tai nạn lao động, làm 6.887 người bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động chết người là 562 vụ, làm 627 người chết, 1.506 người bị thương nặng. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động vẫn là xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh điện, cơ khí chế tạo...Trong đó loại hình Công ty Cổ phần có tỷ lệ tai nạn chết người cao nhất (34,3% số vụ), tiếp đến là loại hình Công ty TNHH, Doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp. Loại hình Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 5,1% số vụ. Tai nạn lao động không chỉ làm suy giảm hiệu quả sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, kinh tế, hạnh phúc gia đình của người lao động.

 

 

Đối với người khuyết tật, việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó không những tạo ra thu nhập để đáp ứng nhu cầu của bản thân và gia đình người khuyết tật mà còn giúp cho người khuyết tật phục hồi chức năng, có cơ hội giao tiếp xã hội, hòa nhập cộng đồng, đảm bảo quyền công dân của người khuyết tật. Tiềm ẩn trong mỗi người khuyết tật là một ý chí vươn lên, khát khao được học tập, làm việc theo khả năng của mình. Vì vậy, việc dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng này có ý nghĩa hết sức to lớn. Công tác an toàn, vệ sinh lao động với đối tượng này càng phải quan tâm nhiều hơn


Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 cho thấy, tỷ lệ người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên chiếm 7,8% dân số, tương đương với 6,7 triệu người. Trong đó, có khoảng 21% người khuyết tật còn khả năng lao động và 62% trong số này đang tham gia hoạt động kinh tế tạo thu nhập. Thời gian gần đây, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật và số lao động là người khuyết tật tham gia vào các loại hình sản xuất đã tăng lên đáng kể. Từ 177 cơ sở với 7.821 lao động (năm 1995) đến nay đã có hơn 400 cơ sở và trên 15.000 lao động người khuyết tật. Riêng Hội Người mù quản lý 146 cơ sở, thu hút khoảng 4.000 lao động.


Tại hầu hết các cơ sở này, theo thống kê chưa đầy đủ, việc trang bị các kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế, điều kiện tiếp cận, tham gia huấn luyện kiến thức về an toàn vệ sinh lao động còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này một mặt, là do doanh nghiệp còn xem nhẹ vấn đề an toàn vệ sinh lao động, chưa chú trọng đến việc mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và khám sức khoẻ định kỳ cho lao động là người khuyết tật. Mặt khác do trình độ văn hóa của người khuyết tật còn thấp nên việc hiểu biết về an toàn vệ sinh lao động rất hạn chế, mơ hồ, nhiều khi bảo hộ lao động được phát nhưng không sử dụng, việc hướng dẫn quy tắc an toàn phải lặp lại nhiều lần....


Người khuyết tật đã chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện sức khỏe, khiếm khuyết cơ thể. Việc họ tham gia vào hoạt động học nghề, lao động, sản xuất đóng góp cho xã hội rất cần được khuyến khích, động viên và phải đảm bảo cho họ được học nghề, làm nghề một cách thuận lợi, an toàn tuyệt đối. Muốn làm tốt điều này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác tập huấn, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động đồng thời có hình thức khen thưởng, khích lệ nhưng đơn vị nhiệt tâm, nhiệt tình trong lĩnh vực này. Có như vậy mới đem lại sự an toàn cũng như thành công trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đem lại hạnh phúc cho lao động là người khuyết tật.

 

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi