Thứ ba, 21 Tháng 10 2014 11:56

Với mục tiêu "Hỗ trợ thanh niên khuyết tật tiếp cận kỹ năng và kiến thức về công nghệ thông tin qua việc áp dụng mô hình đào tạo công nghệ thông tin gắn với tạo việc làm", giai đoạn năm 2007 - 2014 tổ chức CRS cùng các đối tác tại Việt Nam đã đào tạo được hơn 1.000 thanh niên khuyết tật. Những kinh nghiệm rút ra từ công tác này là những bài học đáng quý để các tổ chức, cơ quan thực hiện tốt mục tiêu "Đến năm 2015 có 30% và đến năm 2020 là 50% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông" của Đề án Trợ giúp người khuyết tật.


Dự án của CRS thực hiện tại Việt Nam tập trung vào đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và kỹ năng mềm, ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế của học viện NITT, CMU và chương trình đào tạo trong nước. Các khóa học đều được tăng cường môi trường tiếp cận, thân thiện và hòa nhập với người khuyết tật (ngoài những lớp học, các học viên khuyết tật còn được giao lưu với học sinh không khuyết tật khác một cách bình đẳng, tăng cường hòa nhập và không có sự phân biệt đối xử.


Trong mô hình đào tạo, CRS thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong thiết kế chương trình đào tạo, tham quan môi trường làm việc, đào tạo kỹ năng thực hành, thực tập và tuyển dụng. Bởi doanh nghiệp chính là đầu ra của chương trình đào tạo. Quá trình hoạt động, CRS đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị này. Họ cử người đến hướng dẫn học sinh khuyết tật kỹ năng trong phỏng vấn xin việc, kỹ năng thực hành với các sản phẩm thực tế của doanh nghiệp... Bên cạnh việc liên kết với doanh nghiệp, các đối tác của dự án còn tăng cường các hoạt động xã hội cho học sinh khuyết tật qua mạng lưới các hội, nhóm người khuyết tật, cựu sinh viên, giao lưu với các sinh viên không khuyết tật và tham gia những sự kiện xã hội khác nhằm giúp người khuyết tật tự tin hơn và nâng cao khả năng của bản thân. Sự chú ý đến khía cạnh này đã nâng hiệu quả việc làm lên rất nhiều.

 

Tặng học bổng cho học viên khuyết tật tham gia khóa đào tạo tin học


Nhờ sự quan tâm, chú ý đến từng chi tiết trong quá trình thực hiện, giai đoạn 2007 – 2014, CRS và các đối tác đã đào tạo được hơn 1.000 thanh niên khuyết tật các chuyên ngành kỹ sư phần mềm máy tính, phát triển và quản trị website, thiết kế đồ họa, họa viên kiến trúc, đào tạo công nghệ thông tin cho hướng dẫn viên khiếm thị cộng đồng... Trong đó, với những khóa đào tạo nâng cao (thời gian học 1 năm, áp dụng chương trình của học viện NITT, ngôn ngữ hoàn toàn bằng tiếng Anh, tạo thói quen, tinh thần làm việc cho các em ngay từ khi bắt đầu đào tạo. Lịch học được bố trí cả ngày, có bài tập về nhà giúp các em làm quen với áp lực công việc ngay từ khi còn học nghề), có khoảng 70 – 80% học viên sau học nghề có việc làm, có nhiều khóa, tỷ lệ có việc làm lên tới 90%. Với chương trình đào tạo ngắn hạn (thời gian học 3 tháng), tỷ lệ học viên có việc làm đạt khoảng 50 – 60%.

Đào tạo tin học cho người khuyết tật do CRS thực hiện tại Trường Đại học Đông á


Nhiều học viên có thu nhập tốt sau khóa đào tạo, một số đạt được vị trí cao với thu nhập hơn 500 USD/tháng, nhiều học viên đã mở doanh nghiệp và hỗ trợ những học viên khác. Tuy nhiên, kết quả có ý nghĩa lớn nhất là học viên đã tự tin hơn trong giao tiếp, có kỹ năng tìm kiếm và giới thiệu việc làm giúp các bạn khác, tham gia tích cực qua mạng cựu sinh viên để chia sẻ và cùng giúp đỡ nhau. Đến nay, đã có gần 100 doanh nghiệp tuyển dụng và cung cấp cơ hội việc làm cho các học sinh của dự án. Có nhiều doanh nghiệp tham giá hợp tác với chương trình chặt chẽ thông qua việc góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ dạy một số môn học, cử cán bộ đào tạo kỹ năng, nhận học viên thực tập và tuyển dụng học viên.


Để có được kết quả này, theo Ban Quản lý Dự án điều trước tiên cần thực hiện là Đa dạng kênh tuyển sinh, có sự liên kết với mạng lưới các Hội người khuyết tật, trường chuyên biệt, các trung tâm nuôi dạy, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, xuống tận cơ sở nắm bắt nhu cầu của học sinh. Các kênh tuyển dụng đa dạng như: đăng lên website, quảng cáo, thông qua các cựu sinh viên, các Hội người khuyết tật. Công tác phỏng vấn cần được thực hiện kỹ càng, tìm hiểu nhu cầu của học viên và tư vấn cho họ nhằm đảm bảo học viên có hứng thú, cam kết tham gia khóa đào tạo và được bố trí vào những khóa đào tạo có mức độ phù hợp. Thiết kế chương trình học và nhu cầu thị trường lao động: hoạt động tham vấn các doanh nghiệp trong việc thiết kế chương trình học có vai trò rất quan trọng để đảm bảo tạo việc làm. Tập trung và đáp ứng những nhu cầu thị trường lao động qua việc tập trung đào tạo sâu một kỹ năng thay vị thiết kế chương trình học quá rộng, không đáp ứng thị trường lao động. Có bản cam kết giữa gia đình, nhà trường và tổ chức: học viên và phụ huynh phải có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Cần giảm dần việc bao cấp hoàn toàn đối với công tác dạy nghề và tạo việc làm nhằm tăng trách nhiệm của người khuyết tật và gia đình khi tham gia khóa đào tạo, nhằm đảm bảo kết quả đầu ra. Đóng góp có thể bắt đầu từ tỷ lệ nhỏ (ví dụ như sinh hoạt phí). Tư vấn việc làm và đào tạo kỹ năng mềm: Việc đào tạo kỹ năng mềm (làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, nâng cao sự tự tin, giải quyết vấn đề...) nên được thiết kế rõ ràng và đưa vào lồng ghép chính thức trong chương trình đào tạo. Nên mời người khuyết tật thành đạt, các hội người khuyết tật cùng tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng mềm và liên kết giới thiệu việc làm...


(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi