Thứ hai, 04 Tháng 8 2014 17:33

Ngành may mặc là một nghề phù hợp với sức khỏe và điều kiện của người khuyết tật. Tuy không tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động nghiêm trọng nhưng việc phòng chống cháy nổ, bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực này rất cần được quan tâm, phòng ngừa. Với hơn 200 lao động và hiện đã mở thêm chuyền sản xuất cho người khuyết tật, Công ty TNHH Babeeni Việt Nam, chi nhánh Hải Dương đã có cách làm của riêng mình để đảm bảo an toàn, yên tâm sản xuất cho người lao động và học viên. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Nhung, quản lý chuyền may của Công ty.


PV: Được biết, bà là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc quản lý lao động làm việc trong xưởng may. Theo bà, trong ngành này có những nguy cơ tiềm ẩn nào, gây mất an toàn cho người lao động?

 

Bà Vũ Thị Nhung: Tôi đã có hơn 20 năm làm việc và quản lý trong các xưởng may nói chung và tại Công ty TNHH Babeeni chi nhánh Hải Dương nói riêng. Theo tôi được biết và cũng qua thực tế hoạt động, đây là ngành ít có nguy cơ gây tai nạn lao động nghiêm trọng. Nếu có thì cũng chỉ những tai nạn nhỏ như dập kim, đứt tay...
Tuy tai nạn lao động không nhiều nhưng nếu làm việc thường xuyên trong môi trường nóng, bụi, thiếu ánh sáng hoặc độ rọi không đều, tư thế làm việc gò bó... sẽ dễ gây mệt mỏi, đau các cơ khớp và tiềm ẩn một số bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó là các nguy cơ cháy nổ do việc sử dụng các thiết bị điện, bố trí sắp xếp nguyên vật liệu sản xuất..

 

PV: Theo bà, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất có ý nghĩa như thế nào với người lao động và đơn vị sản xuất?

 

Bà Vũ Thị Nhung: An toàn trong lao động sản xuất, người hưởng lợi đầu tiên chính là người lao động. Họ không chỉ bảo đảm được sức khỏe, năng suất lao động của mình mà còn rèn luyện được tính kỷ luật, tạo môi trường làm việc lành mạnh và thân thiện, đạt hiệu quả cao trong công việc. Giảm gánh nặng kinh tế về tai nạn lao động cho xã hội và gia đình.
Đối với doanh nghiệp, an toàn lao động cũng đồng nghĩa với việc duy trì hoạt động đều đặn của máy móc, trang thiết bị, đặc biệt là người lao động, tổ chức công việc và quy trình làm việc hiệu quả, phù hợp và an toàn. Sự ổn định này sẽ tạo ra hiệu quả cao trong sản xuất, lợi nhuận đồng thời tạo uy tín, thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh trạnh kinh tế...
Vì vậy, với bất kỳ một doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào việc tăng cường các biện pháp và kỹ năng làm việc an toàn, phòng tránh các tai nạn và có góp ý cải tiến trong công tác bảo hộ lao động là thực sự cần thiết.

 

 

PV: Tại Công ty TNHH Babeeni Việt Nam, Chi nhánh Hải Dương, việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động được thực hiện như thế nào, thưa bà?

Bà Vũ Thị Nhung: Xưởng may của Công ty được đưa vào hoạt động là một dây chuyền khép kín, từ cắt, may, hoàn thiện và đóng gói sản phẩm. Mặt hàng của Công ty là các sản phẩm may mặc trẻ em, xuất khẩu sang Mỹ và các nước Châu Âu. Họ yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng sản phẩm cao, vì vậy, các công nhân làm việc tại xưởng đều luôn phải tập trung cao độ. Việc đảm bảo an toàn sản xuất, sức khỏe cho người lao động vì thế cũng được ban lãnh đạo Công ty hết sức quan tâm.


Xưởng sản xuất của Công ty được bố trí tách biệt với khu dân cư, thuận tiện cho giao thông đi lại. Trần nhà được nâng cao khoảng 7m, tạo không gian thoáng đãng. Máy móc thiết bị được bố trí với khoảng cách phù hợp. Các thiết bị điện được bố trí bài bản, khoa học. Hệ thống chiếu sáng, quạt máy được thiết kế đảm bảo đủ mát, đủ sáng và ổn định cho tất các bộ phận. Các thiết bị cảnh báo cháy nổ, thiết bị chữa cháy được bố trí vừa tầm với, dễ quan sát. Sau mỗi đợt tuyển lao động mới, Công ty đều tổ chức hướng dẫn quy trình phòng chống cháy nổ cho công nhân mới, nhắc lại các nguyên tắc an toàn cho lao động cũ.


Trong quá trình làm việc, sản phẩm và nguyên vật liệu của mỗi người lao động được bố trí gọn gàng trong các thùng carton, lối đi được giữ sạch sẽ, thoáng. Trong sắp xếp công việc, những lao động là nam giới, có sức khỏe được bố trí vào bộ phận cắt, vận chuyển nguyên liệu, ai khéo tay, chăm chỉ cẩn thận được xếp vào may. Đối với từng bộ phận, công ty đều có sự hướng dẫn, yêu cầu chặt chẽ về quy trình vận hành máy móc, thiết bị và kỹ thuật an toàn của từng vị trí công việc như máy cắt, máy khâu, bộ phận là, ủi... Ban quản lý xưởng phân công, gắn trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân.


Ngoài ra, trong khuôn viên của xưởng cũng bố trí một khoảnh đất trồng rau sạch, phục vụ bữa trưa và bữa ăn ca cho lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

PV: Được biết, Công ty TNHH Babeeni chi nhánh Hải Dương vừa phối hợp cùng Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tỉnh Hội Hải Dương khai giảng lớp dạy nghề cho người khuyết tật. Để đảm bảo an toàn trong lao động, học nghề của đối tượng này, Công ty có những lưu ý nào không?

 

Bà Vũ Thị Nhung: Công ty TNHH Babeeni Việt Nam là một doanh nghiệp vì xã hội, ngoài mục tiêu phát triển đảm bảo đời sống bền vững cho các thành viên của công ty, năm 2014 Công ty chính thức mở thêm chuyền sản xuất dành riêng cho người khuyết tật. Đây là cơ hội cho người yếu thế có điều kiện tiếp cần việc làm.
Với 19 học viên khuyết tật học nghề, Công ty đảm bảo trên lớp thường xuyên có 02 giáo viên hướng dẫn. Cung cấp đầy đủ nguyên liệu học. Học viên trong quá trình học nghề được học nội trú, ăn nghỉ miễn phí, Trong quá trình học có sự kết hợp vừa học vừa làm. Lao động khuyết tật được bố trí ở chuyền gần cửa ra vào, thuận tiện cho việc đi lại và kèm cặp học viên. Vị trí này cũng thoáng, mát hơn đồng thời dễ dàng thoát hiểm khi có sự cố.

 

Ngoài việc cầm tay, chỉ việc cho các học viên là người khuyết tật, đối với một cán bộ quản lý, chúng tôi cũng thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở các học viên làm thế nào để học nghề và làm nghề an toàn, quán triệt tinh thần tự giác chấp hành nội quy của Công ty của các học viên. Đảm bảo an toàn vệ sinh công nghiệp. An toàn trong sử dụng thiết bị điện, máy móc cũng như đi lại khi tham gia giao thông.. Tuy nhiên, học viên khuyết tật theo học tại xưởng nghề thêu thủ công, không liên quan về máy móc nên việc hướng dẫn chủ yếu là để nguyên vật liệu gọn gàng, đúng nơi đúng chỗ, cách thoát hiểm khi có sự cố...


Với sự nỗ lực của ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, quản lý của Công ty, đến nay, chúng tôi chưa để xảy ra vụ tai nạn lao động đáng tiếc nào. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì, phát huy kết quả này để đảm bảo cho lao động khuyết tật và những lao động khác yên tâm học nghề và làm nghề, gắn bó lâu dài với Công ty.

 

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi