Thứ sáu, 06 Tháng 2 2015 14:22

Trong hai ngày 15 -16/1, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức tổng kết hoạt động 2014 và triển khai nhiệm vụ 2015. Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - Chủ tịch danh dự, ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Dương Hữu Châu - Phó BTC ủy ban TW MTTQ Việt Nam bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội Dạy nghề và Nghề CTXH Việt Nam, ông Đỗ Đức Ngọ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em.

Ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Trung ương Hội và các Phó Chủ tịch: ông Lương Phan Cừ, bà Hoàng Diệu Tuyết, ông Phan Văn Lộc chủ trì Hội nghị.

Hoạt động Hội gắn với thực hiện nhiệm vụ Nhà nước

Báo cáo tổng kết hoạt động Hội 2014 do Phó Chủ tịch Lương Phan Cừ trình bày tại Hội nghị đã khẳng định sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ các cấp Hội trong điều kiện khó khăn và biến động của nền kinh tế trong nước và nước ngoài.

Trên cơ sở quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, Đề án cấp quốc gia, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, chiến lược phát triển Hội, học tập kinh nghiệm quốc tế và nhu cầu của đối tượng, Hội đã tổ chức thực hiện các chương trình trợ giúp ngày càng đa dạng, hiệu quả, thiết thực, gắn với nhiệm vụ Nhà nước. Một năm hoạt động của Hội cũng chính là một năm góp phần cùng Nhà nước và xã hội thực hiện Luật NKT. Trong số 9 hoạt động chính của Đề án 1019, Hội đã tham gia tích cực vào 7 nội dung, tham gia thực hiện phong trào thi đua "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Trong công tác tuyên truyền, với bốn chương trình truyền hình trực tiếp được tổ chức trong cùng một năm, Hội đã ghi dấu ấn thành công và đậm nét trong dư luận xã hội, nhận được nhiều sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, các Bộ, Ban, ngành từ Trung ương tới địa phương, cũng như sự nhiệt tình đồng hành của các nhà hảo tâm, của các tầng lớp nhân dân. Hội thi Tiếng hát NKT lần đầu tiên được tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của các tỉnh, thành Hội, của các thí sinh khuyết tật. Hội thi đã tạo một sân chơi nghệ thuật lành mạnh, với không khí thi đua phấn khởi rộng khắp, lan tỏa, vun đắp thêm cuộc sống tinh thần cho NKT. Các tỉnh, thành Hội đã quan tâm hơn tới công tác tuyên truyền, có nhiều chương trình truyền hình trực tiếp ở địa phương, nội dung sâu rộng, cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Mặc dù phải đối mặt với tình hình vô cùng khó khăn, nhưng con số quỹ Hội vận động được trong năm đạt 357 tỷ đồng đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo của các cấp Hội. Trong cái khó, Hội đã chủ động xây dựng các chương trình, Dự án với số liệu cụ thể, minh chứng rõ ràng, người thật việc thật, có tính thuyết phục cao với nhà tài trợ, như các Dự án phẫu thuật, học bổng dài hạn... Thường xuyên tổ chức biểu dương, tri ân nhà tài trợ, tận dụng khai thác nguồn ủng hộ nhỏ nhưng số lượng đông trên địa bàn. Không ngừng mở rộng hội viên, chi hội. Đa dạng cách thức vận động như: đấu giá, đêm nhạc truyền hình trực tiếp, đặt hòm từ thiện, đến tận nơi, gặp mặt, đặt vấn đề....

Ngoài các hoạt động bảo trợ truyền thống như: tặng xe lăn và dụng cụ trợ giúp; mổ mắt, chỉnh hình, tặng quà...Hội đã tiếp tục chú ý đến các hoạt động sát với nhu cầu của đối tượng như mổ tim, khám bệnh cấp thuốc, học bổng, xây nhà tình thương... Chương trình dạy nghề vẫn đảm bảo chất lượng học nghề với tỷ lệ có việc làm, thu nhập cao. Chương trình Hỗ trợ sinh kế cho NKT tại một số xã xây dựng nông thôn mới ngày càng đa dạng các hình thức hỗ trợ theo nhu cầu và khả năng của hộ gia đình, số xã thực hiện trong năm tăng lên đáng kể...

Từ yêu cầu thực tiễn và các lớp tập huấn nâng cao năng lực của Trung ương Hội, các tỉnh thành Hội đã tổ chức tập huấn cho hàng nghìn cán bộ nhân viên được nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ. Hàng loạt các tỉnh, thành tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng nghề CTXH, vận động quỹ cho cán bộ Hội, để từ đó làm tốt hơn công tác trợ giúp đối tượng. Trong hoạt động, Hội đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các đơn vị khác, giữa TW Hội với các tổ chức thành viên, giữa các Hội địa phương với nhau. Đặc biệt là Hội đã mở rộng việc phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động từ thiện như mổ mắt, tặng quà, tặng học bổng, xe đạp, xe lăn... Hoạt động phối hợp đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao số lượng đối tượng hưởng lợi. Công tác thông tin, báo cáo đã được cải thiện rõ nét.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội có tính chất đặc thù, năm 2014, Hội đã tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện, góp ý, xây dựng sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến NKT, TMC. Một số tỉnh, thành Hội đã chú ý triển khai trợ giúp pháp lý cho NKT, đây là điểm mới trong hoạt động Hội năm 2014.

Từ những kết quả đạt được, có thể nói năm 2014 tiếp tục là một năm vượt khó của hoạt động Hội. Vượt khó để tiếp tục giữ vững sự ổn định về tổ chức, chiến lược, để trong mọi hoạt động của mình, Hội luôn đi đúng tôn chỉ, mục đích, tính chất của một Hội đặc thù, xã hội hóa hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ Nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông gắn với vận động Quỹ

Thực hiện nhiệm vụ 2015 với những chỉ tiêu cụ thể (đã đăng trong Tạp chí số 251), Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về người khuyết tật, trẻ mồ côi; đặc biệt sẽ phát huy những hoạt động đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, phù hợp với từng địa bàn, phát huy tính chủ động, năng động và sáng tạo của các cấp hội. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến NKT, TMC do Nhà nước giao. Triển khai các hoạt động trợ giúp theo 6 chương trình trọng tâm của Hội mang tính bền vững đối với NKT, TMC

Đặc biệt, Hội sẽ phát huy hiệu quả các hình thức hoạt động thu hút nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia; tổ chức nhiều sự kiện, các chuyên đề, tập huấn.... để vừa vận động xây dựng Quỹ Hội, vừa thực hiện việc thông tin tuyền truyền, nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật NKT, TMC; xây dựng hình ảnh đẹp của Hội trong lòng cộng đồng xã hội. Mở rộng các hoạt động trợ giúp pháp lý, quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền của NKT và TMC. Quan tâm đến đời sống tinh thần của NKT, đối tượng trẻ tự kỷ, tổ chức tự lực của NKT. Quan tâm đến đối tượng trẻ mồ côi tới tuổi trưởng thành mà chưa tạo dựng được nơi nương tựa... Trong công tác tổ chức sẽ tiếp tục phát triển tổ chức Hội ở một số tỉnh, kiện toàn tổ chức, bộ máy các tổ chức hội thành viên, đặc biệt quan tâm phát huy vai trò người đứng đầu và tổ chức Hội nghị chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho Hội viên và cán bộ Hội.

Hiện thực hóa Luật NKT gắn với các chương trình trọng tâm của Hội

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu đã tập trung phân tích một số vấn đề đặt ra sau 4 năm thực hiện Luật NKT, 5 năm thực hiện công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và 4 năm tham gia hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015. Chủ tịch khẳng định trách nhiệm của Hội trong việc thực hiện Luật NKT được thể hiện tại các nội dung của Luật, một số nghị định, quyết định hướng dẫn thi hành Luật cũng như quy định tại Điều lệ của Hội. Theo đó, ngay sau khi Luật NKT được ban hành, Hội đã tổ chức thực hiện Luật thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức; triển khai các hoạt động phù hợp với quy định của Luật: tổ chức phẫu thuật, PHCN, trợ giúp tiếp cận các dịch vụ y tế và cung cấp dụng cụ trợ giúp; dạy nghề tạo việc làm; an sinh xã hội cùng một số hoạt động khác như: dạy văn hóa, ngôn ngữ ký hiệu cho NKT, tham gia xây dựng chính sách liên quan đến NKT, trợ giúp pháp lý, xây dựng, duy trì, phát huy trang thông tin điện tử của Trung ương Hội và các tổ chức thành viên... Từ thực tiễn thực hiện, Hội cũng đưa ra một số kiến nghị và đề xuất nhằm thực hiện có hiệu quả Luật NKT: thống nhất việc quản lý cơ sở dữ liệu về NKT; ưu tiên tập trung trợ giúp trẻ em khuyết tật; giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT: đề xuất Nhà nước có chính sách xóa mù và phổ cập giáo dục THCS cho NKT và đề nghị có sự đánh giá việc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận NKT vào làm việc theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch TƯ Hội Nguyễn Đình Liêu phát biểu tại hội nghị

Đánh giá Chương trình dạy nghề cho NKT từ 2010 đến nay do Hội thực hiện, Chủ tịch Trung ương Hội cho biết, Hội đã dạy nghề cho 8.530 người khuyết tật, đạt 106,6% kế hoạch, riêng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, Hội đã dạy nghề được cho 2.321 NKT, trong đó khoảng 80% có việc làm và tự tạo việc làm. Qua 5 năm thực hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc về nhận thức xã hội; cơ chế chính sách; vốn ưu đãi; kinh phí; kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cán bộ Hội... cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng các đại biểu tham dự hội nghị

Cuối năm 2015, Hội sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá việc tham gia thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011 – 2015. Vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu cũng đề nghị các tỉnh, thành Hội trong khi tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ 2015 cần đặc biệt quan tâm đến chương trình hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung hoàn thiện cơ bản việc cải thiện điều kiện sinh hoạt và hỗ trợ giảm nghèo, giảm cận nghèo bền vững đối với NKT, TMC tại ít nhất 01 xã. Đây là sự thể hiện hướng đi phù hợp với chủ trương của Nhà nước về tiếp cận đa chiều về vấn đề nghèo.

Những vấn đề Chủ tịch Nguyễn Đình Liêu đưa ra cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của nhiều đại biểu, trong đó các ý kiến tập trung vào các nội dung: vai trò của Hội trong việc xây dựng, phản biện chính sách, trợ giúp pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đối tượng; những kinh nghiệm cũng như khó khăn, bất cập trong công tác dạy nghề cho NKT; vấn đề tổ chức, thống nhất về tên gọi, hoạt động của các Hội thành viên... Đây cũng là những vấn đề được đặt ra nhiều lần và đang được Trung ương Hội tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết.

* * *

Phát biểu với Hội nghị, Chủ tịch danh dự Trung ương Hội Nguyễn Thị Xuân Mỹ nhận định năm 2014, các cấp Hội đã đạt được những kết quả hết sức đáng tự hào, nhất là trong môi trường hoạt động có nhiều biến động, rào cản. Nhờ đó, Hội đã có một biểu đồ phát triển theo hướng đi lên về tổ chức, nội dung, chiều sâu hiệu quả hoạt động. Hội ngày càng bám sát mục đích, tôn chỉ đề ra, là cánh tay nối dài của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội; giúp cho đối tượng ngày càng được hưởng thụ, tốt hơn quyền của mình mà vẫn không xa rời tinh thần, truyền thống nhân ái, sẻ chia của dân tộc.

Chủ tịch danh dự cho rằng những hoạt động của năm 2014 mà Hội tổ chức đã đánh dấu việc thu hút NKT tham gia trực tiếp vào các hoạt động cộng đồng, xã hội; ghi dấu ấn về sự phát triển đồng đều của các tỉnh, thành Hội với nhiều hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong việc vận dụng, áp dụng các chính sách của Đảng, Nhà nước vào việc hỗ trợ đối tượng. Công tác phối hợp giữa Hội và ngành LĐ-TB&XH, các cơ quan tổ chức có liên quan ngày càng nhuần nhuyễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Hội.

Năm 2015 còn nhiều biến động, Chủ tịch danh dự đề nghị các cấp Hội bằng thực tiễn hiện nay để đoán định, sớm tiếp cận các vấn đề liên quan đến hoạt động hỗ trợ đối tượng, tiếp tục phát huy sự năng động sáng tạo, trí tuệ, nhiệt huyết. Hội không nên quá trông chờ vào Nhà nước mà phải tự nỗ lực vận động, phù hợp với hành lang pháp lý; cần chú ý đến các hình thức dạy nghề, mô hình dạy nghề tại cộng đồng; quan tâm đến nâng cao năng lực, kỹ năng nghề CTXH; củng cố hệ thống tổ chức... nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần của NKT, TMC và bệnh nhân nghèo.

Tại Hội nghị, ghi nhận thành tích, nỗ lực của tập thể, cá nhân trong hoạt động chăm sóc, bảo trợ NKT, TMC năm 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trao tặng 3 Bằng khen cho cá nhân; Trung ương Hội đã trao tặng 196 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân.

Chiều 15/1, Hội nghị BCH TW Hội lần thứ 4 - khóa IV đã thảo luận và góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo Tổng kết hoạt động năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. BCH đã biểu quyết thông qua các Quyết định: thôi ủy viên BCH đối với ông Dương Quát – nguyên Chủ tịch tỉnh Hội Quảng Trị và bầu bổ sung, thay thế ông Thái Vĩnh Liệu – Chủ tịch tỉnh Hội Quảng Trị; bầu bổ sung ông Phạm Bá Vương – Chủ tịch tỉnh Hội Thừa Thiên - Huế thay thế ông Võ Thuyết (đã mất); bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Hội vào BCH khóa 4 (nhiệm kỳ 2012 - 2017). BCH cũng bàn và cho ý kiến về một số vấn đề như biểu tượng; cờ thi đua hàng năm và kỷ niệm chương của Hội.

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi