Thứ ba, 08 Tháng 7 2014 18:10

Trong 2 ngày 7 - 8/7/2014, tại Hải Phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo kỹ thuật Định hướng đổi mới trợ giúp xã hội tại Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, đại diện lãnh đạo các Cục/Vụ thuộc Bộ; đại diện các Bộ, ban, ngành cơ quan Trung ương cùng Sở LĐ-TBXH các tỉnh Hà Giang, Bắc Giang, Thái Nguyên...

 

 

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: Hội nghị lần thứ 5 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã chủ trương đổi mới hệ thống an sinh xã hội theo hướng xây dựng và phát triển hệ thống ASXH đa dạng, toàn diện. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70/NQ-CP về Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 15, trong đó giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ 2 Đề án quan trọng là: "Đề án đổi mới công tác trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất" và "Đề án mức sống tối thiểu, mức sống trung bình, chuẩn nghèo để xác định đối tượng và chuẩn trợ giúp xã hội". Trên cơ sở đề xuất của các Bộ, Bộ LĐTBXH đã có quyết định thành lập Ban Nghiên cứu xây dựng Đề án và hình thành Tổ chuyên viên giúp việc. Đây là vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải đổi mới trên cơ sở kế thừa có chọn lọc hệ thống TGXH hiện hành, thiết kế hệ thống TGXH theo cách tiếp cận mới, vì vậy Chương trình của LHQ (UNDP) tại Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình xây dựng Đề án thông qua Dự án "Hỗ trợ cải thiện hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2013 – 2016". Bên cạnh đó, Bộ còn đang triển khai Dự án " Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam " do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với thời gian dự kiến 5 năm, từ 2014-2018 trên địa bàn 4 tỉnh là Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh. Dự án này có 4 mục tiêu quan trọng là: (1) Đưa ra lộ trình thu gọn chính sách thành gói trợ giúp gia đình; tách rõ chức năng xây dựng chính sách và hỗ trợ thu nhập cho các đối tượng trợ giúp xã hội căn cứ vào mức sống tối thiểu và chức năng cung cấp các dịch vụ về ASXH; (2) Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đối tượng trợ giúp xã hội và hộ nghèo/cận nghèo ở 4 tỉnh tham gia dự án có mã định danh duy nhất dùng chung cho các chính sách xã hội, đảm bảo tính minh bạch của thông tin. Sử dụng một phần mềm quản lý thống nhất từ cấp huyện, tỉnh và trung ương; (3) Xây dựng một hệ thống thông tin quản lý hiện đại nhằm thực hiện chi trả kịp thời, hỗ trợ quản lý biến động về người hưởng lợi nhằm tránh đưa hoặc bỏ sót đối tượng; theo dõi được dòng tài chính và kết quả chi trả định kỳ; chia sẻ thông tin giữa các ngành, các cấp và bản thân người hưởng lợi; hỗ trợ cho công tác giám sát, đánh giá, báo cáo và ban hành, sửa đổi chính sách; hỗ trợ tiếp nhận và xử lý các khiếu nại, tố cáo; tăng cường sự minh bạch của chính sách; (4) Đổi mới công tác chi trả, tách chức năng quản lý đối tượng khỏi chức năng chi trả; sử dụng cơ quan chi trả chuyên nghiệp dựa trên hợp đồng (Bưu Điện); chi trả một lần/tháng gói trợ cấp đúng thời hạn; kết hợp chi trả tại một điểm tập trung và chi trả tận nhà cho những đối tượng gặp khó khăn đi lại.


Đây là hội thảo kỹ thuật lần thứ nhất của Ban Soạn thảo Đề án nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến Đề án Đổi mới hệ thống chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) tại Việt Nam. Hội thảo hướng tới mục tiêu hiểu biết chung về khái niệm, phạm vi của hệ thống chính sách trợ giúp xã hội tại Việt Nam hiện hành; trao đổi về các kinh nghiệm quốc tế liên quan đến đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội và ý nghĩa đối với Việt Nam; thống nhất về mục tiêu và phạm vi của hệ thống chính sách trợ giúp xã hội dự kiến sẽ được đổi mới cho giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2030 dựa vào các vấn đề của hệ thống cần cải tổ.


Nội dung của Hội thảo kỹ thuật lần này chỉ giới hạn ở những vấn đề chung nhất về nhận thức mục tiêu và phạm vi TGXH phù hợp với điều kiện của Việt Nam và có tính hội nhập làm cơ sở, khung cơ bản để thiết kế cụ thể hơn hệ thống TGXH theo kế hoạch xây dựng Đề án tiếp theo. Do đó, trong 2 ngày làm việc, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề:
Thứ nhất, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, so sánh, phân tích quan niệm của quốc tế về TGXH để từ đó rút ra vấn đề chung nước nào cũng phải có về TGXH, các vấn đề quốc tế đã đi trước mà Việt Nam cần hướng tới hoặc vận dụng vào điều kiện cụ thể của mình và vấn đề gì là đặc thù mà Việt Nam cần phải giữ trong hệ thống TGXH mới.
Thứ hai, tập trung thảo luận làm rõ những điểm hạn chế của hệ thống TGXH của Việt Nam hiện nay. Trong đó, nêu bật những hạn chế trong thiết kế hệ thống TGXH hiện nay (TGXH thường xuyên, đột xuất và cung cấp dịch vụ) về tính hệ thống, phù hợp, toàn diện khả thi và hiệu lực; hạn chế trong tổ chức thực hiện TGXH về chỉ đạo điều hành, cơ chế phối hợp, sự tham gia của cộng đồng, hiệu quả tác động đến đối tượng hưởng lợi..., rút ra được những khoảng trống trong thiết kế chính sách so với nhu cầu thực tế và khoảng trống giữa thực tiễn thực hiện so với chính sách TGXH hiện hành.


Thứ ba, thảo luận di đến thống nhất về mục tiêu về phạm vi TGXH theo hướng đổi mới để hình thành khung đổi mới TGXH giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, cần xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; cấu trúc TGXH trong tương quan với hệ thống ASXH và cấu trúc bên trông hệ thống TGXH; các định hướng cơ bản đổi mới TGXH; lộ trình và điều iện thực hiện đổi mới để chuyển dần sang thực hiện hệ thống TGXH mới đảm bảo hài hòa không tạo ra những cú sốc, nhất là về đối tượng, cân đối nguồn tài chính...Đặc biệt cần lưu ý tiến tới đảm bảo nhu cầu mức sống tối thiểu, hình thành gói hỗ trợ tiền mặt (có điều kiện và không có điều kiện) theo từng nhóm đối tượng (cả thường xuyên và đột xuất), cơ chế tạo nguồn, tăng độ bao phủ đối tượng..


Thứ tư, thảo luận để thống nhất các bước tiếp theo cụ thể thực hiện Kế hoạch xây dựng Đề á đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của cơ quan chủ trì, các thành viên trongn Ban nghiên cứu và Tổ chuyên viên giúp việc với sự phối hợp ăn khớp, nhịp nhàng và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ kỹ thuật cua Dự án SAP, cũng như các nhà tài trợ khác.


(Theo molisa.gov.vn)

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi