Thứ sáu, 25 Tháng 7 2014 14:56

Hàng năm, với đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn", chúng ta kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Đã 66 năm trôi qua như vậy, nhưng năm nay - 2014, ngày 27/7 không chỉ đơn giản là một ngày kỷ niệm, mà còn là ngày chúng ta nhìn nhận lại những sự kiện diễn ra trong chiến tranh biên giới phía Bắc 1979.

 

Hiểu cho thấu tấm lòng lãnh tụ!

 

Lịch sử Ngày Thương binh - Liệt sĩ gắn chặt với tên tuổi lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đó đổi tên Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm Hội trưởng danh dự của hội này. Chiều ngày 28/5/1946, Hội Giúp binh sĩ bị thương tổ chức một cuộc nói chuyện tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bác Hồ đã tới tham dự. Chiều ngày 11/7/1946, cũng tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho binh lính ở ngoài chiến trường, mở đầu cuộc vận động mùa đông chiến sĩ. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sĩ.


Trước yêu cầu đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, vào năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL - Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với cuộc chiến tranh của Việt Nam.
Đầu tháng 7/1947, Ban Vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc cũng được thành lập. Cùng thời gian này, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên diễn ra cuộc họp với nội dung là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chí Minh chọn ngày kỷ niệm Thương binh - Liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh - liệt sĩ. Tại cuộc họp này, ngày 27/7 được lấy làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.


Ngày 27/7/1947, lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bác Hồ cũng đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Bác cũng đã viết một lá thư nói rõ về ý nghĩa của việc quan tâm đến thương - bệnh binh.

 

Một góc nghĩa trang Vị Xuyên


Như vậy là ngay từ giữa năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp mới diễn ra chưa được một năm, chúng ta chưa có thương vong gì lớn, nhưng Bác Hồ đã tiên liệu được cái giá mà dân tộc ta phải trả cho độc lập, tự do là rất lớn. Chính vì vậy, giữa bộn bề công việc của một chính phủ sơ tán để kháng chiến, Bác Hồ vẫn suy nghĩ và đôn đốc lấy một ngày làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ngày này chính là một biểu tượng của đoàn kết dân tộc. Ngày này cũng là một trong những cội nguồn sức mạnh của dân tộc ta.

 

Năm 2014, Ngày Thương binh - Liệt sĩ sẽ là một sự kiện đáng nhớ

 

Bao nhiêu năm qua, vì sự tế nhị trong quan hệ với Trung Quốc, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đẫm máu gần như không được nói đến như một phần lịch sử bi thương và hào hùng của dân tộc Việt Nam. Hè năm 2014, Trung Quốc mang giàn khoan 981 vào hạ đặt trong vùng biển của Việt Nam – việc làm trái phép này đã bóc trần âm mưu thâm độc của họ. Từ đây, người Việt Nam đã có thể công khai nói lên thái độ của mình với người hàng xóm đầy tham vọng và nham hiểm này.


Trong không khí như vậy, chúng ta phải nói về những trận đánh đẫm máu, về những người lính dũng cảm đã không tiếc xương máu trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ngày 12/7/2014, chẵn 30 năm ngày diễn ra trận đánh ác liệt ở Vị Xuyên (Hà Giang), rất nhiều người nhớ đến trận đánh này và tìm cách kỷ niệm. Đây là trận đánh mà ta thương vong rất lớn, riêng Sư đoàn 346 đã mất hơn 600 chiến sĩ chỉ trong một ngày. Lòng quả cảm của các chiến sĩ hy sinh trong trận đánh này đã khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ sau này. Nhờ đó, chúng ta dần dần chiếm lại những cao điểm đã mất và thay đổi được cục diện chiến trường.


Ngày 14/7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ cựu chiến binh Vị Xuyên, phần lớn là chiến sĩ Sư đoàn 356. Đại tá Nguyễn Đức Cam - nguyên Phó sư đoàn trưởng - nhớ lại: "Năm 1984, do yêu cầu của nhiệm vụ, Sư đoàn được điều động sang Hà Giang. Từ năm 1984-1988, Sư đoàn 356 chiến đấu để giữ vững từng tấc đất, ngọn cỏ của biên giới Vị Xuyên. Sư đoàn có hai liệt sĩ được phong anh hùng, một tiểu đoàn là anh hùn g lực lượng vũ trang".


Còn cựu chiến binh Đặng Việt Châu nói: "Lúc bấy giờ, người lính Sư đoàn 356 đã khắc trên báng súng những lời thề "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử", "Giặc này phải đánh, không thắng không về"...


Trong cuộc gặp gỡ Chủ tịch nước, các cựu chiến binh Sư đoàn 356 đã kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn chiến trường Vị Xuyên, đồng thời tạo điều kiện xây dựng nơi đây một đền thờ để có chỗ thăm viếng, hương khói. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng ý với các kiến nghị của đại diện Sư đoàn; Chủ tịch nước nói: "Đề nghị văn phòng truyền đạt ý kiến của tôi với tinh thần như vậy cho Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng...".
Nhắc lại những trận đánh đẫm máu ở Vị Xuyên trong những năm 1984 - 1988 để chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra vào ngày 17/2/1979 không kết thúc vào ngày 16/3/1979 như tuyên bố của Trung Quốc cũng như sự cố tình lầm tưởng của một số nhà sử học trên thế giới.

 

Từ sông Thạch Hãn đến núi đồi Vị Xuyên

 

Theo nhiều người, ở Quảng Trị có hai nghĩa trang lớn không có mộ là sông Thạch Hãn và thành cổ Quảng Trị. Năm 1972, trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, mỗi đêm có hàng trăm chiến sĩ vượt sông Thạch Hãn vào thành Quảng Trị; đã có hàng ngàn chiến sĩ hy sinh, nằm lại ở những nơi này. Tinh thần quả cảm, không sợ hy sinh của các chiến sĩ chiến đấu ở đây đã khiến nhân dân cả nước khâm phục.


Có một cựu chiến binh tên là Lê Bá Dương, quê ở Nghệ An, đã tham gia chiến đấu ở nơi này mùa hè năm 1972. Sau chiến tranh, ông sống ở Nha Trang. Năm 1987, ông trở về chiến trường xưa, gom hết hoa ở chợ thả xuống dòng sông Thạch Hãn và viết những câu thơ: "Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...". Từ đó đến nay, hàng năm, vào dịp 27/7, hàng vạn người từ mọi miền đất nước đổ về đây, thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh.


Cũng theo nhiều người, những trận đánh diễn ra ở Vị Xuyên trong năm 1984, thậm chí còn đẫm máu hơn, mất mát còn lớn hơn mùa hè năm 1972 ở Quảng Trị. Ấy thế nhưng báo chí ít viết về điều này; những chiến sĩ hy sinh tại đây ít được nhắc đến. Nhưng bắt đầu từ năm 2014 đã có sự đổi khác. Ngay từ đầu năm, đài hương tưởng niệm (được xây dựng hoàn toàn bằng tiền đóng góp của các cựu chiến binh) đã được xây dựng trên cao điểm 486 - nơi ngày xưa là sở chỉ huy của Sư đoàn 356.


Trên các cao điểm 486, 685, 772, 1059... của huyện Vị Xuyên, còn rất nhiều hài cốt của các chiến sĩ. Việc quy tập vẫn diễn ra, việc xây đền tưởng niệm sẽ được tiến hành. Chúng ta xem những cao điểm này, đặc biệt là cao điểm 1059 như một nghĩa trang lớn. Ở đây, hàng năm, từ ngày 12/7 đến ngày 27/7, sẽ có rất nhiều người đến dâng hương tưởng niệm.
Đây cũng là nơi các thế hệ người Việt Nam đến để học những bài học lịch sử và mài sắc ý chí cảnh giác trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.


(Theo molisa.gov.vn)

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE 27/7: không chỉ là ngày kỷ niệm!

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi