Để giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, thời gian qua, các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có nhiều hình thức hỗ trợ như trao tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, học bổng, hỗ trợ sinh kế, dạy nghề... Đóng góp vào sự thay đổi đời sống của nhóm đối tượng này cũng như các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác, không thể không kể đến sự động viên, thăm hỏi, trợ giúp đột xuất và thường xuyên bằng những suất quà nhân các dịp lễ, Tết, ngày Người khuyết tật Việt Nam, Quốc tế người khuyết tật...
Phóng viên Tạp chí Người bảo trợ đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Huấn, Chủ tịch thành Hội Hải Phòng. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Thưa ông, xin ông cho biết một số nét khái quát về tình hình người khuyết tật, trẻ mồ côi tại Hải Phòng cũng như những kết quả hoạt động của thành Hội năm 2014?
Ông Phạm Văn Huấn: Hải Phòng hiện có khoảng 34.000 người khuyết tật. Năm 2014, trên cơ sở tổ chức điều tra nắm số lượng, hoàn cảnh và nhu cầu của người khuyết tật, trẻ mồ côi toàn thành phố, nhân các dịp Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn của Nhà nước và thành phố... thành Hội và các quận, huyện Hội cơ sở đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, tổ chức nhiều chương trình trợ giúp đạt hiệu quả. Với tổng nguồn quỹ có giá trị quy đổi là 5.637.283.000 đồng, thành Hội đã trợ giúp cho 20.391 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi. Trong đó, thành Hội đã vận động và trao tặng 17.343 suất quà, trị giá 2.879.853.000 đồng, đạt 346% kế hoạch năm; xây dựng và sửa chữa 12 "nhà nhân ái', trao tặng 528 suất học bổng, 85 xe đạp, 830 xe lăn cho người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 105 người. Ngoài ra, thành Hội còn tiếp tục chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã Hiền Hào, huyện đảo Cát Hải và mở rộng thêm xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên.
Hoạt động thăm hỏi, tặng quà của thành Hội Hải Phòng
Phóng viên: Nhìn vào kết quả vận động Quỹ cũng như các hoạt động trợ giúp có thể thấy, năm qua hoạt động thăm hỏi, tặng quà của thành Hội tương đối cao. Kết quả này có được dựa vào những yếu tố nào thưa ông?
Ông Phạm Văn Huấn: Trong 17.343 suất quà trao tặng cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, thành Hội vận động và trao tặng 1.330 suất, trị giá 333.500.000 đồng. Số còn lại 16.013 suất do các quận, huyện Hội, xã phường vận động trao tặng. Trong đó các quận, huyện Hội vận động được nhiều là Ngô Quyền, Kiến An, Lê Chân, Thủy Nguyên, An Lão, An Dương, Tiên Lãng. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng nhiều nhà tài trợ là tổ chức, cá nhân vẫn quan tâm, tặng nhiều phần quà ý nghĩa cho đối tượng trong thành phố như Công ty Lao động, Thương binh và Xã hội sản xuất thép Vinausteel, gia đình ông Phạm Trần Thành và bà Ngô Thị Thu, siêu thị BigC Hải Phòng, bà Đặng Thùy Dương, người Hải Phòng sống tại quận 7 thành phố Hồ Chí Minh... Trong đó, thành Hội tập trung huy động nguồn lực trong dân là chính. phần lớn là các tổ chức tôn giáo trên địa bàn thành phố. Họ có lực lượng phật tử đông, có điều kiện (chủ yếu là các doanh nghiệp) như Thượng tọa Thích Thanh Giác, trụ trì chùa Phổ Chiếu, Ni sư Thích Tâm Chính, trụ trì chùa Vẽ, Đại đức Thích Trường Xuân, trụ trì chùa Linh Độ (chùa Đỏ)...
Để chuẩn bị cho tết ất Mùi (2015), nhiều nhà tài trợ đã có kế hoạch thực hiện trợ giúp. Trị giá mỗi suất quà khoảng 300.000 đồng. Chủ yếu là đường, sữa, bánh kẹo, gạo, dầu ăn....
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Các hoạt động trợ giúp người khuyết tật cần chuyển hướng theo cách tiếp cận dựa trên quyền của người khuyết tật, hình thành các mô hình hỗ trợ mang tính bền vững và hạn chế việc thăm hỏi, tặng quà. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Phạm Văn Huấn: Trẻ mồ côi và gia đình người khuyết tật là những người yếu thế nhất trong những người thiệt thòi. Vì vậy, việc thăm hỏi, tặng quà đột xuất cũng như thường xuyên dù ít dù nhiều cũng thể hiện sự quan tâm, động viên, khích lệ họ. Bởi trong mỗi suất quà đó, có sự đóng góp của nhiều thành phần trong xã hội từ người dân, tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo... Hơn nữa việc trực tiếp đón nhận những suất quà từ nhà tài trợ cũng là cơ hội để người khuyết tật, trẻ mồ côi tiếp cận với các nhà hảo tâm thể hiện sự tri ân đối với họ. Đổi lại, các nhà tài trợ thấy được ý nghĩa thực sự của món quà mình đem tặng. Vì vậy, dù giá trị suất quà có thể không lớn về mặt vật chất, nhưng có ý nghĩa tác động lớn về mặt tinh thần, nó góp phần động viên cả hai "đầu cầu" – nhà tài trợ và đối tượng thụ hưởng. Có nhiều nhà tài trợ đã bày tỏ: nếu không có Hội đứng ra làm cầu nối thì họ không biết sẽ trao ở đâu, cho đối tượng nào xứng đáng nhất, có nhiều khi trao không đúng địa chỉ cần nhận. Do đó, việc trao trực tiếp có ý nghĩa lớn, thúc đẩy xã hội hóa công tác từ thiện.
Hoạt động Hội đóng vai trò là cầu nối. Vì vậy, có nhiều trường hợp, Hội không thể chủ động chọn lựa việc trao cái gì, thời gian nào mà phải do nhà tài trợ quyết định. Có nhà tài trợ có tiềm lực lớn, họ muốn đi vào các chương trình cụ thể, mang tính bền vững. Bên cạnh đó cũng có những người khả năng hỗ trợ của họ có hạn, họ thấy trao quà là hợp lý, góp phần nâng cao đời sống của trẻ mồ côi, người khuyết tật, mình cũng không thể chối bỏ.
Đúng là trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, các hoạt động đang chuyển từ từ thiện sang tiếp cận quyền. Tuy nhiên, xã hội Việt Nam còn khó khăn như hiện nay thì việc chuyển hướng cũng phải thực hiện theo từng bước, làm từng cái một. Và trong lộ trình đó, đối với việc trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp đột xuất vẫn rất cần thiết. Song song với việc xây dựng các chương trình vẫn cần phải có sự thăm hỏi, động viên kịp thời với người khuyết tật, trẻ mồ côi cũng như các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác. Về lâu dài thì phải có chương trình trợ giúp mang tính bền vững, nhưng trước mắt vẫn không thể bỏ.
Phóng viên: Như ông vừa nói, việc thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp đột xuất góp phần rất lớn thực hiện xã hội hóa công tác từ thiện với người khuyết tật, trẻ mồ côi. Vậy, để có thể huy động được nguồn lực xã hội hóa một cách tốt nhất, kinh nghiệm của thành Hội Hải Phòng là gì?
Ông Phạm Văn Huấn: Cần phải có sự chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cấp Hội phát huy vai trò của mình. Ví dụ như doanh nghiệp, đóng trên địa bàn quận, huyện nào thì thành Hội phối hợp với quận, huyện Hội đó vận động. Thành Hội cũng chỉ đạo các quận, huyện Hội bám sát cấp ủy, chính quyền địa phương. Bởi phải có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương thì hoạt động Hội mới có cơ hội phát triển. Như thành Hội phải có sự chỉ đạo của thành ủy, UBND thành phố mới tổ chức được thành công chương trình Trái tim nhân hậu 2 năm một lần. năm 2014 thu về 4 tỷ đồng. Chương trình là một hình thức hội nghị biểu dương người khuyết tật, nhà tài trợ.
Phóng viên: Theo ông, việc thăm hỏi, tặng quà có vị trí như thế nào trong các hoạt động bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi mà các cấp Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi vẫn đang theo đuổi?
Ông Phạm Văn Huấn: Mục tiêu chính của Hội là tiếp cận quyền con người, quyền được chăm sóc, bảo vệ, về lâu dài như dạy nghề, việc làm, sinh kế phải đặc biệt quan tâm. Nhưng trước mắt mình không thể bỏ qua được những nhu cầu hàng ngày như ăn uống, sinh hoạt của người khuyết tật, trẻ mồ côi. Những hoạt động như thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp khó khăn đột xuất... sẽ bổ trợ cho hoạt dộng trợ cấp lâu dài. Người khuyết tật, trẻ mồ côi, nếu để họ đói quá, khổ quá thì có khi họ bỏ cả dạy nghề, bán cả bò để lấy cái ăn. Do đó, quan điểm của thành Hội là phải giúp đối tượng ấm bụng, ổn định tinh thần thì họ mới yên tâm học nghề, làm sinh kế được.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Tỉnh Hội Vĩnh Long: Bế giảng lớp dạy nghề cho 27 người khuyết tật - 06/02/2015 07:45
- Đại hội đại biểu Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh Tuyên Quang lần thứ Nhất (nhiệm kỳ 2015 - 2020) - 06/02/2015 07:27
- Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2015: Hiện thực hóa Luật NKT gắn với các chương trình trọng tâm của Hội - 06/02/2015 07:22
- Hội Bảo trợ NTT, TMC Việt Nam: Nỗ lực thực hiện hiệu quả các mô hình dạy nghề, mang lại việc làm bền vững cho NKT - 06/02/2015 07:13
- Thành công bằng sự khổ luyện và say mê - 06/02/2015 03:48
Các tin khác
- Phát động Chương trình Mùa xuân vì thế giới trẻ thơ - 05/02/2015 08:48
- Trung ương Hội: Tiếp nhận 600 triệu đồng hỗ trợ sửa chữa trường học tỉnh Hà Nam - 04/02/2015 08:52
- Nhiều hoạt động ý nghĩa từ Liên hoan Ẩm thực 2015 - 26/01/2015 08:56
- Xe taxi dành cho người khuyết tật có điểm gì đặc biệt? - 15/01/2015 04:46
- Cần can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật - 15/01/2015 04:41